Không chỉ để mất "thuyền trưởng" Nguyễn Bá Dương, Coteccons còn đánh mất cả nghìn tỷ đồng vốn hóa trong hơn 1 tháng qua

07/10/2020 10:44 AM | Kinh doanh

Trong khoảng 1 tháng rưỡi gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên nhưng cổ phiếu của Coteccons lại liên tục giảm giá và vốn hóa đã mất hơn 1.100 tỷ đồng.

Ngày 1/10 vừa qua, ông Nguyễn Bá Dương, đã có đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Coteccons và đơn từ nhiệm này đã được Hội đồng quản trị Coteccons thông qua vào ngày 5/10.

Như vậy, ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons sau 17 năm xây dựng công ty. Nguyên nhân được ông Dương đưa ra là vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nên không thể sắp xếp công việc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đi của ông Dương liên quan đến những mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn như Kusto, The8th... đã bùng lên trước Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Dưới bàn tay của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đã từng bước trở thành doanh nghiệp xây lắp hàng đầu Việt Nam. Sự bùng nổ của Coteccons bắt đầu từ năm 2013 khi công ty bắt đầu sử dụng mô hình Design & Build. Đây có thể coi là phương pháp "cuốn chiếu", vừa thiết kế, vừa thi công. Mô hình này rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư, gia tăng giá trị gói thầu cho nhà thầu xây dựng.

Trước đây, các nhà thầu thực hiện theo quy trình tuần tự gồm: Lên ý tưởng, thiết kế, đấu thầu, rồi mới thi công. Theo mô hình Design & Build, sau khi lên ý tưởng, các nhà thầu sẽ vừa thiết kế và thi công luôn. Theo ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons có lợi thế lớn so với các công ty nổi tiếng của nước ngoài ở chỗ, nếu chủ đầu tư tự thuê công ty thiết kế nổi tiếng thì cũng không biết chọn đội ngũ thiết kế nào để dự án thành công. Rồi trong quá trình làm việc, nhất là với công ty nước ngoài, khi họ đưa ra phương án, chủ đầu tư thường không chắc chắn hoặc hay thay đổi, khiến thời gian kéo dài, dẫn đến tăng chi phí, nguội nhiệt huyết sáng tạo của người thiết kế... Trong khi đó, ông Dương cho rằng, Coteccons có thể đưa ra câu trả lời ngay cho chủ đầu tư khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh.

Không chỉ để mất thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương, Coteccons còn đánh mất cả nghìn tỷ đồng vốn hóa trong hơn 1 tháng qua - Ảnh 1.

Trước khi có Design & Build, doanh thu Coteccons chỉ tăng từ 1.345 tỷ đồng lên 4.477 tỷ đồng trong 5 năm, nhưng từ khi áp dụng Design & Build, Coteccons tăng doanh thu lên trên 27.000 tỷ đồng sau 5 năm tiếp theo.

Với doanh thu bùng nổ, Coteccons cũng chứng kiến lợi nhuận tăng phi mã và đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng trong 3 năm 2016-2018.

Năm 2019, tình hình kinh doanh của Coteccons sa sút khi doanh thu giảm xuống còn 23.700 tỷ đồng còn lợi nhuận chỉ đạt 711 tỷ đồng. Coteccons cho rằng kết quả này là do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các cổ đông lớn như Kusto hay The8th thì Coteccons đi xuống là do xung đột lợi ích, khi các lãnh đạo như ông Nguyễn Bá Dương lại đang đồng thời là sếp tại các doanh nghiệp đối thủ khác, điển hình như Ricons. Vì thế, các cổ đông này đã đề nghị dàn lãnh đạo cũ của Coteccons từ chức.

Không chỉ để mất thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương, Coteccons còn đánh mất cả nghìn tỷ đồng vốn hóa trong hơn 1 tháng qua - Ảnh 2.

Với những mâu thuẫn nội bộ và các lãnh đạo đồng loạt rời bỏ công ty, cổ phiếu của Coteccons liên tục giảm giá thời gian gần đây, đi ngược lại xu hướng tăng của thị trường chứng khoán. Từ mức giá gần 80.000 đồng hồi cuối tháng 9 (giá điều chỉnh), cổ phiếu Coteccons đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10 chỉ còn 64.500 đồng/cổ phiếu, và tính đến phiên sáng 7/10 đang tiếp tục giảm khoảng 2%, xuống còn 63.200 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, vốn hóa của Coteccons trong hơn 1 tháng qua đã giảm khoảng hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi cùng thời gian này, VN-Index tăng 4,7%. Câu hỏi đặt ra là, cổ phiếu Coteccons giảm giá do yếu tố tâm lý ngắn hạn, hay thực sự phản ánh triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp này trong tương lai?

Không chỉ để mất thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương, Coteccons còn đánh mất cả nghìn tỷ đồng vốn hóa trong hơn 1 tháng qua - Ảnh 3.


PV

Cùng chuyên mục
XEM