Khi nào triển khai tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19?

30/06/2021 21:15 PM | Xã hội

Sang tháng 7/2021, vắc xin Covid-19 của Mỹ - Pfizer sẽ về Việt Nam và rất nhiều người chờ đợi, thậm chí có khoảng hơn 1 triệu người đã đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ hi vọng có thể được tiêm loại vắc xin này.

Chưa tiêm dịch vụ

Theo thông tin của hãng dược phẩm Pfizer, hiện hãng đang chốt các kế hoạch vận chuyển và cung cấp vắc xin cho Việt Nam trong quý 3 và quý 4/2021. Tuy vậy, sẽ có một phần của các liều vắc xin Pfizer về Việt Nam vào tháng 7/2021.

Theo GS Đặng Đức Anh – Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay dù vắc xin Pfizer có về đến Việt Nam thì chưa có kế hoạch tiêm chủng dịch vụ. Tất cả các vắc xin Covid-19 về Việt Nam đều đang thực hiện tiêm chủng theo nghị quyết 21 cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...), giáo viên, người ở vùng dịch…

Theo nghị quyết 21 của Chính phủ, có khoảng 20 triệu người được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin ngừa Covid-19. Như vậy, phải tiêm xong những đối tượng này mới triển khai tiêm dịch vụ.

GS Đức Anh cho rằng người dân không nên chờ đợi vắc xin mà nên có vắc xin nào tiêm vắc xin đó. Các vắc xin đều an toàn cho người tiêm, tỷ lệ tác dụng phụ được đánh giá như nhau.

GS Đức Anh cũng cho biết đối với vắc xin Pfizer có điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo, trong điều kiện âm 80 độ có thể bảo quản được 6 tháng. Nếu triển khai tiêm, bảo quản 2-8 độ C, vắc xin này có thể giữ được trong 1 tháng.

Khi vắc xin về Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị để có thể bảo quản vắc xin này thời gian đầu ở nhiệt độ âm sâu. Sau đó khi chuyển về các điểm tiêm, chúng ta giữ ở nhiệt độ 2-8 độ và triển khai tiêm tại các điểm tiêm trong thời gian 1 tháng.

Hiện nay, với sự vào cuộc của các bộ ngành từ công an, quân đội… nên GS Đức Anh cho rằng có thể đưa vắc xin điều kiện bảo quản khó đến các điểm tiêm một cách an toàn và triển khai tiêm trong thời gian sớm nhất.

Khi nào triển khai tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19? - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. 

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này có các văn bản thông báo tới các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc xin trên tinh thần Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi rõ nguồn vắc xin.

Kế hoạch vắc xin về Việt Nam

Theo GS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay nguồn Covax Facility chúng ta có khoảng 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, công ty Vắc xin Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca có 30 triệu liều, vừa được Chính phủ mua lại với giá phi lợi nhuận; nguồn với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về với tổng số 31 triệu liều, dự kiến quý 3 sẽ về 3 triệu, quý 4 về 28 triệu.

Ngoài ra, chúng ta có một số nguồn viện trợ của một số nước, một số tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, Unicef và một số nước, tổ chức khác với số lượng từ 5-10 triệu liều.

Ấn Độ đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều trong năm 2021, cụ thể, quý 3 họ sẽ bán cho chúng ta 6 triệu, quý 4 bán thêm 9 triệu. Hiện Bộ Y tế cũng đang tiếp tục đàm phán các nguồn để mua vắc xin.

Về việc tiêm dịch vụ, điểm khó khăn hiện nay là chưa có chính sách, lộ trình về việc mua vắc xin và tiêm ngừa cho các trường hợp doanh nghiệp, đơn vị, gia đình có nguyện vọng tiêm trả phí.

Theo thống kê của ngành y tế, năm 2021 Việt Nam cần tiêm chủng vắc xin cho khoảng 70 triệu người từ 18 tuổi trở lên và đủ điều kiện tiêm ngừa Covid-19.

Tính đến 16 giờ ngày 29/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 3.593.970 liều vắc xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là 182.481 người.

Có thêm 91.228 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong ngày 29/6/2021, tại 26 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng

Trong tổng cộng có 710.773 người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại TP.HCM trong đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này có 676 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (28 trường hợp độ 1, 42 trường hợp độ 2, 16 trường hợp độ 3, 2 trường hợp độ 4 và 14 trường hợp khác). Tất cả các trường hợp này đều được theo dõi sát, hiện tất cả đều có sức khỏe ổn định.

Khánh Chi

Từ khóa:  tiêm vắc xin
Cùng chuyên mục
XEM