Khi các kênh stream trực tiếp biến thành ổ tệ nạn
Các kênh live streaming đều đã bị tố cáo chứa đựng các nội dung thô tục, bạo lực, thậm chí là các nội dung xúi giục người xem thực hiện hành vi phạm pháp.
Khán giả của các live video tại Trung Quốc đang được cho là ngày càng yêu thích những nội dung dung tục.
Thứ năm vừa qua, hãng truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa ra thông báo tất cả các kênh live streaming nổi tiếng như Douyu, Panda.tv, Huya, YY, Zhanqi TV,… đều sẽ bị Bộ Văn hóa Trung Quốc điều tra.
Các kênh live streaming đều đã bị tố cáo chứa đựng các nội dung thô tục, bạo lực, thậm chí là các nội dung xúi giục người xem thực hiện hành vi phạm pháp.
Bộ Văn hóa Trung Quốc cho biết đã triển khai các điều tra viên và sẽ thông báo chính thức hình phạt ngay khi đưa ra được kết luận về các công ty trên.
Live streaming là lĩnh vực đang tăng trưởng chóng mặt tại Trung Quốc. Những streamer nổi tiếng (tương tự như vlogger nhưng thường truyền hình trực tiếp thay vì chỉ quay video đã chỉnh sửa đơn thuần) thường là các game thủ chuyên nghiệp, chẳng hạn như các tay chơi top đầu của Dota 2 hay League of Legends.
Những người này có khả năng hấp dẫn hàng ngàn người xem họ đấu game. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại hình live streaming khác. Điển hình trong số đó là loại “phong cách sống” với sự xuất hiện của các cô gái xinh đẹp ăn mặc hở hang, nói chuyện hay và có thể tương tác với fan hâm mộ.
Trên thực tế, ăn mặc hở hang hay chơi game đều không phạm pháp nên hiện vẫn chưa rõ vì sao Bộ Văn hóa Trung Quốc lại có ý định đưa ra hình phạt với các công ty này.
Một điểm đáng nói là các nhà cung cấp live video lớn tại Trung Quốc như iQiyi, Letv hay Youku, đôi khi cũng cung cấp các dịch vụ live streaming, mới đây đã đưa ra một cam kết chung sẽ tuân thủ đúng các quy chuẩn khi triển khai dịch vụ live streaming, bao gồm cả việc watermark (đánh dấu bản quyền) nội dung, lưu giữ tất cả các nội dung livestream ít nhất 15 ngày sau khi trình chiếu, xác thực tên tuổi của streamer, xóa tài khoản các streamer vi phạm điều khoản và phải có nhân viên theo dõi, kiểm tra nội dung live streaming cả ngày lẫn đêm.
Nếu Bộ Văn hóa Trung Quốc vào cuộc, các kênh dịch vụ live streaming đương nhiên cũng sẽ phải theo các luật lệ tương tự. Việc đưa ra thông báo điều tra cũng như một lời cam kết “phải tìm ra gì đó sai phạm” từ Bộ Văn hóa, vì nếu không sẽ là một sự mất mặt lớn. Và việc các kênh live streaming này sẽ bị xử phạt ra sao hiện vẫn chưa ai được biết.
Cư dân mạng đã có những phản ứng trái chiều về quyết định của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Không có gì bất ngờ khi các fan trung thành của những kênh này không lấy gì làm vui vẻ, và số lượng những fan như vậy không hề nhỏ. Một báo cáo của trang Sina cho biết số lượng người dùng các site live streaming như vậy rơi vào khoảng 200 triệu – một con số không hề nhỏ để ngó lơ được.
Tuy nhiên, những người dùng mạng đứng tuổi hơn thì lại thấy việc các cô gái trẻ khoe thân trên các site live streaming là dung tục và hoàn toàn ủng hộ quyết định điều tra này.