Không cắt điện, nước trong cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Chiều nay, 13/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) với 446 ĐBQH tán thành, chiếm 92,53%.
Về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khoản 43 Điều 1 - sửa đổi, bổ sung Điều 86 của Luật XLVPHC), Một số ý kiến tán thành phương án 1, không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước"; một số ý kiến tán thành phương án 2, bổ sung biện pháp này.
Về vấn đề này, do ý kiến của ĐBQH trong quá trình thảo luận còn khác nhau, UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH. Kết quả xin ý kiến cho thấy, có 207/399/481 vị ĐBQH đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này; 190/399/481 vị đại biểu tán thành phương án 2 quy định bổ sung nội dung này.
Do số lượng ĐBQH ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số ĐBQH, UBTVQH xin trình cả 2 phương án như thể hiện tại khoản 43 Điều 1 của dự thảo Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành phương án 1, theo đó tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH có ý kiến trả lời phiếu, không bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước", vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết về việc có bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước" hay không. Kết quả, có 390 đại biểu tán thành (chiếm 80,91%) việc không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước".
Về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (các khoản 46, 47, 48, 49 Điều 1 - sửa đổi, bổ sung các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật XVPHC), có ý kiến đề nghị không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, việc quản lý người này được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Có ý kiến đề nghị quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nghiêm khắc hơn (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc) đối với người sử dụng trái phép chất ma túy đã hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà lại tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
UBTVQH nhận thấy, Luật XLVPHC hiện hành không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy theo Chỉ thị số 36-CT/TW, dự thảo Luật đã bổ sung quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần (khoản 4 Điều 90).
Quy định như vậy là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Theo đó, đối với người sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử phạt vi phạm hành chính (được quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về tệ nạn xã hội), đồng thời bị áp dụng biện pháp quản lý (đang được quy định tại dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)); và trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy 3 lần trong 6 tháng thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Mặt khác, việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần là để giáo dục họ nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.
Trường hợp họ tiếp tục sử dụng ma túy và được xác định là người nghiện ma túy thì tùy từng trường hợp sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy hoặc Luật XLVPHC. Việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục đối với đối tượng này là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động để quy định phù hợp khi sửa đổi toàn diện Luật XLVPHC. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.