Không chỉ trong thể thao mà trong cuộc sống, thành công đều cần sự tự kỉ luật: Kiểm soát cảm xúc ngay cả khi giận dữ

29/12/2018 08:15 AM | Sống

Nhờ có tính tự kỉ luật, chúng ta có thể đưa ra những quyết định dựa trên các lí do chính đáng thay vì dựa trên nỗi sợ, bởi sợ hãi là một dạng cảm xúc và cảm xúc thường đưa ta tới những quyết định chỉ mang tính tức thời.

Trong tháp thành công của huấn luyện viên bóng rổ người Mỹ John Wooden, tầng thứ hai bao gồm bốn khối, đó là: tự kiểm soát, cảnh giác, sáng kiến và ý định.

Đối với khối thứ nhất – tự kiểm soát, ông cho rằng rèn luyện tính tự kỉ luật cũng là một cách để kiềm chế cảm xúc. Khi cảm xúc vượt ngoài tầm kiểm soát, bất kì hành động hay quyết định nào cũng sẽ chệch ra khỏi mong muốn ban đầu của chúng ta. Vì vậy, việc kiểm soát cảm xúc bản thân luôn cần được duy trì để ta có thể hành xử và đạt kết quả mà mình muốn.

Kết luận trên được huấn luyện viên Wooden rút ra không chỉ đúng trên sân bóng của riêng ông hay tại nơi làm việc mà còn đúng cả trong sinh hoạt hằng ngày tại ngôi nhà của mỗi người. Khi dạy trẻ con, chúng ta luôn cần phải dùng đến kỉ luật và kèm theo đó là những lí do chính đáng. 

Nếu chúng ta mất lí trí trong việc kỉ luật con trẻ, mọi thứ sẽ không hiệu quả. Không để cảm xúc chỉ đạo lí trí, khi đó ta mới có thể truyền đi được những điều tích cực, đúng đắn. Việc răn dạy không phải luôn luôn là trừng phạt, mà đó là sự cải thiện, giúp đỡ, sửa sai, ngăn chặn điều xấu. Do đó, chúng ta phải luôn giữ cảm xúc ở mức độ nhất định để mọi kết quả được đưa ra phạm phải ít sai lầm nhất có thể.

Không chỉ trong thể thao mà trong cuộc sống, thành công đều cần sự tự kỉ luật: Kiểm soát cảm xúc ngay cả khi giận dữ - Ảnh 1.

Ông Wooden cho rằng việc sử dụng những từ ngữ thô tục cũng là một minh chứng của mất kiểm soát. Con người chỉ điều khiển được cơ thể, hành động của họ khi mà họ điều khiển được tư duy, suy nghĩ của mình, biểu hiện cụ thể là qua cách mà họ nói chuyện. 

Ông nhấn mạnh rằng nhờ có tính tự kỉ luật, chúng ta có thể đưa ra những quyết định dựa trên các lí do chính đáng thay vì dựa trên nỗi sợ, bởi sợ hãi là một dạng cảm xúc và cảm xúc thường đưa ta tới những quyết định chỉ mang tính tức thời. Thiếu tự chủ còn làm ảnh hưởng không tốt đến những nhận định, góc nhìn và cả sự tự tin của chúng ta về một sự việc nào đó.

Trong giao tiếp, nếu chúng ta để chính cuộc nói chuyện ấy làm cho mình trở nên tức giận thì ta đã vô tình trao cho đối phương quyền kiểm soát cảm xúc của chính chúng ta. Nếu bạn không thích cách nói chuyện của ai đó, hãy tập trung vào thông tin và lí do của cuộc trò chuyện thay vì cách mà họ truyền đạt thông tin. Bằng cách này, bạn vừa có thể tiếp thu thông tin đang được truyền đạt, vừa không để cảm xúc của mình bị ảnh hưởng bởi người khác.

Tất cả những ví dụ trên chính là công cụ tốt để chúng ta học tập. Khi dạy trẻ con hay bất cứ ai khác về tính tự kỉ luật bản thân, trước tiên hãy rèn cho mình đức tính ấy và duy trì nó mọi lúc mọi nơi.

Công Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM