Khốc liệt thị trường bán lẻ Việt Nam: Thương hiệu Big C dần biến mất khi chủ mới tái cấu trúc, hàng loạt tên tuổi nội – ngoại liên tục bị đào thải trong chục năm qua
Những cái tên đời đầu của thị trường bán lẻ hiện đại như Metro, Big C, Fivmart hay Viễn thông A đều không còn hiện diện dưới nhiều cách thức khác nhau.
Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành Hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market) vừa thông báo từ ngày 1/10, siêu thị Big C Hà Đông và BigC Nguyễn Xiển sẽ được đổi tên thành Tops Market. Dù động thái này đã được Tập đoàn thông báo trước đó trong công cuộc tái cấu trúc cho giai đoạn mới, tuy nhiên việc Big C lần lượt biến mất cũng khiến thị trường không khỏi hụt hẫng, khi thương hiệu đã gắn liền với người tiêu dùng nhiều năm liền.
Trước đó, đầu tháng 3/2021, Central Retail cũng đã hoàn tất việc chuyển đổi 3 siêu thị Big C tại Tp.HCM thành Siêu thị Tops Market. Được biết, đây là chiến lược tái định vị thương hiệu của Tập đoàn, theo kế hoạch 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi và nâng cấp thành Tops Market vào quý 3/2021.
Thương hiệu Big C dần biến mất trong công cuộc tái cấu trúc của chủ ngoại
Từng chi mạnh hơn 1 tỷ USD để mua lại thương hiệu Big C – cái tên gắn liền với thị trường tiêu dùng mua sắm, đặc biệt những bà nội trợ Việt, Central Retail đã sớm có kế hoạch đổi tên ngay khi thâu tóm từ năm 2016. Dù rằng, theo thoả thuận Central Retail có quyền sử dụng thương hiệu Big C thêm 10 năm. Bởi, việc chuyển đổi thương hiệu BigC thành Tops Market và GO! là nhằm tái định vị thương hiệu với một diện mạo hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam, đi kèm với các cải tiến về không gian mua sắm.
Định hướng được đưa ra từ đầu năm nay, Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC, thành viên của Central Group) mục tiêu sẽ rót khoảng 35 tỷ Bath (1,1 tỷ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành trên toàn quốc cho giai đoạn 5 năm 2021-2026 tại Việt Nam.
Khi mà, ngành dịch vụ tại Việt Nam tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán sỉ và bán lẻ với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế. Ngành dịch vụ cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.
"Kế hoạch 5 năm của chúng tôi sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện từ thành thị đến nông thôn, xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng; phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh", ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail Việt Nam chia sẻ.
Nhìn lại những thương hiệu bán lẻ Việt lần lượt bị "xoá sổ" sau gần 10 năm tái thiết thị trường
Là mảnh đất màu mỡ với tốc độ tăng trưởng được dự báo vẫn ở mức 2 chữ số (~10%) bất chấp Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam gần 10 năm qua cực kỳ sôi động với sự đến đi liên tục của nhiều thương hiệu. Trong cuộc tái thiết xuyên suốt đó, rất nhiều thương hiệu vang bóng lần lượt bán mình, quy tụ về các ‘ông lớn’ với lý do gần như chỉ có một – thua lỗ và không cạnh tranh hiệu quả.
Nguồn: TheGlobalEconomy.com.
Gần nhất vào giữa năm 2019, thị trường tiêu dùng không khỏi bất ngờ khi nghe thông tin nhà bán lẻ Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động của Auchan tại Việt Nam; bao gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan.
Khi được hỏi tại sao "bán mình" dù rằng thực tế Auchan ghi dấu rất tốt trong lòng nhiều người dùng Việt, Chủ tịch chuỗi bán lẻ đến từ Pháp, ông Edgard Bonte, cho biết phải bán toàn bộ siêu thị tại Việt Nam sau gần 5 năm có mặt do thua lỗ liên tục, do đó Tập đoàn quyết định nhượng lại thương hiệu cho đơn vị khác.
Dù vậy, về tay Saigon Co.op, những cửa hàng Auchan tại TPHCM; Hà Nội và Tây Ninh được chọn lọc để khai trương lại với những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op: Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.
Hay trước BigC, 19 trung tâm Metro Cash & Carry trên cả nước của Metro AG (Đức) sau 14 năm hoạt dộng tại Việt Nam cũng đã vào tay Tập đoàn bán lẻ Thái lan - TCC Holdings. Sau khoảng 1 năm về tay ông chủ người Thái, đầu năm 2017, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam được đổi tên thành MM Mega Market.
Không chỉ đổi thương hiệu, TCC Holdings còn tiến hành thay đổi cả việc bày trí các trung tâm đến việc phát triển các sản phẩm mới, song song đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Cũng trong năm 2017, tại lĩnh vực điện máy, Thế Giới Di Động tuyên bố đã thâu tóm Trần Anh và khẳng định sẽ chuyển đổi toàn bộ cửa hàng sang thương hiệu mới trong tương lai. Ngay sau khi về tay Thế giới Di động, website trananh.vn cũng lập tức ngừng hoạt động và khách hàng khi truy cập sẽ được chuyển hướng đến website của Điện Máy Xanh.
Tính đến hiện tại, chuỗi điện máy vang bóng một thời tại Hà Nội chỉ còn hoạt động và phát sinh doanh thu trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng, văn phòng cho chính công ty mẹ Thế giới Di động.
Đặc biệt, nhắc đến M&A bán lẻ không thể không gọi tên Vingroup – tay chơi nội với loạt thương vụ đình đám giai đoạn 2014-2017. Từ viên gạch đầu tiên là mua lại 70% cổ phần của Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail vào năm 2014 và lập hệ thống Vinmart, Vinmart+, Vingroup liên tiếp nhận100% vốn chuỗi Maximark (tháng 10/2015), thâu tóm chuỗi siêu thị Fivimart (tháng 9/2018), mua toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi của Shop&Go (tháng 4/2019), sáp nhập Queenland Mart (tháng 8/2019).
Đến cuối năm 2019, Vingroup chính thức chuyển giao cho Masan – doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Trong một tiết lộ mới đây, Masan cũng có kế hoạch đổi tên thương hiệu Vinmart/Vinmart+ sang Winmart.
Một thương hiệu cũng khá quen thuộc với người tiêu dùng nhiều năm liền, Parkson trong thời kỳ mới của thị trường cũng đang phải thu hẹp hoạt động. Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2005 và ồ ạt mở rộng ra khắp các tỉnh thành với số lượng thời đỉnh điểm lên đến gần 10 trung tâm, Parkson từng được biết đến như là một thương hiệu trung tâm mua sắm sang trọng bậc nhất Sài Gòn.
Tuy nhiên bắt đầu năm 2014, sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ mới như Vincom, Aeon Mall, Crescent Mall, Takashimaya... với quy mô lớn, hiện đại cùng sự trỗi dậy của thương mại điện tử, tình hình kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc nhà đầu tư phải tái cấu trúc lại. Cụ thể, Parkson đã đóng toàn bộ cửa hàng tại Hà Nội và Hải Phòng, động thừoi cũng liên tục đóng các TTTM tại Tp.HCM gồm chi nhánh Lê Đại Hành (quận 11), Parkson Paragon (quận 7), Parkson Cantavil (quận 2).
Nói về sự suy tàn nhanh chóng này, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hàng loạt TTTM quy mô ra đời với nhiều cải tiến, Parkson trở nên lạc hậu khi không thay đổi để bắt kịp xu hướng mới. Tính đến hiện tại, Parkson Retail Asia hiện chỉ còn 3 TTTM hoạt động ở Tp.HCM là Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5) và Parkson CT Plaza (quận Tân Bình).