Khó xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng trăm tấn tôm hùm bông ứ đọng

20/11/2023 21:32 PM | Kinh doanh

Tại vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ hiện nay, hàng trăm tấn tôm hùm bông ứ đọng do không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.

Tôm hùm bông đứng đầu về giá trị kinh tế trong nhóm các mặt hàng thủy sản nuôi trồng. Không xuất bán được tôm hùm bông cũng đồng nghĩa các vùng nuôi rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, kéo theo những khoản nợ chất chồng trong chuỗi từ sản xuất đến thu mua và cung ứng tôm hùm ra thị trường.

Hai tháng qua, các doanh nghiệp thu mua tôm hùm đã không còn đến vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Người nuôi tôm hùm chờ đợi trong lo lắng.

Anh Bảo (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa) nuôi đến 8.000 con tôm hùm bông. Tôm nuôi đã đủ kích cỡ xuất bán từ cách đây 2 tháng. Không bán được nên anh phải giữ lại tôm trong bè, trong khi tiền thức ăn cho tôm từ 5 - 7 triệu đồng mỗi ngày.

"Bây giờ, người nuôi muốn bán tôm nhưng thương lái không mua. Xuất đi không được nên nguồn vốn tái đầu tư không có", anh Lê Thái Bảo, thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa, chia sẻ.

Tôm hùm bông có thời điểm lên đến 2,6 triệu đồng/kg. Hiện tại, giá rớt xuống còn 1 triệu đồng/kg. Đáng ngại hơn, Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ chính vừa siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, vừa đưa ra thêm nhiều quy định mới trong việc nhập tôm hùm bông. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa tôm hùm bông vào danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.

Khó xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng trăm tấn tôm hùm bông ứ đọng - Ảnh 1.

Không xuất bán được tôm hùm cũng đồng nghĩa các vùng nuôi rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. (Ảnh: NLĐ)

Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2.

Tôm hùm từ vùng nuôi đến thị trường xuất khẩu phải qua nhiều chặng. Người nuôi bán cho các vựa thu mua. Các vựa bán lại cho các doanh nghiệp để xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu theo tiểu ngạch. Sự gắn kết các khâu trong chuỗi này khá lỏng lẻo.

Đến thời điểm này, ngay cả những doanh nghiệp quy mô lớn trong xuất khẩu tôm hùm cũng chưa tháo gỡ được khó khăn để vượt qua những rào cản trong quy định thương mại. Kết cục là ở những vùng nuôi tôm hùm như khu vực vịnh Vân Phong, hiện còn tồn đọng đến 200 tấn tôm hùm bông thương phẩm.

Không tăng nóng sản lượng tôm hùm

Theo nhận định của các chuyên gia, những gì đang xảy ra từ vùng nuôi đến thị trường tôm hùm hiện nay là kết cục khó tránh khỏi khi người nuôi tôm hùm chỉ biết tập trung nuôi mà không biết rõ về thị trường.

Về mặt quản lý, không ít vùng nuôi tôm hùm phát triển ồ ạt, bỏ qua những quy hoạch gắn với thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng tôm hùm đem lại nguồn thu trung bình mỗi năm từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuỗi tôm hùm từ vùng nuôi đến thị trường lâu nay hết sức lỏng lẻo và thường xuyên bị đứt gãy.

Từ 75 - 90% sản lượng tôm hùm được xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ không tăng nóng diện tích tôm hùm.

Xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu chính ngạch tôm hùm

Hiện có nhiều vướng mắc phát sinh trong chuỗi cung ứng tôm hùm ra thị trường. Vướng mắc từ vùng nuôi đến các khâu thu mua, vận chuyển và phân phối tôm hùm. Vướng mắc nào cũng cần được tháo gỡ.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mấu chốt nhất là phải xây dựng chuỗi liên kết để tôm hùm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường tiêu thụ chính của tôm hùm đang được nuôi ở vùng biển Việt Nam.

Từ trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã đưa ra những quy định hạn chế nhập khẩu nông sản qua tiểu ngạch, tăng nhập khẩu chính ngạch. Ngay khi đó, nhiều khuyến cáo liên tục được đưa ra, để người nuôi cũng như các doanh nghiệp thu mua - xuất khẩu tôm hùm kịp thời điều chỉnh.

Chẳng hạn, để xuất khẩu chính ngạch tôm hùm, yêu cầu đầu tiên là từng lồng bè tôm hùm phải được cấp mã số. Những con tôm hùm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phía đối tác phải truy xuất được nguồn gốc, nghĩa là phải biết được tôm hùm nuôi ở vùng nào. Muốn vậy, các doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, nhưng rất ít vùng nuôi làm được điều này.

"Chúng tôi cũng mong muốn đưa con tôm hùm vào mô hình chính ngạch, nhưng 20 năm nay hoàn toàn xuất bán sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch", ông Lê Xuân Hân, người nuôi tôm hùm tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

"Chuỗi liên kết có thành lập, địa phương quan tâm nhưng chưa phát huy thế mạnh của chuỗi liên kết. Đây là vẫn đề địa phương rất băn khoăn", ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, cho hay.

Tạo ra chuỗi từ vùng nuôi đến thị trường, cả người nuôi tôm hùm lẫn các doanh nghiệp đều biết cần phải như vậy. Tuy nhiên cái khó lâu nay là người nuôi tôm hùm chỉ biết nuôi. Các doanh nghiệp dù có nắm bắt những quy định từ phía thị trường, nhưng cũng không thể đứng ra tổ chức cho nông dân làm theo. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, không thể không bắt đầu từ việc gắn kết người nuôi - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

"Doanh nghiệp là đầu tiên, đến người nuôi tôm, người quản lý địa phương và cơ quan trung ương, kể cả nhà khoa học. Vì sao các bên phải tham gia như vậy, mới tạo được chuỗi? Bởi vì để tạo ra chuỗi ngành hàng này, chúng ta cần truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu tiên, nuôi ở vùng nào, quy trình ra sao", PGS.TS. Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, nhận định.

Hiện tại, một số hợp tác xã được thành lập ở vùng nuôi tôm hùm, gắn kết các hộ nuôi với doanh nghiệp thu mua, nhờ đó bắt đầu đã có một lượng tôm hùm xuất khẩu chính ngạch. Chỉ khi đáp ứngcác quy định trong xuất khẩu chính ngạch, chuỗi cung ứng tôm hùm ra thị trường mới được thông suốt.

Theo Tấn Quýnh VTV

Cùng chuyên mục
XEM