Không phải cứ chăm chỉ là sẽ được đền đáp, bí quyết thành công của các doanh nhân Nhậm Chính Phi, Lôi Quân nằm ở điểm khác biệt này
Câu nói "Thiên Đạo thù cần" có nghĩa là "Đạo trời ban thưởng đền đáp cho người cần cù phấn đấu". Chúng ta có thể hiểu nôm na là "Ông trời không phụ lòng người", nhân sinh nếu siêng năng, cần cù, ắt sẽ nhận lại được quả ngọt. Thế nhưng, đối với một số danh nhân trên thế giới, đạo lý này lại hoàn toàn không phải là yếu tố quyết định sự thành công của họ.
01.
Lôi Quân - cha đẻ Xiaomi, từng hỏi ý kiến Lưu Cần của Morningside Capital về đầu tư.
"Tôi luôn cảm thấy anh có nét độc đáo của riêng mình trong việc đầu tư. Anh có thể cho tôi biết, bí quyết thành công của anh là gì không?".
Lưu Cần trả lời: "Tôi tin Thiên Đạo thù cần. Nếu cậu siêng năng, cậu nhất định sẽ trở thành một nhà đầu tư giỏi."
Thế nhưng Lôi Quân lập tức phản pháo: "Tôi không nghĩ siêng năng có thể đem lại thành công."
Lôi Quân tuy thông minh và chăm chỉ, nhưng lúc bấy giờ ông không nhận được thành tựu tương ứng.
Hầu như những ai biết Lôi Quân đều có chung một đánh giá về anh: siêng năng. Ngày ấy, khi Lôi Quân còn làm việc ở Kim Sơn, ông chỉ ngủ 4 hoặc 5 tiếng mỗi ngày, và ông được biết đến với biệt danh "Hình mẫu lao động của Zhongguancun."
Cha đẻ của Xiaomi – Lôi Quân. Ảnh: Internet
Công ty Kim Sơn - nơi ông làm việc, phát triển rất chậm. Trong khi đó Mã Vân - kinh doanh trễ hơn ông, mà đã bắt đầu có tiếng tăm rồi.
Sau nhiều lần suy ngẫm, ông quyết định từ chức ở Kim Sơn. Thoát ra khỏi công việc bộn bề đó, ông mới chứng kiến được sự trỗi dậy nhanh chóng của hàng loạt công ty Internet như Sina, NetEase, Sohu. Lúc này, ông mới nhận ra mình không thua ở sự siêng năng, mà thua ở chiến lược. Nếu không tỉnh ngộ, có lẽ Lôi Quân vẫn còn là một "công nhân" làm việc ngày đêm ở Zhongguancun.
Mỗi lần nghĩ lại khoảng thời gian đó, ông đều xúc động nói: "Đừng bao giờ dùng sự siêng năng để che đậy sự lười biếng về suy nghĩ chiến lược".
02.
Einstein từng nói thế này: "Nếu bạn cho tôi một giờ để trả lời một câu hỏi quyết định sự sống của mình, tôi sẽ dành 55 phút để tìm ra câu hỏi đó rốt cuộc đang hỏi gì. Khi đã rõ câu hỏi muốn hỏi gì, 5 phút còn lại là đủ để đưa ra câu trả lời".
Nỗ lực rất quan trọng, nhưng những nỗ lực mà không có định hướng thì chẳng khác gì những con ruồi mất đầu, chúng nỗ lực bay một cách không suy nghĩ, kết quả những con ruồi đó va đầu vào khắp nơi.
Trong cuốn "Hãy làm cho thời gian của bạn có giá trị hơn" có đề cập đến sự khác biệt giữa "siêng năng cấp thấp" và "siêng năng cấp cao".
Những người siêng năng cấp thấp như trong hình dưới đây: những người vận chuyển hàng hóa bận rộn với công việc đơn giản và lặp đi lặp lại, nhưng họ không bao giờ nhìn xuống bánh xe ở dưới chân.
Trong khi những người siêng năng cấp cao có thể nhận được nhiều tiền công hơn dù họ cũng nỗ lực như bao người khác. Sự khác biệt ở chỗ những người thông minh cấp cao biết nâng cấp tư duy, thay đổi phương pháp và tận dụng sự hỗ trợ của các công cụ.
03
Nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi từng nói: "Nhận thức gần như là điểm khác biệt cơ bản duy nhất giữa người với người". Vậy làm thế nào để cải thiện trình độ nhận thức của mình? Sau đây là 3 gợi ý:
1. Biết chắt lọc để tiếp thu, tích lũy kiến thức
Nếu bạn muốn thay đổi tư duy, thì tiếp thu kiến thức là điều vô cùng cần thiết. Chỉ có 2 cách có thể giúp chúng ta mở mang kho tàng kiến thức, đó là: Đi nghìn dặm và đọc hàng nghìn cuốn sách.
Khi kiến thức trong não bạn đủ rộng và sâu, bạn sẽ có đủ khả năng va chạm với thế giới và tạo ra "bước nhảy vọt về tư duy".
2. Luôn hào hứng tìm tòi, khám phá cái mới
Một người càng biết nhiều thì càng cảm thấy mình biết ít. Những tảng băng nổi trên biển cũng giống như một phần nhỏ trong tri thức vậy, và những tảng băng trôi vô hình dưới mặt biển chính là những điều mà ta chưa biết.
Cái gọi là trưởng thành, chính là có thể duy trì sự nhạy cảm của bản thân và giữ thái độ cởi mở tiếp thu cái mới. Hãy tiếp thu kiến thức mới, không ngừng tìm tòi và suy ngẫm, không ngừng bứt phá và nâng cấp bản thân.
3. Dám trải nghiệm, học phải đi đôi với hành
Nếu chỉ biết lý thuyết mà không thực hành, thì ta sẽ không bao giờ tiếp thu được tri thức. Chỉ khi dám hành động, dám trải nghiệm, ta mới có thể hình thành nên nhận thức của bản thân. Nếu bạn không tư duy, sự siêng năng cũng trở nên vô nghĩa. Nếu bạn không có nhận thức, có chăm chỉ cũng bằng thừa.
Có một câu nói rất hay: Nhận thức xác định giới hạn trên, nỗ lực để xác định giới hạn dưới. Để đạt được thành công trong cuộc sống, bạn phải nâng cao nhận thức của mình, làm việc chăm chỉ, thâm nhập bản chất của sự vật, dám phá vỡ giới hạn của bản thân.