Không phải đài truyền hình Việt Nam, đối tác Pháp mới thực sự là người kiểm soát hoạt động của K+

11/04/2016 10:06 AM | Kinh doanh

Dù VTV là cổ đông chi phối, nhưng trên thực tế, tập đoàn Pháp Canal+ có cả quyền vận hành và quản lý tài chính K+, điểm này đã được thông qua bởi các cổ đông chính và qua các văn bản hoạt động của công ty.

Những tưởng năm nay cuộc chơi tranh giành bản quyền truyền hình phát sóng Ngoại hạng Anh sẽ dịu xuống khi Hiệp hội truyền hình Trả tiền (VnPayTV) đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ việc mua chung bản quyền giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh thay vì cạnh tranh nhau mua riêng lẻ như mọi năm.

Người hâm mộ bóng đá tin rằng với cách thức mới này, quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh sẽ được san sẻ đều cho các kênh truyền hình trả tiền, thay vì bị K+ thâu tóm độc quyền như vài năm qua.

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.

Việc đối tác bán bản quyền là MP&Silva không thích cách “mua chung” của VnPayTV, chần chừ khi thương thảo hợp đồng, cùng với động thái mạnh mẽ muốn ra tay trước của K+ cho thấy nhiều khả năng, bản quyền giải ngoại hạng Anh mùa 2016 – 2019 một lần nữa, sẽ tái diễn kịch bản giống các năm gần đây.

Đó là K+ sẽ giành được quyền phát sóng sau khi bỏ ra một số tiền cao ngất. Các đài truyền hình còn lại, nếu có được phát sóng, cũng sẽ chỉ được quyền phát sóng những phần “xương” nhất.

MP&Silva không mặn mà gì với VnPayTV cũng dễ hiểu khi trước đó, VnPayTV đã tuyên bố chỉ mua bản quyền với giá ngang bằng hoặc cao hơn không quá 20% so với mùa 2013 - 2016. Trong khi đó, K+ sẵn sàng chi mạnh tay hơn nhiều.

Câu chuyện K+ đòi ra riêng và “đánh quả lẻ” không phải là câu chuyện mới trong những năm qua. Tuy nhiên, người ta cũng đặt câu hỏi, tại sao K+, trên lý thuyết là thuộc quyền sở hữu của đài truyền hình Việt Nam (VTV nắm giữ 51% cổ phần tại K+, là ngưỡng chi phối, Canal+ Group của Pháp chỉ nắm giữ 49%), lại không bao giờ có được tiếng nói chung với những đài anh em còn lại? Tại sao VTV luôn im lặng trước những động thái của K+?

Báo cáo tài chính năm 2015 của Canal+ có thể lý giải điều này. Trong phần liệt kê các công ty đang thuộc quyền sở hữu của Canal+, có một dòng chú thích nhỏ dành riêng cho K+.

Theo đó, phía Canal+ cho biết, tập đoàn nắm giữ 49% cổ phần tại VSTV (Công ty Truyền hình vệ tinh số Việt Nam – K+) và 51% còn lại thuộc về VCTV - công ty con của VTV. Mặc dù vậy, tập đoàn Canal+ có cả quyền vận hành và quản lý tài chính của công ty này, điểm này đã được thông qua bởi các cổ đông chính và qua các văn bản hoạt động của công ty.

Kết quả kinh doanh của K+ cũng được hợp nhất với Vivendi, đơn vị sở hữu Canal Group.

Như vậy, dù VTV là cổ đông chi phối, nhưng trên thực tế, tập đoàn Pháp Canal+ mới là người thực sự điều hành các hoạt động cũng như chiến lược phát triển của K+. Quan trọng hơn, VTV đồng ý với điều khoản này.

Quay lại câu chuyện tranh giành bản quyền ngoại hạng Anh, việc K+ muốn tiếp tục đơn phương giành lấy quyền phát sóng có thể tác động nghiêm trọng tới các đài truyền hình khác năm nay.

Gần đây, K+ đã tuyên bố giảm giá gói cước của mình xuống còn 125.000 đồng/tháng, ngang bằng với mặt bằng chung thị trường hiện nay (giá cước trước đây là 230.000 đồng/tháng). Việc giảm giá cộng thêm độc quyền ngoại hạng Anh sẽ khiến áp lực của K+ tới các nhà mạng tăng lên gấp đôi.

Việc K+ giảm giá mạnh cho thấy hãng đang nóng lòng muốn tăng trưởng số lượng thuê bao. Hiện tại, K+ mới có khoảng 800.000 thuê bao, còn rất nhỏ so với con số 10 triệu thuê bao truyền hình trả tiền cả nước.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM