Khoản nợ từ thời ông Hà Văn Thắm: Cả 1.000 tỷ thanh lý chỉ hơn 100 tỷ đồng

30/05/2022 15:25 PM | Kinh doanh

Đa phần số nợ này phát sinh trong quá trình lãnh đạo của ông Hà Văn Thắm, được các công ty vay dưới hình thức tín chấp.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) vừa có thông báo về việc bán một số khoản nợ phải thu. Cụ thể, doanh nghiệp này rao bán tổng cộng 7 khoản nợ với số tiền dư nợ gốc lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong danh mộc các khoản nợ xấu bán nợ của công ty thì thời điểm phát sinh các khoản nợ bắt đầu từ năm 2009 - 2015. Đa phần số nợ này phát sinh trong quá trình lãnh đạo của ông Hà Văn Thắm với tài sản đảo bảo là tín chấp, ngoại trừ khoản nợ của Công ty cổ phần Bình Dương Xanh.

Cụ thể, Công ty Cổ phần ĐT&TM Vneco Hà Nội phát sinh khoản nợ 380,5 tỷ đồng trong năm 2014 nay được rao bán với giá khởi điểm 38,05 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo.

Công ty cổ phần Bình Dương Xanh vay dưới dạng Hợp tác đầu tư 270,15 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 27 triệu cổ phiếu công ty Gia Phát, nay được rao bán với già 27,015 tỷ đồng.

Các hợp đồng tín chấp khác của OCG bao gồm tại Công ty TNHH Phát triển TM và ĐT Việt Nam là hơn 56,78 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh 66 tỷ đồng, Công ty Đầu tư Tư vấn Liên Việt 145 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Topcarre 10 tỷ đồng và Công ty Cổ phần đầu tư Thành An 144 tỷ đồng.

Tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng số dư nợ gốc của OCB đang được rao bán chỉ hơn 107 tỷ đồng.

Khoản nợ từ thời ông Hà Văn Thắm: Cả 1.000 tỷ thanh lý chỉ hơn 100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Để tham gia đấu giá, khách hàng phải đặt cọc số tiền là 3 tỷ đồng. Khách hàng nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng của công ty.

"Việc bán khoản nợ xấu được thực hiện trên cơ sở các văn bản, tài liệu cung cấp bởi OGC. Khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán.

Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do OGC cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn", thông báo của Ocean Group cho hay.

Trong một diễn biến khác, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có thông báo chuyển cổ phiếu OGC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 31/5/2022. Lý do được đưa ra là OGC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.

Theo Pha Lê

Cùng chuyên mục
XEM