Không chỉ máy chủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội muốn bắt buộc Uber, Grab dùng tên miền Việt Nam
Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra những kiến nghị này nhằm bảo đảm công bằng giữa Uber, Grab với các doanh nghiệp vận tải trong nước.
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, kiến nghị về việc yêu cầu Uber, Grab đặt máy chủ tại Việt Nam đã được Hiệp hội đưa ra nhiều lần. Trong đơn kiến nghị ngày 26/09/2017 gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Hiệp hội cũng nêu lại vấn đề này. Việc đặt máy chủ và sử dụng tên miền Việt Nam,... đều là quy định của pháp luật đối và Hiệp hội muốn Uber, Grab chấp hành như các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh ngành nghề tương tự.
“Công ty công nghệ cung cấp phần mềm ứng dụng cho hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và không trái với thông lệ quốc tế: Phải có đủ trang thiết bị xử lý số liệu thông tin; phải đặt máy chủ (Server) vật lý tại Việt Nam sử dụng tên miền Internet của Việt Nam; dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT và các Sở GTVT” – bản kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội viết.
Thực tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc có liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đều đang phải chấp hành hành quy định truyền dẫn các thông tin về máy chủ.
Thông tư 63/2014 Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cho biết, thiết bị giám sát hành trình của xe phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải chủ quản hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu.
Trước đó, Thông tư 14/2010 Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô nêu rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT khai thác (định kỳ, đột xuất) thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc từ cơ sở dữ liệu tại máy chủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trên cơ sở các quy định pháp luật như trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị rằng cần bắt buộc các Công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT. Thời gian lưu trữ dữ liệu, các nội dung lưu trữ bắt buộc,... như với các loại dữ liệu giao thông vận tải khác.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các phương tiện thí điểm hợp đồng điện tử.
“Giao Sở GTVT các tỉnh, thành phố nơi cung cấp phù hiệu thực hiện việc in và cấp phát logo nhận diện. Tem biểu trưng phải dán trên hai cnah cửa trước và kính sau. Kích thước hai cánh cửa trước tối thiểu là 600 xăng ti mét vuông, trên kính sau là 200 xăng ti mét vuông” – Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu rõ.
Không chỉ phù hiệu, Thông tư 63/2014 quy định ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng còn phải niêm yết ở trong xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe; Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”.