Bí ẩn về “đại gia” Thái muốn thâu tóm Sabeco
Nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn, dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco đã thực hiện công bố thông tin, là Công ty TNHH Vietnam Beverage với bóng dáng người Thái đằng sau.
Khuya ngày 11-12, Bộ Công Thương đã thông báo về việc nhà đầu tư chào mua cạnh tranh công khai cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết tính đến thời điểm 18 giờ ngày 11-12, có 1 nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn, dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco đã thực hiện công bố thông tin. Đó là Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Theo Bộ Công Thương, Điều 22 Quyết định 4444/QĐ-BCT ngày 17-11 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần tại Sabeco quy định "nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỉ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua".
Như vậy, Công ty TNHH Vietnam Beverage là "đại gia" đầu tiên phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin.
Thông tin chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco được chính thức công bố vào ngày 29-11 vừa qua sau 2 phiên roadshow (giới thiệu thông tin, tìm kiếm nhà đầu tư) tại Singapore và Anh. Theo đó, giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này nếu bán toàn bộ 343.662.587 cổ phiếu, nhà nước sẽ thu về gần 110.000 tỉ đồng. Ngày chào bán cạnh tranh được xác định là 18-12.
Ngay sau thời điểm đó, cổ phiếu SAB của Sabeco liên tục lập kỷ lục với mức giá "chóng mặt". Tuy nhiên, 5 phiên trở lại đây, SAB liên tục chìm trong sắc đỏ và riêng trong ngày 11-12, SAB giảm tới 16.000 đồng, xuống giá thấp nhất 293.000 đồng/cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vietnam Beverage có mã số thuế 0108014953, chỉ mới được cấp vào ngày 6-10 vừa qua, cơ quan Thuế đang quản lý là Chi cục Thuế Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vietnam Beverage là bà Trần Kim Nga và ông Michael Chye Hin Fah.
Công ty TNHH Vietnam Beverage có vốn điều lệ hơn 681 tỉ đồng và được sở hữu 100% bởi Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage - tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Việc Thai Beverage mua lại 49% cổ phần F&B Alliance Việt Nam chỉ với vỏn vẹn... 4.321 USD (gần 100 triệu đồng) vào cuối tháng 11 vừa qua, theo Reuters "phỏng đoán", có thể được sử dụng như một phương tiện để chào giá cho Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước, tạo ra lợi thế hơn so với các đối thủ quốc tế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Thai Beverage chưa có phản hồi về thông tin này.
Còn đặc biệt hơn nữa, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chính là người kiểm soát Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser and Neave. Còn ông Michael Chye Hin Fah - người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vietnam Beverage - cũng là Giám đốc phụ của Fraser and Neave (Công ty mẹ của F&N Dairy Investment).
Đáng lưu ý, ông Michael Chye Hin Fah được biết đến là Thành viên HĐQT Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đại diện phần vốn của F&N Dairy Investments tại Vinamilk.
Như vậy, người Thái Lan không giấu tham vọng làm "cá mập" thâu tóm các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam. Ngoài việc liên tục rót tiền thâu tóm Vinamilk, người Thái còn không "chùn tay" trước cổ phiếu khủng ngành bia với mức giá được giới chuyên gia nhận định "đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào".
Thực tế, Sabeco là tên tuổi "đắt giá" trong một thị trường bia duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Sabeco hiện đang giữ thị phần gần 41% và tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu nhờ sự tăng trưởng mạnh ở nhiều phân khúc sản phẩm. Về địa bàn chiếm lĩnh, Sabeco cho thấy rõ đã thành công khi "bành trướng" ra phía Bắc với dòng sản phẩm cao cấp là bia Saigon Special và hút về phía mình lượng khách vốn của Habeco.
Bản thân Sabeco cũng hơn đứt nhiều hãng bia khác khi đã tự đặt cho mình một nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng, số lượng nhà máy, hệ thống phân phối. Trong khi Heineken chỉ có 5 nhà máy sản xuất bia, Habeco có 15 thì Sabeco có tới 24. Còn với hệ thống phân phối, Sabeco Trading là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ phân phối tới các chi nhánh vùng, có quan hệ với 1.200 nhà phân phối (gấp gần 5 lần số lượng của Heineken).
Nhà đầu tư nước ngoài thừa khôn ngoan để tận dụng các nhà máy sản xuất; chiếm lĩnh hệ thống phân phối, bán lẻ mà người Việt đã tốn công gây dựng để đưa sản phẩm của họ vào.
Tuy rằng nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ được sở hữu tối đa 38,59% vốn Sabeco nhưng các "cá mập" có thể áp dụng "mánh lới" nhằm thâu tóm cổ phần, như: sử dụng nhiều pháp nhân do một nhà đầu tư núp bóng để mua cổ phần; liên kết, bắt tay nhau nhằm giành được lợi thế chi phối; nhà đầu tư nước ngoài "đội lốt" doanh nghiệp trong nước để chiếm được thị phần cao hơn quy định…