Không giáo dục người tiêu dùng, không thay đổi nguồn cung, Bách Hóa Xanh sẽ “giữ đúng hẹn” 1.000 cửa hàng trong năm 2018?

05/03/2018 08:48 AM | Kinh doanh

Bách Hoá Xanh theo quan điểm người cầm trịch là không có ý định giáo dục người tiêu dùng mà sẽ nỗ lực tạo ra một môi trường, phương thức mua sắm hiện đại hơn chợ truyền thống, thú vị hơn cửa hàng bách hoá.

"Bách Hóa Xanh không làm thay đổi nguồn cung, không làm thay đổi số lượng nông dân, mà chỉ là một đường đi mới đưa nông sản đến tay người tiêu dùng".

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài trong một buổi trao đổi gần đây khi nói về định hướng phát triển chủ lực của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) trong năm 2018. Theo ông Tài, hiện nguồn cung cấp nông sản từ nông dân đang đi theo một đường không rõ ràng từ chợ đến tay người tiêu dùng. Như vậy, việc Bách Hóa Xanh ra đời sẽ không nhằm thay đổi số lượng nông dân hay nguồn cung, mà chỉ tạo ra một đường đi mới đưa sản phẩm từ nông dân đến nơi tiêu thụ cuối cùng.

Bởi, "Người tiêu dùng không phải là một đối tượng mà mình có thể định hướng, có thể giáo dục. Mình chỉ làm được một việc thôi, đó là lắng nghe nhu cầu người dùng và thị trường. Giỏi hơn một chút là đón đầu được nhu cầu sẽ dịch chuyển về hướng nào và làm mọi thứ để bắt nhịp được với nó. Đó là một nỗ lực không tưởng. Còn chuyện thay đổi thị trường tôi không tin rằng mình làm được", ông Tài phân trần.

Như vậy, Bách hoá Xanh trong thị trường 50 tỷ USD, MWG mở ra không phải để thay thế chợ truyền thống hay cửa hàng bách hoá mà chỉ cung cấp phương thức mua sắm bổ sung.

Giữ đúng hẹn – Năm 2018 Bách Hóa Xanh ồ ạt mở rộng quy mô hơn 3 lần, hướng đến mốc 1,000 cửa hàng

Được thai nghén từ mô hình Alfamart của Indonesia, Bách Hóa Xanh ngay từ đầu đã lựa chọn phân khúc siêu thị mini - vừa tránh được cạnh tranh với siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi đã ngày càng chật chội; vừa phù hợp với năng lực phủ sóng sâu rộng, đến từng ngõ ngách của MWG. Theo đó, hướng đi của chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ không tạo ra sự khác biệt của sản phẩm mà sẽ chỉ là"chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn".

Về "tiền bối" Alfarmart, đứng đầu quy mô về chuỗi siêu thị mini tại Indonesia với hơn 10.000 cửa hàng, yếu tố thành công của mô hình này theo giới phân tích là nhờ vào chiến lược hướng đến tầng lớp có thu nhập trung bình-thấp, mở các cửa hàng có diện tích nhỏ (90-100 m2) nằm ở các trục đường nhỏ và các hẻm với mục tiêu gần nhất có thể đến với khách hàng. Chưa hết, một trong những lợi thế so sánh của Alfamart so với chợ và bách hóa truyền thống là dịch vụ tốt với nhân viên thân thiện, không gian cửa hàng sạch sẽ, hiện đại. Doanh thu Alfarmart đến năm 2016 đạt hơn 4 tỷ USD, biên lợi nhuận gộp tương ứng đạt 19% và sở hữu trên 40% thị phần siêu thị mini.

 Không giáo dục người tiêu dùng, không thay đổi nguồn cung, Bách Hóa Xanh sẽ “giữ đúng hẹn” 1.000 cửa hàng trong năm 2018?  - Ảnh 1.

Trước thành công của người đi trước, ngay từ những ngày đầu triển khai, MWG đã "tự nhủ" sau quá trình thử nghiệm thành công, từ năm 2018 Bách Hóa Xanh sẽ bắt đầu mở ồ ạt cả ngàn cửa hàng để thống trị thị trường bán lẻ như Alfamart đã làm ở Indonesia. Và giữ đúng hẹn, ĐHĐCĐ sắp đến đây Công ty sẽ trình cổ đông thông qua phương án huy động vốn thêm 3.000 tỷ đưa Bách Hoá Xanh "phủ kín" Tp.HCM, tức tăng quy mô từ 283 cửa hàng hơn 3 lần lên mốc 1.000 đơn vị đến cuối năm 2018.

Được biết, sau gần 3 năm triển khai Bách Hóa Xanh đã đạt được những kết quả nhất định ban đầu: Năm 2016 hoàn tất giai đoạn thử nghiệm với hơn 40 siêu thị tập trung tại Tp.HCM; năm 2017 nâng số cửa hàng lên 283 với tổng doanh thu đạt 1.387 tỷ đồng.

Song, thực tế vẫn còn khó khăn bởi lĩnh vực kinh doanh này khá mới mẻ, trong khi MWG chỉ được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực điện thoại, điện máy; nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu rằng Bách Hóa Xanh có đạt được thành công như chuỗi Thế giới Di động đã từng?

Bách Hóa Xanh – Góc nhìn từ người trong cuộc, khách tiêu dùng đến giới phân tích

Trở lại câu chuyện lắng nghe người tiêu dùng, ông Tài cho rằng Bách Hóa Xanh hiện nay dù chưa hoàn hảo nhưng đã thực hiện được mục tiêu trên. Khi mà so với một cửa hàng tạp hóa có khoảng 100-150 mặt hàng thì Bách Hóa Xanh có khoảng 1.500 mặt hàng, đa dạng hơn nhiều. Cửa hàng tạp hóa không có đồ tươi sống nhưng Bách hoá Xanh thì có, đồng thời hàng hoá bài trí khoa học cho khách tự chọn lựa, máy lạnh mát mẻ. "Như vậy khi khách hàng so sánh Bách hóa Xanh với một tiệm tạp hóa truyền thống thì họ thấy rằng đi Bách hóa Xanh sẽ sướng hơn, hàng phong phú hơn, thậm chí có nhiều mặt hàng rẻ hơn", ông Tài nói.

Ngược lại, khi so với chợ truyền thống, theo ông Tài, thì tính đa dạng về mặt hàng tươi sống không bao giờ bằng. Ví dụ một người nội trợ muốn mua món đặc biệt như móng heo hoặc tai heo thì phải ra chợ, Bách Hóa Xanh không có. Song, Bách Hóa Xanh có thể đáp ứng được nhu cầu về thịt ba chỉ, thịt… tức những mặt hàng mang lại 80% doanh thu. Do đó, mặc dù chưa hoàn toàn thay thế được chợ truyền thống, nhưng Bách Hóa Xanh với ưu điểm về địa điểm vẫn được kỳ vọng sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu người tiêu dùng.

 Không giáo dục người tiêu dùng, không thay đổi nguồn cung, Bách Hóa Xanh sẽ “giữ đúng hẹn” 1.000 cửa hàng trong năm 2018?  - Ảnh 2.

Sản phẩm được trưng bày để bán tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải cửa hàng Bách Hóa Xanh nào cũng được đón nhận, điển hình những đơn vị tại tỉnh Hóc Môn kinh doanh rất ế ẩm. Trả lời vấn đề này, ông Tài cho biết hiện Bách Hóa Xanh vẫn chưa đến giai đoạn có thể áp dụng sản phẩm cho từng cửa hàng, mà Công ty chỉ mới có một tiêu chuẩn chung cho toàn hệ thống. Cho nên, việc hiệu suất kinh doanh không tốt ở một số địa phương cũng là điều bình thường, phải cần thêm thời gian.

Về bức tranh tài chính, tính đến nay chỉ một số ít cửa hàng bách hóa này hoà vốn, phần còn lại vẫn đang được hai "đàn anh" Thế giới Di động, Điện Máy Xanh bơm tiền. Là lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ khi Thế Giới Di Động chỉ được biết đến nhiều trong lĩnh vực điện thoại, điện máy; Công ty cho biết đang cố gắng để đạt doanh thu mỗi cửa hàng từ 1-1,2 tỷ đồng, KPIs cửa hàng Bách hóa xanh thì MWG chưa đặt nặng. Tuy vậy, trong 5 năm tới chuỗi Bách Hóa Xanh được ban lãnh đạo kỳ vọng có thể góp tới 50% doanh thu của cả tập đoàn.

Từng gây xôn xao vào những năm 2015-2016, nhiều chuyên gia giới phân tích lúc bấy giờ rất kỳ vọng vào mô hình Bách Hóa Xanh cũng như tiềm lực tài chính của MWG. Đến nay, sau giai đoạn thử nghiệm, MWG chính thức bơm hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn để mở rộng độ phủ, Bách Hóa Xanh theo đó lại gây tranh cãi trên thị trường.

Bên cạnh nhiều nghi vấn đặt ra về sự thành công của mô hình này khi mà vẫn đang thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, biên lợi nhuận còn thấp chưa đạt mục tiêu đề ra; nhiều chuyên gia vẫn rất lạc quan. Trong đó, với quan điểm thị trường Việt Nam có đặc điểm rất tương đồng với thị trường Indonesia – nơi Alfarmart đã rất thành công, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng khó khăn của Bách Hóa Xanh chỉ là ngắn hạn. Do đó, VCSC dự báo đến năm 2026, Bách Hóa Xanh sẽ mang về cho MWG 172,369 tỷ đồng doanh thu, tương ứng mức lãi ròng là 5,377 tỷ đồng, đồng thời đạt 8,300 cửa hàng sau 10 năm (2017-2026).

 Không giáo dục người tiêu dùng, không thay đổi nguồn cung, Bách Hóa Xanh sẽ “giữ đúng hẹn” 1.000 cửa hàng trong năm 2018?  - Ảnh 3.

Mặc khác, các cửa hàng Bách Hoá Xanh hiện mở theo quy tắc mỗi cửa hàng cách nhau 800 mét, bề ngang rộng khoảng 16 mét, chiều sâu khoảng 150 mét. Sau khi mở thành công tại Tp.HCM, người cầm cương cho biết chuỗi này sẽ mở ở các thành phố có môi trường kinh doanh tương tự như Hà Nội, Đà Nẵng trước khi nghĩ đến việc mở rộng ra toàn quốc. Mục tiêu Bách hoá Xanh có thể chiếm 40% thị phần ở mảng kinh doanh.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM