Không phải chết do bạo bệnh, đây là giả thiết đáng sợ về cái chết của Tần Thủy Hoàng
Nếu Tần Thủy Hoàng không chết do bạo bệnh, vậy ông đã chết vì nguyên nhân gì?
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính hay Triệu Chính. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và đã trở thành vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, đồng thời cũng được xem là vị Hoàng đế đầu tiên nhất thống Trung Hoa sau khi khi tiêu diệt lục quốc và chấm dứt thời Chiến Quốc.
Nhận định về cuộc đời của vị vua được mệnh danh là "thiên cổ nhất đế" ấy, nhiều người cho rằng từ thân thế cho đến quá trình trưởng thành và đặc biệt là nguyên nhân qua đời của ông vẫn còn ẩn chứa không ít bí mật chưa có lời giải đáp.
Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bất ngờ băng hà ở tuổi 49 khi đang trên đường tuần du. Liên quan tới cái chết đột ngột của ông, triều đình chỉ công bố nguyên nhân là do lâm bạo bệnh.
Còn ý kiến của các nguồn sử liệu phương Tây lại cho rằng, vị Hoàng đế này qua đời do nhiễm độc thủy ngân khi lạm dụng các loại thuốc trường sinh và đan dược được luyện chế thời bấy giờ.
Thế nhưng theo nhận định của các học giả Trung Quốc, cái chết của Tần Thủy Hoàng thực chất còn ẩn chứa nhiều bí mật kinh thiên động địa liên quan tới những âm mưu chính trị sâu xa khi đó. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ông qua đời là do bị ám sát theo một cách thức vô cùng man rợn mà khó ai có thể tưởng tượng được.
Điềm báo đại hung về cái chết của Tần Thủy Hoàng và hồi mạt vận của nhà Tần
Tần Thủy Hoàng trị vì tổng cộng 37 năm, trong đó ở ngôi Tần vương 25 năm, xưng đế 12 năm, qua đời vì bệnh vào năm 210 TCN ở tuổi 49. (Ảnh minh họa).
Càng về những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng càng thêm ám ảnh về cái chết và tuyệt vọng sau hàng loạt những cuộc tìm kiếm thuốc trường sinh bất thành.
Xuất phát từ sự lừa gạt của bè lũ đạo sĩ đương thời về thứ gọi là đan dược đem lại sự bất tử, cùng với đó là các chuyến đi thu về nhiều kết quả vô vọng của Từ Phúc, vị Hoàng đế này trở nên sợ hãi sự thật rằng mình sẽ buộc phải tuân theo guồng quay của sinh – lão – bệnh – tử.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, do ám ảnh về cái chết và các "linh hồn xấu xa", ông đã cho xây dựng hàng loạt các đường hầm và lối đi thông qua những cung điện của mình vì cho rằng chúng sẽ đem lại sự an toàn và giúp ông di chuyển mà không bị những thế lực hắc ám ở thế giới bên kia tìm thấy.
Một năm trước khi Tần Thủy Hoàng qua đời (năm 211 TCN), một thiên thạch được cho là đã rơi xuống Đông Quận thuộc vùng hạ lưu sông Hoàng Hà. Tương truyền rằng phía trên thiên thạch ấy còn ghi rõ dòng chữ:
"Thủy Hoàng sẽ chết và đất nước sẽ bị chia cắt".
Khi vừa nghe tin về điềm báo đại hung nói trên, Tần Thủy Hoàng đã phái người đi điều tra nhưng không thu được kết quả. Tất cả những người sống ở khu vực này vì vậy mà đều bị ông giết, còn tảng đá kia sau đó đã bị đốt cháy và nghiền thành bột.
Thế nhưng dù cho giai cấp thống trị có cố gắng lấp liếm sự kiện này tới đâu, thì bách tính thời bấy giờ vẫn truyền tai nhau rằng đó là điềm báo về ngày tận mạng của Tần Thủy Hoàng và hồi mạt vận của vương triều nhà Tần.
Quả nhiên ngay vào năm sau đó (tức năm 210 TCN), Tần Thủy Hoàng đã đột ngột qua đời ở Bình Đài, thuộc đất Sa Khâu khi đang trên đường đi tuần du.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với một người mới chớm bước sang tuổi ngũ tuần như ông mà nói, cái chết do bạo bệnh này quả thực đến quá đỗi bất ngờ.
Sự ra đi đột ngột của ông không những khiến vương triều nhà Tần vừa mới thành lập bị hao tổn nguyên khí nặng nề mà còn để lại không ít những bí ẩn chưa có lời giải đáp đối với hậu thế đời sau.
Hai giả thiết về nguyên nhân qua đời của Tần Thủy Hoàng: Do chứng động kinh hay bị ám sát dã man?
Có rất nhiều giả thiết xoay quanh cái chết của Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên trong số đó, hai quan điểm được giới học giả Trung Quốc ủng hộ hơn cả là nguyên nhân liên quan tới bệnh tật hoặc bị ám sát. (Tranh minh họa).
Liên quan tới nguyên nhân cái chết của Tần Thủy Hoàng, giới học giả Trung Quốc chủ yếu ủng hộ hai luồng giả thiết dưới đây.
Giả thiết thứ nhất cho rằng cái chết của Tần Thủy Hoàng là cái chết tự nhiên xuất phát từ một số chứng bệnh đã phát sinh từ khi ông còn sống.
Thông qua các miêu tả của "Sử ký", những người ủng hộ ý kiến này cho rằng Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã mắc bệnh, lại ốm yếu, sau này buộc phải trưởng thành trong hoàn cảnh phức tạp, hơn nữa từ khi lên ngôi còn bạt mạng làm việc lao lực, do đó ắt không thể mạnh khỏe như người thường bất luận là về thể chất hay tâm lý.
Tờ báo Sina còn nhận định, rất có khả năng vị Hoàng đế này từ thuở thiếu thời đã xuất hiện một số triệu chứng của bệnh lý về viêm màng não. Thêm vào đó, những chuyến tuần du dài ngày bằng xe ngựa trong thời tiết nóng nực đã khiến ông mắc thêm chứng động kinh vào trước lúc qua đời.
Cũng liên quan tới giả thiết nói trên, có giai thoại còn truyền lại rằng khi đi tuần du xuôi xuống Hoàng Hà vào năm 210 TCN, chứng động kinh của ông lại phát tác. Do ngồi xe ngựa qua những chặng đường gồ ghề nên nhà vua đã vô tình bị đập đầu vào đồ đồng đựng đá và hôn mê sâu, vì vậy nên mới đột ngột qua đời.
Có khả năng những chuyến tuần du dài ngày với điều kiện thời tiết và địa hình không thuận lợi đã khiến Tần Thủy Hoàng càng thêm ốm yếu và bị tái phát một vài bệnh cũ. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).
Giả thiết thứ hai được nhà sử học Quách Mạt Nhược ủng hộ lại khẳng định: Tần Thủy Hoàng có khả năng rất cao là bị người khác mưu hại. Do đó cái chết của ông bị coi là hết sức bất thường.
Theo ý kiến của Quách Mạt Nhược, nhà vua khi đó dù quả thực có bệnh nhưng thần trí vẫn được coi là minh mẫn. Cũng theo ghi chép của "Sử ký", khi biết mình sắp qua đời, ông đã tự tay viết thư cho con trai cả là Phù Tô với nội dung:
"Con về Hàm Dương làm đám tang và chôn cất ta ở đấy".
Sau đó, bức thư có thể xem như di chiếu truyền ngôi này đã được Thủy Hoàng sai thái giám thân tín Triệu Cao phái người truyền gấp tới biên quan phía Tây Bắc cho Phù Tô.
Thế nhưng hoạn quan họ Triệu khi đó có mưu đồ riêng, lại ủng hộ con thứ Hồ Hợi nên đã cố tình trì hoãn. Cuối cùng, Hồ Hợi vì lo sợ "đêm dài lắm mộng", do đó đã liên thủ với Triệu Cao ám sát chính cha ruột của mình.
Quan điểm của Quách Mạt Nhược cũng cho rằng, Hồ Hợi rất có thể đã dùng một cây đinh sắt dài 3 tấc để đóng vào đầu Tần Thủy Hoàng và khiến ông bỏ mạng. (Theo Sina).
Nếu giả thiết này là sự thật thì có lẽ Tần Thủy Hoàng đã phải chết trong đau đớn bằng một hình thức tra tấn quá đỗi man rợn, mà kẻ đứng sau lại chính là người con trai thứ mà ông hằng yêu mến.
Tuy nhiên hết thảy những lập luận nói trên dù được nhiều người tin tưởng tới đâu thì vẫn chỉ dừng lại trên phương diện giả thiết. Cho tới ngày nay, địa cung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng chưa được khai quật, cũng bởi vậy mà nguyên nhân xác thực về cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn đối với hậu thế.
*Theo quan điểm của Sina.