Khói cháy rừng khiến con người dễ nhiễm COVID-19 hơn nhưng chúng ta lại không thể trốn chạy khỏi chúng
Khói từ các đám cháy rừng sẽ bốc lên mỗi lúc một cao cho tới khi chạm tới bầu khí quyển, trở thành một phần của hệ thời tiết và quay trở lại tấn công con người - dù ở bất cứ đâu trên trái đất này.
Đây là mùa hè thứ hai liên tiếp mà hành tinh xanh của chúng ta bị chìm trong những đám mây khói sinh ra do cháy rừng. Những đám mây này lớn đến mức chúng thậm chí còn làm ảnh hưởng đến thời tiết, tạo ra sét và khiến cho bầu trời có nhiều màu sắc khác nhau. Khói cháy rừng có chứa các hạt nhỏ độc hại đe dọa đến sức khỏe của con người. Thật không may, chúng ta hiện không có cách nào để chế ngự những đám mây khói này.
Những hạt nhỏ trong khói làm kích ứng các màng nhầy trong cơ quan hô hấp, gây ra đủ loại nhiễm trùng, làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và gây tử vong sớm.
Giờ đây, không lục địa nào trên Trái đất có thể thoát khỏi nguy cơ bùng phát cháy rừng. Những xoáy khói hiện bao trùm Siberia, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Canada, Mỹ, Algeria. Và đây mới chỉ là những điểm khởi phát lớn nhất, còn các nhà khoa học cũng đã cảnh bảo nước Úc về tình trạng cháy rừng lặp lại như hồi năm 2020. Vào đầu tháng 8 này, khói từ các đám cháy ở Yakutia lần đầu tiên đã lan đến tận Bắc Cực, sau đó là Greenland và Canada. Hiện nay, khoảng 3,4 triệu ha rừng của Nga cũng đang bị cháy.
Các hạt khói từ đám cháy rừng sẽ xâm nhập vào phổi, tim và hệ thống miễn dịch
Khói lan rộng đến đâu là nó mang theo các hạt vật chất cháy cực nhỏ (được hình thành do các phản ứng hóa học) đến đó – bất chấp khoảng cách. Trong số các hạt này có những hạt rắn PM 2.5 với kích thước không quá 2,5 micromet – tức là nhỏ hơn sợi tóc người 30 lần. Việc hít phải các hạt này sẽ khiến cho màng nhầy trong phổi của sinh vật sống (trong đó có con người) bị tổn hại.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng các loại khói nói chung có thể khiến mọi người dễ bị mắc các bệnh gây nhiễm trùng phổi hơn, bao gồm cả COVID-19. Bất kỳ tổn thương nào đối với màng nhầy sẽ mở ra những cách thức mới cho vi rút xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, các thành phần trong khói cũng gây kích ứng mắt, gây ho và thở khò khè ngay cả đối với những người khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự gia tăng các trường hợp nhiễm corona virus ở California, Oregon, Washington và lượng khói sinh ra từ các vụ cháy rừng ở những vùng này. Họ tin rằng: thiên tai đã làm phát sinh ít nhất 19.000 ca nhiễm COVID-19 mới và gây ra 700 ca tử vong vào mùa hè năm 2020. Một lượng lớn hạt PM 2.5 đã được tìm thấy trong không khí. Năm 2015, một nghiên cứu dài hạn đã xây dựng được mối liên kết giữa các yếu tố cấu thành của khói với việc tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong sớm. Người già và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Các nhà khoa học về chất lượng không khí cho biết các hạt khói có thể mang vi rút. Ngoài ra còn có các tình huống phát sinh khác, chẳng hạn như tập hợp mọi người trong nhà để tránh khói lửa, có thể dẫn đến tăng tương tác với những người bị nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard đã tìm thấy "bằng chứng mạnh mẽ" về mối liên hệ giữa sự gia tăng vật chất dạng hạt trong khói từ đám cháy và nguy cơ mắc các trường hợp COVID-19 và tử vong do bệnh tật. Ngoài các trường hợp nhiễm coronavirus nhiều hơn, nghiên cứu của Harvard cũng cho thấy sức khỏe của các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nên tồi tệ hơn do chất lượng không khí xấu đi. Sự gia tăng vật chất dạng hạt mịn (10 microgam / mét khối) có liên quan đến sự gia tăng 8,4% số ca tử vong do COVID-19 ở tất cả các hạt của Hoa Kỳ. EPA Hoa Kỳ phân loại chất lượng không khí là "không lành mạnh" là trong khoảng từ 55 đến 150 microgam hạt mịn/mét khối.
Khói gây hại cho tất cả mọi người trong khi chúng ta bất lực và không thể kiểm soát chúng
Nhiều người coi cháy rừng chỉ là vấn đề của một địa phương nào đó cụ thể, và chỉ những cư dân bản địa thì mới bị ảnh hưởng. Thế nhưng con người hiện không thể điều khiển được gió, trong khi khói từ các đám cháy rừng sẽ bốc lên mỗi lúc một cao cho tới khi chạm tới bầu khí quyển. Sau đó, khói đi vào hệ thống thời tiết và nó sẽ bị đẩy trở lại mặt đất. Nhà dịch tễ học môi trường Jesse Berman nói với tờ Business Insider: "Những người sống ở các khu vực có chất lượng không khí tương đối tốt rồi sẽ đột nhiên trở thành nạn nhân của ô nhiễm không khí và như vậy không hề tốt cho sức khỏe.".
Ảnh vệ tinh cho thấy khói từ đám cháy ở New South Wales và Victoria ngày 4 tháng 1 năm 2020 bị gió thổi lan ra. Các khu vực màu đỏ tượng trưng cho vùng nhiệt.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng thường xuyên hơn và quy mô lớn hơn trong thập kỷ tới.
Một báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết, nhiệt độ toàn cầu đang tăng quá nhanh. Sau 30 năm nữa thì bầu khí quyển sẽ trở nên ấm hơn 1,5°C - còn nếu việc cắt giảm khí thải CO2 không hiệu quả, thì con số này sẽ là 2°C. Báo cáo cũng cho biết số ngày cháy rừng sẽ tăng lên vào năm 2050. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có thêm nhiều ngày nóng, khô và gió lớn đủ để gây ra cháy rừng. Do nhiệt độ tăng lên buộc bầu khí quyển phải hút hơi ẩm mạnh hơn, từ đó khiến cho diện tích rừng chết cũng lớn hơn bởi cây cối sẽ không còn đủ hơi ẩm để hấp thụ.