Không phải hoa, quà hay son môi, đây mới là vấn đề phụ nữ Việt thực sự quan tâm: Đi làm như nam giới nhưng thu nhập và cơ hội thăng tiến vẫn thua kém nhiều
Bình đẳng giới tại Việt Nam, tuy đã có những cải thiện khởi sắc đáng kể, nhưng chắc chắn cần tiếp tục đấu tranh.
Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là 71,2%, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy vậy, vị thế công việc của người phụ nữ còn thấp, với 52,1% thuộc nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình.
Thu nhập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu VND/tháng, bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới (5,92 triệu VND/tháng). Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao: Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1% thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về nỗ lực bình đẳng giới. Quốc gia xếp thứ 33/149 trong mục ‘Phụ nữ tham gia và được tạo cơ hội phát triển kinh tế’, và xếp thứ 8 trong khu vực Tây Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo Global Gender Gap của ILO. Với 25% Giám đốc Điều hành (CEO) và hành viên ban giám đốc tại Việt Nam là phụ nữ, mong muốn thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ Việt Nam được thể hiện rõ rệt.
"Không chỉ quốc gia, mà doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy bình đẳng giới. Theo báo cáo của McKenzie, tăng trưởng bình đẳng cho phụ nữ sẽ giúp GDP toàn cầu tăng thêm 12,000 tỷ USD năm 2025. Doanh nghiệp có tỷ lệ phụ nữ 30% trong cơ cấu nhân sự, sẽ góp tăng 15% doanh thu.
Tuy vậy, vẫn tồn tại rào cản và định kiến với phụ nữ làm việc. Nỗi lo nghỉ thai sản khiến doanh nghiệp hỏi về tình trạng hôn nhân và gia đình của ứng viên nữ, thay vì tập trung vào kinh nghiệm và mong muốn phát triển nghề nghiệp. Chỉ tính riêng trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉ lệ lao động nam được kí kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn lên tới 73,91% thì với lao động nữ chỉ là 67,67%. Lao động nữ ít được bảo vệ hơn, và tính chất ổn định của công việc cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới", nhận xét của ông Andree Mangels, Giám đốc Điều hành của Adecco Malaysia & Việt Nam.
Bình đẳng giới không chỉ là bài toán của riêng quốc gia hay doanh nghiệp, mà còn là bài toán của phụ nữ đi làm. Theo ActionAid, phụ nữ Việt Nam trung bình dành hơn 300 phút (5 tiếng) mỗi ngày cho nhũng công việc không tên như việc nhà, chăm sóc người thân…
Chị Nguyễn Hồng Phượng, Giám đốc Tài chính của Adecco Việt Nam, chia sẻ: "Mỗi ngày đều có 24 giờ, phân bố cho công việc, gia đình và chính bản thân mình. Không phải lúc nào sự phân chia cũng đồng đều, nhưng sự cân bằng và ưu tiên luôn là chìa khóa".
Không chỉ quỹ thời gian, mà sự lựa chọn cho bản thân của người phụ nữ nhiều lúc vẫn bị xét nét. Tại nhiều buổi tọa đàm về vấn đề ‘Phong cách của phụ nữ chuyên nghiệp’, định nghĩa về người phụ nữ chuyên nghiệp vẫn còn khá bảo thủ, với những tiêu chí như: bắt buộc phải trang điểm hay đi làm mặc màu đen và xanh navy. Liệu những tiêu chuẩn như vậy tồn tại ở buổi tọa đàm dành cho đàn ông đi làm, hay chúng ta đang đặt những tiêu chuẩn không cần thiết cho phụ nữ?
Bình đẳng giới tại Việt Nam, tuy đã có những cải thiện khởi sắc đáng kể, nhưng chắc chắn cần tiếp tục đấu tranh. Sự bất công về cơ hội, vị thế và chế độ tuyển dụng, lương thưởng của phụ nữ vẫn tồn tại, và có xu thế nới rộng tại những vị trí cao, đòi hỏi bằng cấp và kinh nghiệm.