Không nên đánh đồng tín dụng đen với cho vay của công ty tài chính
Công ty tài chính được cấp phép đăng ký kinh doanh rõ ràng, không hoạt động chui. Còn bản chất của tín dụng đen, cho vay nặng lãi là những việc mà pháp luật không cho phép, hoặc không thực hiện đăng ký kinh doanh. Do vậy, dù làm thế nào cũng không thể đánh đồng hoạt động công ty tài chính với tín dụng đen.
Trong vòng 4 tháng trở lại đây, NHNN đã ban hành 3 công văn chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng. Chia sẻ với phóng viên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, việc tăng cường nhắc nhở, kiểm soát của NHNN là cần thiết. Bởi, NHNN chịu trách nhiệm quản lý chung về các hoạt động cho vay của các TCTD, bao gồm cả các TCTD phi ngân hàng như CTTC. Do vậy, việc cảnh báo hoạt động của các CTTC cũng là điều bình thường.
Liệu có phải do cơ quan quản lý lo lắng về dấu hiệu biến tướng hoạt động cho vay tiêu dùng?
Thực tế thì không chỉ có CTTC mà các NHTM cũng liên tục nhận được những cảnh báo của NHNN về việc giám sát hoạt động cho vay đảm bảo các quy định của pháp luật, cũng như kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng.
Nhưng ở đây phải nói rõ thêm, cho vay thông qua CTTC là hoạt động cho vay hợp pháp, vì công ty này chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật nên không thể coi là tín dụng đen được.
Nếu một CTTC cho vay với lãi suất quá cao, hoặc chưa thực sự minh bạch khi không giải thích rõ cho khách hàng biết những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vay vốn; hay CTTC nào có áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng theo quy định của pháp luật… thì các cơ quan quản lý sẽ có chế tài để xử lý.
Có thể nói, CTTC được cấp phép đăng ký kinh doanh rõ ràng, không hoạt động chui. Còn bản chất của tín dụng đen, cho vay nặng lãi là những việc mà pháp luật không cho phép, hoặc không thực hiện đăng ký kinh doanh. Do vậy, dù làm thế nào cũng không thể đánh đồng hoạt động CTTC với tín dụng đen.
Tuy nhiên, trong bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, sẽ có công ty trong quá trình hoạt động kinh doanh không đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, thậm chí là vi phạm.
Vậy, theo ông có nên thu hẹp hoạt động của các CTTC để cơ quan quản lý dễ kiểm soát?
Tôi lại nghĩ khác. Theo tôi, nên có cơ chế khuyến khích các CTTC thành lập nhiều hơn, bởi mức độ cạnh tranh càng cao, khách hàng càng có cơ hội sử dụng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá rẻ. Dĩ nhiên là phải tăng cường cơ chế quản lý kiểm soát, cấp phép nhưng tạo hành lang rõ ràng thông thoáng để cho các CTTC sớm thành lập.
Thực tế nhu cầu vay vốn ở ngoài xã hội là khá nhiều. Tuy nhiên, không phải người vay nào cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngân hàng. Không phải ai cũng là người làm công ăn lương, có thu nhập ổn định, nhưng họ vẫn có nhu cầu mua xe hay vay tiền để kinh doanh nhỏ… Đấy là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Lượng khách hàng này chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Khi có cung, ắt cần phải có cầu. Sự ra đời của CTTC phục vụ lượng khách hàng như vậy rất là cần thiết cho xã hội. Nên không phải tự nhiên các công ty khảo sát thị trường cả trong nước cũng như nước ngoài đều đánh giá tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam rất cao.
Đó có phải là lý do lãi suất cho vay tại CTTC cao hơn nhiều so với ngân hàng không, thưa ông?
Đúng vậy. Vì rủi ro cho vay đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo cũng như nguồn thu nhập không ổn định là rất cao. Ngoài rủi ro, chi phí hoạt động đối với CTTC cũng cao hơn so với ngân hàng vì khoản vay giá trị rất nhỏ. Đối với ngân hàng, 1 tỷ đồng có thể chỉ cho 1 khách hàng vay; nhưng tại CTTC, 1 tỷ đồng có thể cho vay hàng trăm khách hàng. Rõ ràng, việc CTTC phải làm hàng trăm bộ hồ sơ, chi phí tốn kém hơn nhiều so với 1 bộ hồ sơ.
Thời gian gần đây có nhiều băn khoăn về vấn đề lãi suất cũng như hoạt động cho vay của CTTC chưa minh bạch. Theo tôi, cách tốt nhất là siết chặt cơ chế quản lý, tạo hành lang vừa nghiêm túc nhưng đủ rõ ràng để các CTTC có thể hoạt động được. Nếu làm tốt được việc đó, sẽ giảm thiểu ngăn ngừa cho vay nặng lãi. Hơn thế, khi số lượng các CTTC cho vay tiêu dùng nhiều hơn, hoạt động bài bản hơn, dịch vụ tốt hơn để cạnh tranh, tự động lãi suất sẽ giảm và người tiêu dùng được hưởng lợi.
Xin cảm ơn ông!