Khi thiên thạch đâm vào Trái Đất, loài người sẽ lập tức bị xóa sổ bởi hiện tượng 'gió tử thần'

04/06/2020 17:15 PM | Khoa học

Một thiên thạch có kích thước đủ lớn phát nổ bầu trời trước khi va chạm trực tiếp với mặt đất sẽ tạo ra một đợt sóng xung kích, kéo theo sự hình thành cơn gió mạnh đến mức có thể san bằng các thành phố.

Về cơ bản, xác xuất tử vong do tác động của thiên thạch là cực kỳ thấp. Theo tính toán của các nhà khoa học, các vụ va chạm gây ra bởi thiên thạch có kích cỡ siêu lớn, vốn có thể đe dọa đến sự tồn vong của Trái Đất, thường chỉ xảy ra sau mỗi 500 nghìn năm hoặc lâu hơn. Trong khi đó, chu kỳ để một thiên thạch có đường kính nhỏ hơn (khoảng 140m) lao vào Trái Đất chỉ xảy ra sau mỗi 10000 năm.

Nói cách khác, nguy cơ để bạn bị thương vong bởi một thiên thạch có đường kính chỉ 20m – giống như vụ việc xảy ra vào năm 2013 tại Chelyabinsk, Nga, làm bị thương 1500 người – là rất, rất thấp. Tuy nhiên, hãy thử đặt ra một câu hỏi đậm tính giả tưởng: Nếu một thiên thạch kích cỡ lớn lao vào Trái Đất, điều gì sẽ xảy ra với chúng ta?

Khi thiên thạch đâm vào Trái Đất, loài người sẽ lập tức bị xóa sổ bởi hiện tượng gió tử thần - Ảnh 1.

Trong hầu hết các bộ phim đề tài thảm họa được thực hiện bởi Hollywood, chúng ta đã quá quen với cảnh tượng một quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện trên bầu trời, kèm theo đó là khung cảnh cả thế giới bị nhấn chìm bởi những cơn sóng thần khổng lồ. Tuy nhiên, dưới góc độ phân tích của các nhà khoa học, cách thế giới chúng ta bị tuyệt diệt bởi thiên thạch lại khác biệt rất nhiều so với trên phim.

Theo đó, một phân tích được đăng tải trên tạp chí Geophysical Research Letters đã đi tìm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu sau khi một thiên thạch cỡ lớn va chạm với Trái Đất.

Để thực hiện điều này, các nhà khoa học đã chạy một mô hình giả lập trên máy tính, khi họ lần lượt mô phỏng tác động của 50.000 thiên thạch - từ những thiên thạch rất nhỏ cho đến những con ‘quái vật’ kích thước 400 mét – để ước tính mức độ thiệt hại và con số thương vong do chúng gây ra khi chúng lao vào Trái Đất.

Kết quả, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều khá thú vị: Gió và sóng xung kích sinh ra từ vụ va chạm mới là thứ giết nhiều người nhất, thay vì những nguyên nhân như núi lửa phun trào, chấn động địa chấn.v.v, vốn gây ra số lượng thương vong ít hơn trên tổng thể.

Khi thiên thạch đâm vào Trái Đất, loài người sẽ lập tức bị xóa sổ bởi hiện tượng gió tử thần - Ảnh 2.

Theo đó, một thiên thạch có kích thước đủ lớn phát nổ bầu trời trước khi va chạm trực tiếp với mặt đất sẽ tạo ra một đợt sóng xung kích, kéo theo sự hình thành cơn gió mạnh đến mức có thể san bằng các thành phố. Thậm chí, áp suất của vụ nổ có thể phá hủy nội tạng con người. Những cơn gió siêu mạnh cùng sóng xung kích sẽ nhanh chóng lan rộng khắp địa cầu, giết chết 60% dân số thế giới.

Trong khi đó, các đợt sóng thần khổng lồ lại không có sức hủy diệt mãnh liệt như gió hay sóng xung kích sinh ra từ vụ nổ. Nghiên cứu cho thấy, đặc điểm địa hình bờ biển của nhiều khu vực sẽ hạn chế mức độ tàn phá của sóng thần. Đồng thời, sóng thần chỉ xảy ra khi thiên thạch lao xuống biển, trong khi các cơn gió siêu mạnh luôn xảy ra trong hầu hết tình huống.

Thật may mắn, những thiên thạch có kích cỡ đủ lớn để tạo ra các thảm họa như trên đều được các nhà thiên văn học theo dõi sát sao. Cơ quan Hàng không & vũ trụ Mỹ (NASA) đã theo dấu tổng cộng 18000 thiên thạch có nguy cơ va chạm với Trái Đất.

Anh Việt

Cùng chuyên mục
XEM