Khó khoanh nợ, giãn nợ cho Tập đoàn Mai Linh

24/01/2018 21:35 PM | Kinh doanh

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Mai Linh về kiến nghị giãn nợ hơn trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm của tập đoàn này...

Nguồn tin của VnEconomy cho hay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh ngày 22/1 liên quan đến văn bản cầu cứu của công ty này gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, và Bộ Tài chính vào tuần trước.

 Ông Trần Đình Liệu - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói với VnEconomy: Khoanh nợ, giãn nợ không thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm Xã hội, cơ quan này đang làm việc với Mai Linh, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, cơ quan Nhà nước xem xét.

Thẩm quyền này là của Chính phủ áp dụng theo quy định tại khoản 7, điều 10 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2004.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế về quỹ theo đúng quy định của pháp luật; không có thẩm quyền khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi do chậm đóng cho đơn vị.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm: Mỗi năm, cả nước có đến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động và buộc phải rời khỏi thị trường. Mai Linh là một trong những doanh nghiệp đang gặp khó. Tuy nhiên, nếu cứ gặp khó khăn, đi xin hỗ trợ mà được Nhà nước giải cứu thì sẽ trở thành tiền lệ xấu.

Mặc dù vậy, Mai Linh không phải là tiền lệ. Việc khoanh nợ, giãn nợ này đã từng được áp dụng cho Vinashin vào năm 2010.

Đối chiếu với Mai Linh, Chính phủ có đồng ý khoanh nợ, giãn nợ hay không vẫn là một câu hỏi chưa có trả lời. Ông Trần Đình Liệu nói: "Chúng tôi đang làm việc, chưa biết lúc nào có kết quả, phải chờ".

Nhận định của giới trong ngành cho thấy, trường hợp của Mai Linh là khó được chấp thuận.

Bởi chiếu theo quy định của pháp luật, tại khoản 1, điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, việc gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với một số trường hợp, như doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền...

Trước đó, trong văn bản  gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Mai Linh cho biết, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỉ đồng.

Do tình hình kinh doanh khó khăn, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 tháng từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.

Theo Kiều Linh

Cùng chuyên mục
XEM