Kho báu vàng đen tăng giá phi mã, lợi nhuận Vinacomin tăng gấp đôi, lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng
Hoạt động kinh doanh năm 2022 của Vinacomin hưởng lợi khi mặt bằng giá than được duy trì ở mức cao trong suốt cả năm. Tuy nhiên sang năm 2023, giá nhiên liệu này đã sụt giảm mạnh.
Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố BCTC kiểm toán hợp nhất 2022 với doanh thu gần 146.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh than là gần 101.000 tỷ đồng, chiếm 69% tổng doanh thu.
Giá vốn tăng 27% lên mức hơn 121.000 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp cải thiện gần 40% đạt 24.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 16,8%. Các chi phí của tập đoàn gần như không có nhiều sự thay đổi với năm trước.
Kết quả, năm 2022 Vinacomin đã thu về 10.400 tỷ đồng lãi trước thuế, gần gấp đôi năm trước. Lãi sau thuế tăng gần 77% lên 8.337 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp từ trước tới nay.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Vinacomin đạt 122.258 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản với tỷ lệ 43,5%, đạt 53.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho là 16.800 tỷ đồng, giảm gần 5%.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của tập đoàn ở mức 14.425 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn là 11.100 tỷ đồng, trong đó nổi bật là khoản phải thu tập đoàn EVN là hơn 2.100 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Vinacomin là 74.641 tỷ đồng, xấp xỉ 3,2 tỷ USD. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 36.400 tỷ đồng, giảm 22,6% so với đầu năm. Khoản phải trả cho người bán ngắn và dài hạn là gần 14.800 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cuổi năm 2022 của tập đoàn đạt 47.671 tỷ đồng. Trong đó vốn góp chủ sở hữu là 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.083 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh năm 2022 của Vinacomin hưởng lợi khi mặt bằng giá than được duy trì ở mức cao trong suốt cả năm. Tuy nhiên sang năm 2023, giá nhiên liệu này đã sụt giảm mạnh.