Khi người tiền nhiệm quá thành công: Tim Cook và những người đi sau đã làm gì để vượt qua chiếc bóng quá lớn của Steve Jobs

26/02/2020 15:16 PM | Kinh doanh

Đảm nhiệm vị trí thành công từ người đi trước là một cơ hội, nhưng cũng là một thách thức. Sử dungh những chiến lược sau đây, bạn có thể chứng minh cho bản thân và cho người khác rằng bạn thích hợp với vị trí đã được giao.

Khi bắt đầu một công việc mới, cho dù là do thăng chức trong nội bộ hoặc một cơ hội mới tại một tổ chức khác, bạn cũng có thể cảm thấy hơi căng thẳng. Thật khó để qua được thành tựu của người đi trước.

Khi Tim Cook tiếp quản thay Steve Jobs vào năm 2011, các nhân viên của Apple, cùng với các cổ đông và dư luận thế giới đã tự hỏi liệu ông có thể vượt qua được thành tựu đời trước của mình và duy trì đà phát triển của công ty hay không. Thật áp lực.

Mặc dù bạn không bị cả thế giới dõi theo, nhưng việc tiếp quản lại công việc từ một người được đánh giá cao hoặc có tác động tích cực đáng kể đến doanh nghiệp - Một trong hai điều hoặc có thể là cả hai - có thể vừa thú vị và cũng vừa đáng sợ.

Theo báo cáo của McKinsey năm 2018, điều đáng sợ là gần một nửa các cuộc chuyển đổi lãnh đạo bị thất bại. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng 74% các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và 83% các nhà lãnh đạo toàn cầu nghĩ rằng họ không chuẩn bị cho vai trò mới của mình và ít hơn một phần ba các nhà lãnh đạo này tin rằng công ty đã cung cấp đủ các hỗ trợ cho họ trong lần chuyển đổi này. Thành công hay không là tùy thuộc vào bạn, khi bạn bước vào một vai trò mới, nơi mọi con mắt đều đổ dồn vào bạn.

Để tăng cơ hội thành công, hãy thực hiện các chiến lược chính dưới đây.

Luyện tập ở nhà trước khi bắt đầu

Bạn sẽ cần phải tăng tốc độ trong công việc mới trước cả ngày đầu tiên. Điều này có thể liên quan đến việc hiểu rõ sản phẩm của công ty, khách hàng quan trọng, thị trường dọc hoặc kiến thức chức năng liên quan tới lĩnh vực chuyên môn của bạn.

Karen đã được thăng chức thành CFO của một công ty đại chúng lớn; khi cựu CFO, người rất được tôn trọng cả đã nghỉ hưu sau gần một thập kỷ giữ vai trò này. Karen cần học các khía cạnh khác của tài chính, như thuế, ngân quỹ, bất động sản và giao dịch với cộng đồng đầu tư, những khía cạnh này trước đây cô chưa từng tiếp xúc với vai trò là phó Giám đốc tài chính. Cô đã nghiên cứu những lĩnh vực này trước khi bắt đầu vị trí mới, thường thức dậy lúc 5 giờ sáng để dành ra một thời gian "tập trung" trước khi bắt đầu đi làm, vì cô còn có một "công việc ban ngày". Nếu bạn có thời gian nghỉ trước khi bắt đầu vai trò mới, bạn nên dành chút thời gian để thư giãn với công việc trước đây, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn cũng dành thời gian để tăng tốc cho vai trò mới.

Là chính mình

Đừng cố gắng bắt chước phong cách lãnh đạo của người tiền nhiệm hoặc trở thành người khác. Là chính mình sẽ giúp bạn có được sự tôn trọng và giúp bạn lường trước những đánh giá của những người sẽ so sánh bạn với người tiền nhiệm.

Tuy Tim Cook theo đuổi sự xuất sắc như Steve Jobs, nhưng phong cách và phong thái bình tĩnh của CEO này là "hàng chính hãng", điều đó cho thấy rõ rằng ông không cảm thấy mình cần phải "trở thành Steve Jobs thứ hai" để thành công.

Christine Lagarde, cựu giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tiếp quản vị trí chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào tháng 11 năm 2019. Khi bắt đầu vai trò mới, cô tuyên bố: "Mỗi/mọi chủ tịch đều có phong cách giao tiếp của riêng mình. Vì vậy, tôi biết một số các bạn rất muốn so sánh và xếp hạng. Tôi sẽ có phong cách của riêng tôi. Vì vậy, như tôi đã nói trên: Đừng suy diễn, đừng đoán bừa, đừng so sánh. Tôi sẽ là chính mình, và do đó mọi chuyện có lẽ sẽ khác."

Cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện ý thức mạnh mẽ về bản thân, truyền cảm hứng giúp những người khác cũng tự tin.

Hiểu và quản lý các mối quan hệ của các bên liên quan

Một yếu tố quan trọng trong thành công của bạn sẽ là khả năng thiết lập và quản lý hiệu quả các mối quan hệ giữa các bên liên quan. Điều này đòi hỏi bạn không phải chỉ cần biết những người này là ai, mà còn phải biết cả những mối quan tâm của họ, họ mong đợi gì ở bạn. Một số người có thể hoài nghi về khả năng của bạn, liệu bạn có đạt được hiệu suất tốt như người tiền nhiệm không. Bạn nên gặp từng bên liên quan và hỏi những câu hỏi như:

1. Theo quan điểm của bạn, ba ưu tiên hàng đầu tôi nên có trong 6 đến 12 tháng tới là gì, và thành công đối với bạn là sẽ như thế nào?

2. Những mối quan hệ bên trong và bên ngoài nào là quan trọng nhất để hỗ trợ các ưu tiên này?

3. Mối quan tâm của bạn là gì, và làm thế nào tôi có thể giải quyết chúng?

Một lựa chọn khác là lôi kéo một nhà điều hành khác để thay mặt bạn hỏi những câu hỏi này để có câu trả lời thẳng thắn hơn. Tuy nhiên, đây không phải là cách thay thế cho việc bạn gặp gỡ các bên liên quan để bắt đầu xây dựng các mối quan hệ thiết yếu.

Khi người tiền nhiệm quá thành công: Tim Cook và những người đi sau đã làm gì để vượt qua chiếc bóng quá lớn này - Ảnh 1.


Đánh giá team

Với các mối ưu tiên hàng đầu của mình, bạn nên đánh giá xem đội ngũ hiện tại của mình có phù hợp để hoàn thành chúng hay không. Bao gồm tuyển dụng để lấp đầy các vị trí trống, cũng như trực tiếp nói ra các vấn đề về hiệu suất mà có thể sẽ cản trở sự phát triển của bạn.

Anthony được mời làm COO cho một công ty dịch vụ tài chính đang trên đà phát triển. Người ta tin rằng kinh nghiệm điều hành dịch vụ tài chính sâu rộng của anh sẽ giúp tổ chức phát triển. Anh thấy mình liên tục gặp khó khăn. Phần lớn vì anh không nói ra các vấn đề về hiệu suất với các cá nhân được chọn trong nhóm, vì anh tránh những cuộc nói chuyện nhạy cảm. Và anh đã phải trả giá đắt. Vì không còn tập trung vào các chiến lược ưu tiên, anh bị sa thải và trở thành một ví dụ của chuyển đổi lãnh đạo thất bại.

Kiểm tra quan điểm của bản thân

Áp lực dưới cái bóng của người đi trước có thể khiến bạn nghi ngờ về khả năng của chính mình cũng như liệu mình có thể đáp ứng tiêu chuẩn được đặt ra bởi người tiền nhiệm hay không. Hội chứng kẻ mạo danh không phải là hiếm, đặc biệt là khi bạn đã có nhiều năm trong nghề và nay phải đối mặt với những thách thức hoàn toàn mới. Ngay cả khi có bằng chứng về khả năng của bản thân, bạn cũng có thể cảm thấy như mình đang dối lòng và hỏi liệu mình có xứng đáng với tiêu chuẩn đã được đặt ra từ trước hay không.

Một khía cạnh quan trọng khác của quan điểm có liên quan đến việc giải quyết niềm tin hạn chế hoặc giả định của bạn. Trong trường hợp của Anthony, anh có một niềm tin hạn chế rằng mình sẽ làm hỏng mối quan hệ với những người khác nếu anh bắt các thành viên trong nhóm phải chịu trách nhiệm và đặt họ vào những chuyện nhạy cảm. Nếu bạn nghĩ rằng có một giả định cản trở mình, hãy làm một số thử nghiệm an toàn để kiểm tra liệu nó có đúng hay không. Trong trường hợp của Anthony, anh nên nói chuyện với một người mình cảm thấy tôn trọng và tin tưởng để xem liệu các thành viên có chấp nhận những cuộc nói chuyện nhạy cảm hay không và làm thế nào để các cuộc trò chuyện như vậy có thể xây dựng mối quan hệ của họ.

Tìm kiếm thông tin phản hồi và hỗ trợ liên tục

Tạo các vòng lặp phản hồi với các bên liên quan để họ chia sẻ sớm và liên tục những gì đang tiến triển tốt và những gì không tốt cho lắm, vì vậy bạn có thể điều chỉnh thời gian thực khi cần.

Việc của bạn là lắng nghe - nếu bạn không nghe, hãy yên tâm rằng các báo cáo của bạn sẽ không có lần thứ hai và bạn sẽ không nhận được thông tin bạn cần nghe. Khi bạn phải làm công việc của người trước, bạn cũng có thể sẽ cảm thấy rằng rất ít người để bạn có thể tâm sự khó khăn mình đang mắc phải. Một cố vấn ngoài tổ chức, hoặc một huấn luyện viên điều hành - hoặc cả hai - có thể đưa ra cho bạn phản hồi và quan điểm khách quan hữu ích, cũng như cho bạn một không gian an toàn để chia sẻ những gì bạn thực sự nghĩ và cảm nhận.

Đảm nhiệm vị trí thành công từ người trước là một cơ hội, nhưng cũng là một thách thức. Hãy dùng những chiến lược ở trên, bạn có thể chứng minh cho bản thân và cho người khác rằng bạn thích hợp với vị trí đã được giao.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM