Không đoàn kết, kinh tế toàn cầu khó vượt đại dịch

27/09/2020 17:38 PM | Xã hội

Mong muốn giải quyết các vấn đề đa phương hiện thấp hơn nhiều so với năm 2008, khi khủng hoảng tài chính xảy ra.

David Brown là giám đốc điều hành New View Economics. Với sự nghiệp hơn 40 năm tại London, Brown từng là kinh tế gia trưởng tại nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế. Dưới đây là bài viết “” của ông đăng trên SCMP.

“Đoàn kết thì tồn tại, chia rẽ thì biến mất” có thể là một câu ví von phù hợp với những thách thức to lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Chúng ta đang sống trong thời kỳ với nhiều khó khăn như đại dịch, suy thoái và chủ nghĩa bảo hộ, cần những giải pháp triệt để trong vài năm tới. Đó vẫn là câu hỏi lớn mặc dù các nước đang sát cánh cùng nhau, nhưng sẽ là bài toán khó hơn khi các bất đồng chính trị ngày càng nhiều.

Liệu sự trở lại chủ nghĩa đa phương có thể giúp thúc đẩy quá trình phục hồi trong vài năm tới hay không? Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vốn đang mâu thuẫn nhưng cũng không loại trừ các bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 có thể là thời điểm quyết định đối với thế giới nếu mở ra một kỷ nguyên mới của sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Thế giới cần một kế hoạch khả thi để đẩy lùi cuộc khủng hoảng Covid-19 và khôi phục tăng trưởng toàn cầu hàng năm về mức trên 4% càng sớm càng tốt. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang nỗ lực hết mình đưa ra những biện pháp siêu kích thích tiền tệ và tái cơ cấu tài chính tổng thể nhưng nhiều ý kiến cho rằng các chính sách vẫn chưa được bài bản và thiếu hệ thống.

Không đoàn kết, kinh tế toàn cầu khó vượt đại dịch - Ảnh 1.

Biến động GDP và thương mại toàn cầu qua các năm.

Hiện các chính phủ dường như có mâu thuẫn với những nỗ lực từ các quốc gia khác. Do đó, sẽ tốt hơn nếu toàn thế giới có thể phối hợp với nhau như kịch bản đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Chính phủ và ngân hàng trung ương nên hợp tác để tránh gây xáo trộn thị trường toàn cầu. Lãi suất được cắt giảm, thâm hụt chi tiêu của chính phủ tăng lên và tránh được chiến tranh tiền tệ.

Quan trọng hơn, vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới cam kết sẽ cung cấp nhiều nguồn lực hơn giúp khôi phục tăng trưởng toàn cầu nhanh nhất có thể. Như vậy, ngọn cờ hợp tác quốc tế đã được phát huy.

Đáng tiếc là trong vài năm gần đây, sự gắn kết thoái trào khi lợi ích quốc gia, sự chia rẽ chính trị và chủ nghĩa bảo hộ đã chi phối nhiều chương trình nghị sự quốc tế. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump không bỏ qua các cơ quan điều phối chính sách toàn cầu.

Chúng ta sẽ không phải đợi quá lâu trước khi cử tri Mỹ lên tiếng trong vấn đề này. Chiến thắng cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden có thể là động lực lớn nếu tạo ra đột phát trong hợp tác chính sách giữa các tổ chức G20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ quan khác, nhằm ưu tiên tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn.

Không có nơi nào tốt hơn để bắt đầu ngoài việc Mỹ và Trung Quốc xóa bỏ những tranh chấp thương mại và đảm bảo thương mại thế giới trở lại bền vững hơn. Điều quan trọng đối với các quốc gia đứng đầu là sự khôi phục mạnh mẽ giống như các nền kinh tế Thế giới thứ ba, vốn đang phải gánh chịu hậu quả từ những vấn đề tiêu cực.

Với tư cách là các siêu cường quốc của thế giới, Mỹ và Trung Quốc phải đặt ra tiêu chuẩn vàng cho sự tái thiết và hợp tác chặt chẽ hơn. Trung Quốc có thể đóng một vai trò nổi trội hơn trong việc hài hòa các sáng kiến ​​hợp tác toàn cầu. Nếu Mỹ và Trung Quốc “bắt tay nhau” có thể giúp kinh tế của phần còn lại của thế giới phục hồi nhanh hơn.

Cần siết chặt những chính sách siêu lỏng hiện nay để tập trung vào các lĩnh vực sẽ mang lại lợi ích cho sự phục hồi toàn cầu hiệu quả hơn trong dài hạn. Thế giới cần một “thỏa thuận mới” về chi tiêu đầu tư toàn cầu vào cơ sở hạ tầng, giao thông, truyền thông và năng lượng tái tạo, để cắt giảm phát thải khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn vốn phải được tăng cường để IMF tài trợ cho những công nghệ xanh mới và phục hồi bền vững ở các nền kinh tế mới nổi. Cần mạnh dạn đầu tư tài chính để thúc đẩy nguồn lực khôi phục lớn hơn.

Những thị trường tài chính vốn được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn tiền giá rẻ và dễ kiếm thì nên đóng góp một phần cho chi phí phục hồi toàn cầu. Việc đánh thuế giao dịch tài chính toàn cầu có thể nâng cao nguồn lực đáng kể đồng thời giúp giảm bớt bất ổn tài chính. Các thiên đường thuế cần được xóa bỏ và áp dụng các hệ thống thuế tiên tiến để thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu.

Cuối cùng, hợp tác đa phương vẫn là giải pháp tối ưu, là con đường duy nhất hiện nay để tiến về phía trước. Chỉ khi phối hợp cùng nhau thì các quốc gia hàng đầu thế giới mới có thể đương đầu với những thách thức hiện nay và gặt hái nhiều thành công hơn.

Hoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM