Không để bến xe sau di dời thành cao ốc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố. Nhiều chuyên gia kiến nghị cần kiểm soát chặt quy hoạch này nhằm không để tình trạng bến xe sau di dời biến thành cao ốc, tăng thêm tình trạng quá tải hạ tầng cho nội đô.
Sẽ không còn bến xe khách trong vành đai 3
Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện quỹ đất dành cho giao thông tĩnh, gồm: bến xe, bãi đỗ xe, trạm, dừng nghỉ… mới đạt khoảng 0,3% quỹ đất đô thị; trong khi đó yêu cầu là 3%. Do vậy, từ năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch giao thông tĩnh) và ngày 8/4/2022 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch này.
Quy hoạch có mục tiêu cơ bản: Xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư phát triển mạng lưới bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo việc phát triển đô thị được bền vững, đồng bộ.
Hệ thống các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối có hệ thống vận tải hành khách công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Thành phố từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Cụ thể, trong khu vực đô thị trung tâm, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài, chậm nhất đến năm 2030, các bến xe này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...), trong vành đai 3 sẽ không còn bến xe khách liên tỉnh.
Sau khi di dời các bến xe trên, quỹ đất các bến xe được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...).
Với hệ thống các bãi đỗ xe công cộng đạt tổng diện tích 1805,7ha bao gồm: bãi đỗ xe công cộng tập trung, bãi đỗ xe buýt, trạm dừng nghỉ, bến xe tải... Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025, giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố đạt 3% quỹ đất đô thị.
Ngăn chặn tình trạng đất bến xe biến thành cao ốc
Thông tin với PV Tiền Phong chiều 12/4, đại diện Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, cùng với các nội dung thực hiện quy hoạch giao thông tĩnh, vừa qua UBND thành phố cũng đã giao các sở ngành liên quan gồm Sở QH&KT, Sở GTVT, Viện Quy hoạch và xây dựng Hà Nội phối hợp xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch. Từ lộ trình thực hiện cho từng nội dung, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình gửi Thành ủy, HĐND thành phố cho ý kiến về các chương trình, mục tiêu thực hiện.
Theo tờ trình đã được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội ký gửi HĐND thành phố, các dự án xây dựng các bến xe mới được thực hiện làm 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn hơn 5.500 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, việc thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch giao thông tĩnh là rất cần thiết, qua đó để thành phố tập trung hơn cho vấn đề phát triển bến xe, bãi đỗ xe vốn đang có rất nhiều bất cập hiện nay. “Riêng bãi đỗ xe, hiện thành phố đang có 5,7 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, nhưng hệ thống bãi đỗ xe công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu, 80% còn lại người dân đang phải đổ tạm bợ ở lòng đường, vỉa hè”, ông Nghiêm nói.
"Thành phố Hà Nội cần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, phê duyệt quy hoạch để người dân được biết thông tin. Đồng thời lý giải vì sao đưa bến xe này ra, đưa bến xe kia vào trong quy hoạch. Vì sao quy hoạch đã được ký nhiều ngày nhưng vào hệ thống cổng thông tin và trang web thuộc thành phố Hà Nội vẫn chưa thấy đăng công khai".
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Cũng theo ông Nghiêm, ngoài nhà xưởng, trụ sở cơ quan, từ năm 2010 đến nay thành phố đã thực hiện di dời nhiều bến xe ra khỏi nội thành theo Quy hoạch GTVT của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên sau khi các bến xe này được di dời, mặt bằng bến xe lại mọc lên các tòa nhà cao ốc, chung cư với mật độ tập trung người, phương tiện còn lớn hơn cả khi còn bến xe. Cụ thể như, bến xe Lương Yên (Hai Bà Trưng), bến xe Hà Đông (quận Hà Đông), bến xe Sơn La (quận Thanh Xuân)… Việc thực hiện di dời các bến xe vừa gây lãng phí xã hội vừa có tác dụng ngược khi chất tải thêm mật độ dân cư trong khu vực nội đô.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu ý kiến: Quy hoạch giao thông tĩnh được UBND thành phố lấy ý kiến góp ý của Hiệp hội từ năm 2017, vậy nhưng không hiểu vì sao sau gần 4 năm quy hoạch mới được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. “Việc quy hoạch phê duyệt chậm tới 4 năm có thể làm các thông số khảo sát, lập quy hoạch tại thời điểm HĐND thành phố thông qua thay đổi nhiều, vừa làm cho các kế hoạch, lộ trình thực hiện không còn khả thi”, ông Liên nói.
Ngoài ra ông Liên cũng chỉ ra một số thay đổi “bất thường” của Quy hoạch so với thời điểm được trình HĐND thành phố Hà Nội, gồm: giai đoạn từ 2018 đến 2025 thành phố có xây dựng 2 bến xe Xuân Phương, Kim Chung để giảm tải cho nội thành, tuy nhiên trong quy hoạch được Chủ tịch UBND thành phố ký vừa qua, 2 bến xe này đã không còn được đưa ra thực hiện. Hơn nữa, trong Quy hoạch GTVT của Thủ tướng Chính phủ và tờ trình gửi HĐND thành phố, giai đoạn này thành phố đầu tư xây dựng 5 bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài, bến phía Nam và bến Sơn Tây 1, hoàn toàn không có bến xe Yên Sở, vậy tại sao trong quy hoạch vừa được Chủ tịch UBND thành phố ký lại có bến xe này? Liệu bến xe Yên Sở có trong quy hoạch của Thủ tướng ký và tờ trình đã trình HĐND thành phố thông qua năm 2018?