Khi bị tra tấn bởi tiếng ồn, bạn mới thấy sự thinh lặng chính là lối sống xa hoa thời thượng nhất!
Bao nhiêu người trong chúng ta bao bọc quanh mình bằng sự thinh lặng dù trong vài phút ngắn ngủi? Xoay vần trong đủ thứ âm thanh hỗn tạp, khiến con người mất đi sự tự tại trong tầm hồn và khó tìm thấy niềm vui. “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” như một nốt lặng để người đọc ngồi lại, im lặng vài giây để tự hỏi, giá trị thinh lặng đóng vai trò thế nào trong đời sống hiện đại?
Sự thinh lặng – lối xa hoa giản dị
Một số người giàu có nhất thế giới, lựa chọn lối sống ôn hòa, giản dị. Một số khác lại tưới tắm cuộc đời mình trong những thứ xa hoa đắt đỏ. Một chiếc túi Louis Vuitton không còn là nỗi khao khát của các quý cô giàu có khi sự độc quyền, giới hạn của chiếc túi bị phá vỡ. Bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một chiếc túi Louis Vuitton thì rõ ràng sự quý hiếm, xa hoa không còn.
Điều đó chứng minh rằng, ngày hôm nay, một người có thể vui vì đã mua được một chiếc xe đắt đỏ nhưng cho dù chiếc xe đó có tuyệt vời đến cỡ nào thì họ cũng sẽ cảm thấy thua cuộc trước những người sở hữu những con xe thời thượng hơn.
Tác giả cuốn sách chia sẻ: “Xa hoa chỉ đem đến sự sướng khoái nhất thời. Sự thinh lặng chính là một lối xa hoa thời thượng. Thinh lặng là nhu cầu duy nhất mà những ai thường trực tìm kiếm thứ xa hoa mới mẻ nhất chẳng thể nào có được”.
Không phải ngẫu nhiên, trong đời sống hiện đại, những người giàu có thường sống ở những nơi tách biệt, yên tĩnh, ít ồn ào. Xe của họ, máy giặt hay bất kỳ vật dụng gì trong nhà cũng chạy êm hơn. Những người thuộc tầng lớp thấp, phải sống chung với tiếng ồn nhiều hơn vì tường nhà được xây cách âm kém hơn. Họ phải chịu đựng tiếng ồn của nhà hàng xóm và bất kỳ tạp âm nào cũng có thể phá vỡ sự thư giãn trong căn nhà của họ.
Chúng ta học cách sống chung với tiếng ồn vì cho rằng mình bắt buộc phải thế, nhưng tiếng ồn vẫn luôn là một phần khó chịu trong cuộc sống làm giảm chất lượng cuộc sống, mang lại ít ỏi cơ may sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu cho thấy, tiếng chim hót ở các thành phố lớn nay đã thay đổi, những tiếng trầm hơn đã thay thế bằng tiếng hót lanh lảnh hơn để cạnh tranh với những tiếng ồn do con người tạo ra. Một hệ quả đến từ tiếng chim hót đã thích nghi để sinh tồn. Tiếng ồn đã làm loài chim sống ở thành thị khó tìm kiếm bạn tình hơn do đó đẻ trứng ít hơn. Chim và con người khác nhau tuy nhiên cả hai đều có điểm chung: sự thinh lặng là một điều xa xỉ cho mỗi sinh vật sống và buộc chúng hay chúng ta phải đấu tranh để sinh tồn bằng cách thích nghi, loại bỏ tạp âm.
Thinh lặng cho người bận rộn
Thinh lặng chính là thứ xa xỉ trong đời sống hiện đại, chính vì vậy, nhu cầu tạo ra nhiều sự thinh lặng dù là “nhân tạo” ngày một nhiều.
Tại đất nước đáng sống nhất như ở Jutland, Đan Mạch, người ta xây dựng một sảnh yên lặng hoàn toàn cách âm có cửa kép cách nhau ba mươi cen-ti-mét. Hàng tá người tụ tập thường xuyên tại đây. Họ ngồi xếp bằng trên gối đệm riêng trong năm, mười phút. Mục tiêu cốt để nhắc họ rằng, theo thời gian, cuộc sống thuộc về tình yêu sâu đậm giữa con người và giúp họ thực hành lòng trắc ẩn hàng ngày.
Những trung tâm như thế hiện đang là một ngành ăn nên làm ra và chúng mọc lên khắp nơi. Hay những địa điểm du lịch về “sự thinh lặng” trở nên thu hút như đền Lake Shrine ở Los Angeles với tên gọi “sự thinh lặng tịch liêu”.
Một số khác, hầu như trong cuộc đời của mình chưa từng biết đến sự thinh lặng. Nhiều người trong độ tuổi lao động tâm sự, họ thường có cảm giác bồn chồn, không yên nếu xung quanh quá yên lặng.
Họ luôn có cảm giác bản thân quên mất việc gì đó, cảm thấy tội lỗi nếu không thể nhớ ra hoặc tiếp tục làm việc. Họ phải làm việc liên tục, liên tục để không còn cảm giác không an tâm. Họ có xu hướng làm bản thân trở nên bận rộn và cho phép sự bồn chồn hiển hiện lên cuộc đời họ từ ngày này qua tháng nọ và lâu dần hiển hiện một khối căng thẳng, stress thường trực.
Con người là một loại sinh vật xã hội. Sẵn sàng để người khác tiếp cận là một điều hay. Chúng ta không thể nào hoạt động đơn độc, nhưng điều quan trọng là ta có thế tắt điện thoại đi, ngồi xuống, không nói, không rằng, khép mắt, thở sâu vài lần và tìm cách nghĩ về một cái gì đó khác đi so với những điều thông thường vẫn thường nghĩ.
Tác giả không bắt người đọc phải bỏ việc, lên một ngọn núi hẻo lánh để tập yoga, tách biệt loài người mới có thể thinh lặng, mà rất tinh tế trong việc giúp những người bận rộn tìm thấy sự thinh lặng từ bên trong họ.
“Thinh lặng mà tôi có trong tâm trí có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào quanh bạn, miễn bạn chú tâm, bên trong tâm trí mình và hoàn toàn miễn phí. Bạn đâu cần phải đến Sri Lanka, bạn có thể thưởng thức nó ngay trong bồn tắm. Tôi khám phá ra thinh lặng khi nằm thêm năm phút trên giường ở nhà. Thinh lặng nằm ở chỗ khám phá trở lại, thông qua sự ngưng đọng những cái mang lại niềm vui cho chúng ta”, tác giả tâm sự.
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ” mang tư duy phương Tây của tác giả Erling Kagge – nhà thám hiểm người Na Uy, luật sư, nhà sưu tầm nghệ thuật, doanh nhân, chính trị gia, người mẫu cho đồng hồ Rolex, tác giả và nhà xuất bản. Ông được mệnh danh là người đàn ông phá vỡ mọi giới hạn khi lần lượt chinh phục: đi bộ đến Nam Cực một mình, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chinh phục Bắc Cực bằng ván trượt tuyết với 800km trong vòng 58 ngày và tiếp tục chinh phục đỉnh Everest – mái nhà thế giới. Trong cả cuộc đời của ông, chiêm nghiệm sự thịnh lặng trong từng khoảnh khắc là những trải nghiệm quý giá nhất.
Cách đây hàng trăm năm cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn, người lại chốn lao xao”. Tư tưởng giao nhau của phương Tây, phương Đông dù cách nhau nhiều thế hệ cho thấy những giá trị bất biến của thinh lặng trong cuộc sống mà chắc rằng khi cầm cuốn sách trên, mỗi người sẽ tìm thấy sự thinh lặng cần thiết cho cuộc đời mình.