Không chỉ Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nhì trong nhiều lĩnh vực tiềm năng đã thuộc quyền kiểm soát của người Thái

15/12/2017 13:57 PM | Kinh doanh

Đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Thái Lan đã nắm trong tay những doanh nghiệp hàng đầu tại rất nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai như bán lẻ, nông nghiệp, vật liệu xây dựng và sắp tới sẽ là bia.

Hãng bia ThaiBev của một trong những người giàu nhất Thái Lan, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang là ứng viên sáng giá nhất sẽ mua lại 51% cổ phần, đồng nghĩa với việc nắm quyền kiểm soát đối với Sabeco.

Nếu thành công, thương vụ trị giá gần 5 tỷ USD này không chỉ gia tăng tầm ảnh hưởng của tỷ phú Charoen tại thị trường Việt Nam mà còn nối dài danh sách những doanh nghiệp lớn của Việt Nam được các doanh nghiệp Thái Lan mua lại trong những năm gần đây.

Trước Sabeco, các công ty thành viên trong tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Charoen đã thực hiện các thương vụ mua lại hệ thống bán buôn Metro Cash & Carry Việt Nam (nay là MM Mega Market Việt Nam) và Phú Thái Group.

Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser&Neave sau khi nằm dưới quyền kiểm soát của TCC Holdings cũng đã chi thêm hàng trăm triệu USD để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk từ mức 11% lên hơn 19% như hiện tại.

Một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan khác là Central Group cũng đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường bán lẻ với việc chi 1 tỷ USD thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng như mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Lazora.

 Không chỉ Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nhì trong nhiều lĩnh vực tiềm năng đã thuộc quyền kiểm soát của người Thái  - Ảnh 1.

Bộ sưu tập đồ sộ các doanh nghiệp lớn do doanh nghiệp Thái Lan đầu tư/mua lại tại Việt Nam

Nhìn chung, bán lẻ và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thái đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực tiềm năng khác cũng đang được các doanh nghiệp Thái rất quan tâm.

Không có được những thương vụ quy mô 500 triệu đến cả tỷ USD như TCC Holdings hay Central Group nhưng SCG cũng đã và đang có nhiều thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên vật liệu.

Năm 2011, SCG đã chi 240 triệu USD để thâu tóm Prime Group, công ty gạch men lớn nhất Việt Nam. Năm ngoái, SCG tiếp tục chi gần 160 triệu USD để mua lại công ty Xi măng StarCemt từ phía Kusto Group. SCG cũng đang là ứng cử viên hàng đầu trong việc nắm quyền kiểm soát đối với Nhựa Bình Minh sau khi doanh nghiệp này nâng room ngoại lên 100%.

Trước những động thái đầu tư mạnh mẽ của SCG sang thị trường Việt Nam, đối thủ của SCG trong lĩnh vực xi măng là Siam City Cement cũng nhập cuộc với việc chi 580 triệu USD để mua lại 65% cổ phần của LafrageHolcim – một trong những nhà sản xuất xi măng lớn nhất tại Việt Nam.

 Không chỉ Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nhì trong nhiều lĩnh vực tiềm năng đã thuộc quyền kiểm soát của người Thái  - Ảnh 2.

Bên cạnh chiến lược rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường thông qua M&A, các doanh nghiệp Thái Lan cũng có những khoản đầu tư trực tiếp rất lớn tại Việt Nam.

Doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam – thành viên của C.P Group - hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. C.P Việt Nam đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi với doanh thu hàng năm lên đến trên 2 tỷ USD.

Sau một loạt thương vụ trong lĩnh vực bao bì, vật liệu xây dựng, SCG dự kiến sẽ khởi công tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn với quy mô 5,4 tỷ USD tại Bà Rịa Vũng Tàu – tức hơn gấp đôi so với vốn đầu tư của Lọc dầu Dung Quất.

Hiện SCG nắm giữ tổng cộng 71% cổ phần của dự án này sau khi mua thêm 25% cổ phần từ phía Qatar, phần còn lại do PVN nắm giữ.

Theo Kiến Khang

Từ khóa:  thái lan , sabeco
Cùng chuyên mục
XEM