Khi bạn đột ngột qua đời, cả thế giới bỗng dưng yêu thương bạn
Cả cộng đồng người hâm mộ tại Hàn Quốc và trên toàn thế giới đã có một đêm không ngủ. Những lượt xem và like đổ về các video cũ của F(x), đâu đó để lại dòng bình luận "Giá như mọi người yêu cô ấy nhiều hơn…"
Giá như Sulli có một cỗ máy thời gian, đi xuôi dòng tới tương lai, chỉ một ngày sau buổi chiều định mệnh ấy thôi, Sulli sẽ biết thế giới này còn rất nhiều người yêu thương và quan tâm tới cô.
Không phải ai cũng chia sẻ tin tức về cái chết của Sulli. Nhiều người không dám đọc hay đi ngược lại hành trình của Sulli, kể từ ngày hôm qua trở về trước. Họ chia sẻ một bài hát: "If I die young".
"Và có lẽ người sẽ những lời ca con hát
Thật nực cười khi ai đó chết đi rồi, người ta mới chịu lắng nghe…"
Mỗi khi có ai đó rời khỏi cuộc sống này, sẽ có một người ngồi nghe trọn vẹn "If I die young". Chúng ta thuộc nằm lòng những câu hát ấy, nhưng cuộc sống là một mớ lộn xộn không nhịp điệu, không điệp khúc - rồi khi rơi vào những hoàn cảnh như vậy, không ai biết phải xướng lên đoạn nào. Giá như, chúng ta lắng nghe nhau hơn một chút.
Mỉa mai thay, khi bạn đột ngột qua đời, cả thế giới bỗng dưng yêu thương bạn. Có những người đã luôn ở đó, một sự hiện diện có ý nghĩa nhưng chưa đủ mạnh mẽ để níu người khác ở lại. Nhưng có cả những người đã từng nói xấu, công kích bạn trên mạng xã hội, rụt tay lại khi bạn cầu cứu, nhìn bạn như một đứa quan trọng hóa vấn đề. Họ lật lại dòng thời gian trên Facebook và khắc khoải: "Giá như tao đã tử tế hơn với mày".
Những người kể chuyện vẫn trải lòng với hàng chục câu chuyện về sự tiếc nuối muộn màng sau mỗi cái chết, các nhà tâm lý vẫn ra sức khuyên nhủ mọi người "sống tốt với nhau đi khi còn có thể", chúng ta cũng hiểu điều đó, chỉ không làm được thôi. Vì cuộc sống vốn dĩ hà khắc với cả nhân gian, một người với cái chân đau làm sao nghĩ tới được người khác? Một lời hỏi thăm, động viên, một cái ôm thật chặt đâu có tốn mấy phút của ai? Ai cũng hiểu nhiều vấn đề không chỉ cần một lời chia sẻ, những người đang trải qua cảm xúc tiêu cực cần nhiều hơn thế. Đừng nghĩ rằng một lời chia sẻ của bạn chưa chắc đã mang lại điều gì tích cực; ít nhất, bạn cũng sẽ không dằn vặt lương tâm khi một ai đó qua đời, rằng mình có thể là một yếu tố đẩy họ tới những tiêu cực không thể nào giải quyết.
Chúng ta đôi khi vô tình làm tổn thương người khác và dồn nhau tới đường cùng, dù đã có những dấu hiệu về giới hạn được đưa ra. Đa phần những câu chuyện tự tử của học sinh đều do bị dồn nén nhiều cảm xúc và áp lực từ gia đình trường học và xã hội. Đáng buồn thay, những yếu tố tiêu cực đổ lên đầu họ lấn át sự sẻ chia tích cực từ một nhóm nhỏ người thân. Sức chịu đựng của từng cá nhân không phải một hồ nước để ném bao nhiêu viên sỏi xuống cũng được; nó chỉ như một cốc nước sóng sánh, cuộc sống bình lặng trôi qua cũng đã đầy ậc, huống chi lại bị cả một cộng đồng hùa vào tấn công để cuối cùng nước cũng tràn ly.
Cái chết của một người trẻ luôn khiến cả cộng đồng bàng hoàng. Những người yêu mến Sulli thức dậy sáng hôm sau, cố gắng nghĩ rằng đó không phải hiện thực. Còn ai đó từng ghét Sulli, hoặc chỉ trích cô trên mạng xã hội cũng đã có một đêm dằn vặt. Khi một người qua đời vì tự tử, nhiều người cũng "chết" trong lòng vì nỗi đau và sự nuối tiếc. Khi một người quyết định tự tử, họ không nghĩ về cái chết như một phép thử lòng thương, phải đặt mình vào vị trí của những người như vậy mới hiểu được cảm giác của họ. Cái chết là sự kết thúc với Sulli nhưng lại mở ra nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người. Chúng ta không tiếc nuối vì những điều mình đã nói hay hành xử mà tiếc nuối nhiều hơn khi một người đột ngột biến mất trong cuộc đời.
Khi bạn qua đời, cả thế giới bỗng yêu thương bạn, vô điều kiện - vì sẽ chẳng còn điều kiện gì lớn lao hơn sự sống. Buổi sáng sau ngày ai đó tự sát, những người yêu thương bạn dằn vặt vì đã không đủ mạnh mẽ để níu bạn lại với cuộc đời, những người từng nói xấu, công kích bạn thấy tội lỗi đè nặng, cả cộng đồng tiếc thương cho một người trẻ tài năng ra đi. Ai cũng có mối bận tâm riêng cho những câu chuyện như vậy: Những người hâm mộ thực sự sẽ nghĩ tới Sulli, người từng nói xấu cô sẽ nghĩ nhiều hơn tới bản thân mình và cắn rứt lương tâm, phần còn lại của thế giới lo cho tương lai của một thế hệ trẻ đang chìm trong trầm cảm, các vấn đề tâm lý và nhiều góc khuất của xã hội.
Nếu hỏi tôi có điều gì tích cực trong câu chuyện này, tôi nghĩ là không. Nhưng có một điều rõ ràng: Những người yêu thương khi bạn qua đời, họ cũng yêu thương khi bạn còn sống. Sự kết nối con người và tình yêu kỳ vĩ hơn vài dòng chia sẻ trên mạng xã hội. Vài dòng chia sẻ, giá như và tiếc nuối chưa chắc đã là tình yêu thương, đôi khi đó chỉ là sự sám hối muộn màng. Họ không bắt đầu yêu thương bạn khi bạn đột ngột qua đời, họ thấy yêu thương bản thân hơn vì sợ sự công kích từ cộng đồng, sự công kích từ lương tâm.
Những người yêu thương Sulli thực sự khi cô không còn, họ cũng vẫn yêu thương Sulli của ngày hôm qua. Nếu có gì tiếc nuối, chắc là yêu thương đôi khi là chưa đủ để níu một người ở lại với cuộc đời này.