Khổ như doanh nghiệp đòi nợ ngân hàng
Lần đầu tiên có chuyện “ngược” khi một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải đau đầu đòi nợ ngân hàng. Và phía ngân hàng vẫn cố tình “chây ì” dù bản án có hiệu lực và Cục thi hành án có nhiều văn bản yêu cầu hoàn trả số tiền đang giữ của doanh nghiệp.
Văn bản đá nhau của Cục Thi hành án
Theo đơn gửi chúng tôi của Cty CP BĐS Vinalines, tháng 10/2013, công ty này được TAND TP Hà Nội quyết định hoàn trả 14 tỷ đồng tại tài khoản đang phong tỏa của Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam .
Cụ thể: Theo bản án sơ thẩm số 506 (ngày 26 - 27/11/2014 của TAND TP Hà Nội quyết định: “Hoàn trả cho Cty CP BĐS Vinalines do ông Vũ Mạnh Dương chức vụ Tổng Giám đốc đại diện nhận số tiền 14 tỷ đồng hiện đang phong tỏa tại tài khoản tiền gửi số 102.5.4180.00.01109 của Cty CP BĐS Vinalines mở tại Sở Giao dịch I- Ngân hàng Phát triển Việt Nam”.
Và, Bản án phúc thẩm số 114 (ngày 20/10/2015) của TAND cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định: “Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giữ nguyên bản án sơ thẩm”.
Ngày 12/11/2015, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội có Quyết định Thi hành án chủ động số 104 yêu cầu Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam mở phong tỏa tài khoản để hoàn trả tiền cho Cty CP BĐS Vinalines.
Liên tiếp sau đó, Cục này ban hành các Thông báo số 137 (27/11/2015) và 627 (10/12/2015) với nội dung: “Đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam cố tình trì hoãn không tiến hành thủ tục mở tài khoản để hoàn trả cho Cty CP BĐS Vinalines và yêu cầu Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện ngay thủ tục giải tỏa tài khoản tiền gửi”.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội không ra quyết định cưỡng chế khi đơn vị bị thi hành án chây ì thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cảnh, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án vụ việc này cho biết, bản án không tuyên rõ Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải có nghĩa vụ giải tỏa tài khoản của Cty CP BĐS Vinalines để công ty này được sử dụng số tiền 14 tỷ hoặc ngân hàng phải thực hiện việc hoàn trả số tiền này cho công ty.
Vì vậy, ngày 19/1/2016, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội có văn bản số 923 đề nghị tòa nhân dân cấp cao tại Hà Nội giải thích, bổ sung Bản án. Rõ ràng, văn bản này của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội “đá” với các văn bản trước đây của chính Cục này.
Có dấu hiệu “ngâm án”?
Ông Vũ Mạnh Dương, Tổng Giám đốc Cty CP BĐS Vinalines cho biết: “Nếu Bản án tuyên không rõ, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội phải phát hiện và xử lý trước khi ra Quyết định thi hành án chứ không phải sau hơn 4 tháng bản án có hiệu lực, hơn 3 tháng từ khi có Quyết định thi hành án và có 3 văn bản yêu cầu thi hành án mới phát hiện ra để kéo dài thời gian thi hành án”.
Theo ông Dương, việc kéo dài thời gian thi hành án trên gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống cán bộ nhân viên của công ty. Hiện, công ty không có tiền trả tiền thuê văn phòng, trả bảo hiểm xã hội và lương cho cán bộ nhân viên.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu đã hết thời hạn thi hành án, đơn vị bị thi hành án không tự nguyện thực hiện, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội phải ban hành quyết định cưỡng chế, xây dựng kế hoạch và tổ chức thi hành án. Ông Quyền cho biết thêm, ở đây có việc cố tình trì hoãn, không nghiêm túc thực hiện bản án có hiệu lực pháp luật, coi thường quy định pháp luật của Sở Giao dịch I - Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo ông Vũ Mạnh Dương, Tổng Giám đốc Cty CP BĐS Vinalines, việc kéo dài thời gian thi hành án trên gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống cán bộ nhân viên của công ty. Hiện, công ty không có tiền trả tiền thuê văn phòng, trả bảo hiểm xã hội và lương cho cán bộ nhân viên.