Khi nào một định chế được gọi là "too big to fail"?

03/10/2019 16:32 PM | Kinh doanh

"Quá lớn để có thể sụp đổ" thường tồn tại ở một số nhóm doanh nghiệp nhất định, chẳng hạn như các ngân hàng lớn nhất – một bộ phận vô cùng quan trọng đối với một nền kinh tế và sẽ là thảm họa nếu chúng phá sản.

Khái niệm "quá lớn để có thể sụp đổ"

"Quá lớn để có thể sụp đổ" (Too big to fail) là khái niệm mô tả tình trạng trong đó chính phủ sẽ can thiệp vào những tình huống mà sự sụp đổ của một doanh nghiệp sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đó có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến nền kinh tế. Nếu một công ty như vậy sụp đổ, nó sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền thảm khốc cho toàn bộ nền kinh tế.

Sự sụp đổ có thể gây ra vấn đề với cả các bên có mối quan hệ làm ăn với những doanh nghiệp thất bại, cũng như các vấn đề về nhân sự khi người lao động mất việc làm. Về mặt khái niệm, trong những tình huống này, chính phủ sẽ đưa ra quyết định có nên phân bổ ngân sách để trợ giúp hay không bằng việc xem xét chi phí của một gói cứu trợ so với tổn thất khi cho phép sự sụp đổ về kinh tế xảy ra.

Các tổ chức tài chính "quá lớn để có thể sụp đổ"

"Quá lớn để có thể sụp đổ" thường tồn tại ở một số nhóm doanh nghiệp nhất định, chẳng hạn như các ngân hàng lớn nhất – một bộ phận vô cùng quan trọng đối với một nền kinh tế và sẽ là thảm họa nếu chúng phá sản. Để tránh khủng hoảng, chính phủ có thể cung cấp các quỹ hỗ trợ nhằm cứu giúp các hoạt động kinh doanh thất bại, bảo vệ các công ty khỏi chủ nợ cũng như bảo vệ các chủ nợ khỏi những tổn thất.

Ở Mỹ, những tổ chức tài chính thuộc nhóm "quá lớn" bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và một số tổ chức tài chính khác. Chúng thuộc nhóm những ngân hàng quan trọng mang tính chất hệ thống (SIB) và những định chế tài chính quan trọng mang tính chất hệ thống (SIFY). Các tổ chức tài chính này được yêu cầu tuân theo quy định thuộc Đạo luật Cải cách và Bảo vệ Người tiêu dùng của Phố Wall Dodd-Frank năm 2010.

Bối cảnh về cải cách ngân hàng

Sau những thất bại của các ngân hàng trong cuộc Đại suy thoái, bảo hiểm ký thác và các cơ quan quản lý, như Tập đoàn Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), đã được tạo ra để bảo đảm các khoản ký thác cho khách hàng, đồng thời tham gia vào quá trình thanh lý ngân hàng nếu cần thiết. Do đó, bảo hiểm ký thác của FDIC đã giúp người dân Mỹ tự tin hơn khi ký thác tại các hệ thống ngân hàng. Cải cách FDIC cũng thúc đẩy việc tiết kiệm cho tương lai khi khoản tiền được bảo đảm lên đến 250.000 USD cho mỗi tài khoản.

Trong khi quy định này của chính phủ chỉ có hiệu lực đối với người gửi tiền ở Mỹ, việc thiếu sự bảo hộ rộng lớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong một cuộc khủng hoảng tài chính mới xuất hiện gần đầu thế kỷ 21. Trong năm 2007 và 2008, các ngân hàng mắc nợ sâu mà không có sự bảo hộ của FDIC đều phải đối mặt với sự sụp đổ. Các tổ chức này phải chịu trách nhiệm cho cơ chế lỏng lẻo, và thậm chí là cả các hoạt động cho vay gian lận trong ngành tài chính đã gây ra sự vỡ nợ trên diện rộng.

Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã đánh dấu đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 9 năm 2008. Khi nộp đơn phá sản, các nhà quản lý chính phủ phát hiện ra các ngân hàng lớn nhất đã liên kết với nhau đến mức chỉ có các gói cứu trợ khổng lồ mới ngăn chặn được một phần sự sụp đổ của ngành tài chính.

Do đó, chính phủ đã ban hành Đạo luật Ổn định Kinh tế Khẩn cấp (EESA) vào năm 2008, được ký vào tháng 10 năm 2008. Trung tâm của Đạo luật là Chương trình Cứu trợ Tài sản Rắc rối (Tpeg) trị giá 700 tỷ USD do Bộ Tài chính Mỹ quản lý nhằm mục đích giúp đỡ các ngân hàng đang lâm vào tình thế ngặt nghèo.

Đạo luật Dodd-Frank

Đạo luật Cải cách và Bảo vệ Người tiêu dùng của Phố Wall Dodd-Frank năm 2010 đã tiếp nối Đạo luật Ổn định Kinh tế Khẩn cấp, được ban hành nhằm củng cố các quy định mới và giúp tránh phải sử dụng các gói cứu trợ trong tương lai. Đạo luật bao gồm các yêu cầu mới về nắm giữ vốn và tăng báo cáo vốn. Các ngân hàng hiện nay được yêu cầu phải có mức vốn cụ thể và soạn thảo sẵn các "di chúc sống" nhằm trình bày cách họ sẽ thanh lý tài sản một cách nhanh chóng trong trường hợp buộc phải nộp đơn xin phá sản.

Dodd-Frank cũng áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn đối với các ngân hàng trong nhóm những định chế tài chính quan trọng mang tính chất hệ thống (SIFI).

Cải cách ngân hàng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, gây ảnh hưởng đến các ngân hàng trên toàn thế giới. Các nhà quản trị trên toàn thế giới cũng áp dụng các cải cách mới với phần lớn quy định mới tập trung vào các ngân hàng "quá lớn để có thể sụp đổ". Quy định cho các ngân hàng toàn cầu chủ yếu được lãnh đạo bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Tài chính kết hợp với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng. Ví dụ về một số tập đoàn quốc tế được coi là các định chế tài chính quan trọng có tính hệ thống toàn cầu bao gồm: Mizuho (Nhật Bản), Bank of China (Trung Quốc), BNP Paribas (Pháp), Deutsche Bank (Đức), Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Các ví dụ trong đời thực

Các SIFI này được coi là những ngân hàng Mỹ "quá lớn để có thể sụp đổ", bởi tổng tài sản và các tiêu chuẩn báo cáo của họ buộc phải cao hơn để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Kể từ năm 2019, các công ty này bao gồm:

Bank of America

The Bank of New York Mellon Corporation

Barclays

Citigroup

Credit Suisse

Tập đoàn Deutsche Bank

Tập đoàn Goldman Sachs, Inc.

JP Morgan Chase & Co.

Morgan Stanley

Tập đoàn State Street

UBS AG

Wells Fargo

Theo Mỹ Linh

Cùng chuyên mục
XEM