Không cần sang nước ngoài làm việc, lương lãnh đạo cấp cao ở doanh nghiệp Việt cao hơn nhiều nước như Singapore hay Hong Kong

10/05/2017 11:01 AM | Kinh doanh

Về việc trả lương cho quản lý cấp cao, Việt Nam trả cao hơn HongKong, Singapore, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc.

Đó là chia sẻ của bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet, tại sự kiện Chiến lược nhân tài cho CEO: Xây trên thế thắng. Buổi tọa đàm diễn ra tại TP HCM ngày 9/5.

“Việt Nam lương cấp thấp thì rất cạnh tranh, thấp chỉ sau Ấn Độ. Nhưng cấp lãnh đạo thì mức lương lại ở top trên, chỉ thấp hơn Trung Quốc, cao hơn Singapore, HongKong, Philippines…. Khoảng cách lương của sinh viên mới ra trường và trưởng các bộ phận tại Việt Nam rất lớn. Lương trưởng bộ phận tại nước ta gấp 20 lần sinh viên mới ra trường. Nhưng ở Úc, Nhật, con số chỉ gấp 3-6 lần. Vậy nên, lương sinh viên mới ra trường của Việt Nam thấp còn các nước như Nhật, Úc cao lại cao”, bà Trinh dẫn nguồn từ Mercer, công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới.

Bà Trinh đặt ra câu hỏi: Vậy mức lương cho các lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam có xứng không hay đang rất đắt?

Theo bà Trinh, rất nhiều người Việt đang có chiến lược tự nâng tầm bản thân. Và thu nhập của nhiều lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam và lãnh đạo nước ngoài tại Việt Nam chênh lệch không nhiều.

Về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 86, thấp hơn so với Thái Lan và Philippines, cao hơn so với Indonesia. Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng nguồn nhân lực của Việt Nam có các điểm mạnh như học hỏi nhanh các kỹ năng toàn cầu, áp dụng sự sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục có liên quan đến đào tạo nghề thì chưa thực sự chiến lược. Các quốc gia như Thụy Sĩ, Singapore, Mỹ có hệ thống giáo dục rất sát, hỗ trợ nhu cầu phát triển kinh tế.

Mối quan hệ giữa nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp

Theo bà Trinh, 98% doanh nghiệp tại Việt Nam (cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài) cho rằng năng lực của nguồn nhân lực là mối quan tâm của doanh nghiệp. Chỉ có 1 doanh nghiệp trong con số được khảo sát không quan tâm đến vấn đề này vì họ đã hoàn thiện bộ máy và chuyên về xuất khẩu, ít đối thủ cạnh tranh. Đối tượng khảo sát ở đây là các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong đó có 32% là doanh nghiệp nước ngoài và 68% là doanh nghiệp trong nước.

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 17% doanh nghiệp chưa có chiến lược nhân sự so với 83% có chiến lược nhân sự gắn liền với câu chuyện kinh doanh của công ty.

Theo khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam, đến 36% doanh nghiệp chưa có chiến nhân tài. 17% có chiến lược nhân tài nhưng không gắn liền với chiến lược kinh doanh. Còn lại, 47% có chiến lược nhân tài rõ ràng và xem nó gắn liền với việc phát triển công ty.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM