Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng

24/06/2022 13:40 PM | Công nghệ

Những gì đang diễn ra ở Greenland lúc này chính là kịch bản sẽ xảy ra với đàn gấu trắng ở Bắc Cực, thậm chí còn tồi tệ hơn thế.

Trong Tiếng Anh có một thuật ngữ được gọi là "Endling". Nó dùng để chỉ những thành viên cuối cùng sống sót của một loài sinh vật, những cá thể mà sau khi chúng chết, sinh vật sẽ chính thức được coi là tuyệt chủng.

Đối với một số loài vật mà con người theo dõi được, những cá thể "endling" này đôi khi có thể được xác định, thậm chí chúng còn được đặt tên. Nhưng với đa số các sinh vật đã tuyệt chủng, những cá thể cuối cùng nằm xuống đất mẹ thường không được tìm thấy. Chúng đã chết trong sự cô đơn, một cách thầm lặng.

Một ví dụ từ những bằng chứng khảo cổ cho thấy những cá thể cuối cùng của loài voi ma mút lông cừu đã sống trên hòn đảo Wrangel của Siberia cách bờ biển 87 dặm. Trước đó, phần lớn đồng loại của những con voi ma mút này đã bị xóa sổ bởi biến đổi khí hậu và nạn săn bắn của con người.

Đến khoảng 4.000 năm trước, những con voi ma mút lông cừu ở đảo Wrangel đã trở thành những cá thể endling cuối cùng đại diện cho giống loài của mình. Chúng tuyệt chủng không lâu sau đó vì tình trạng giao phối cận huyết.

Bây giờ, nếu bạn thay đảo Wrangel bằng Greenland thì một kịch bản y hệt mốc thời gian 4.000 năm trước đang lặp lại. Chỉ có điều, nạn nhân lần này không phải là những con voi ma mút, mà là loài gấu trắng Bắc Cực.

Trong một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã tìm thấy một quần thể gấu trắng Bắc Cực ở Greenland có thể là đại diện cho những cá thể endling của giống loài mình, khi chúng đã từ bỏ ngôi nhà trên băng biển, sống phần lớn thời gian trong một vịnh hẹp và cũng có nguy cơ chết vì thiếu ăn cũng như giao phối cận huyết.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 1.

Số phận được báo trước từ nhánh gấu trắng lạc bầy

Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện theo chân Kristin Laidre, một nhà sinh thái học hiện đang công tác tại Đại học Washington. Cô chính là tác giả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science ngày 17/6.

Trong nghiên cứu này, cô và các đồng nghiệp của mình đã xác định được một quần thể gấu Bắc Cực độc nhất vô nhị sống ở mũi đông nam của đảo Greenland. Có khoảng vài trăm con gấu trắng ở đó nhưng trước đây không ai biết chúng đã bị cô lập về mặt di truyền trong ít nhất 200 năm.

Những con gấu này không sống trên băng biển – ngôi nhà mà hầu hết những quần thể gấu trắng Bắc Cực khác phải dựa vào để săn bắt, đi lại và nuôi con. Chúng đang thích nghi với một cuộc sống trên những tảng băng nước ngọt trôi ra từ sông băng khi mà băng biển ở Greenland tan hết trong hơn 2/3 thời gian của năm.

Thông thường, khi băng biển biến mất, khả năng sinh tồn của các quần thể gấu trắng ở Bắc Cực cũng giảm theo. Đó là bởi gấu trắng thường lợi dụng băng biển để săn hải cẩu – nguồn thức ăn chính của chúng. Khi những con hải cẩu ngoi đầu lên các lỗ băng để thở, gấu trắng sẽ rình chúng ở đó.

Ngoài ra, hải cẩu di chuyển chậm hơn trên băng so với bơi dưới nước, do đó, gấu Bắc Cực chỉ có thể bắt được chúng khi lên cạn. Ở những nơi mà mùa hè khiến băng tan hết, những con gấu Bắc Cực thường phải nhịn đói từ 100-180 ngày vì không săn được mồi.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 2.

Điều đó cũng có nghĩa là dưới tác động của biến đổi khí hậu, khi băng ở Bắc Cực càng tan nhiều và khiến mùa hè ở đó dài ra, những con gấu trắng Bắc Cực sẽ phải nhịn đói lâu hơn, tình trạng trực tiếp đe dọa đến khả năng sinh tồn của chúng.

Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp gấu trắng Bắc Cực vào nhóm dễ bị tuyệt chủng và dự đoán số lượng của chúng sẽ suy giảm khoảng 30% chỉ sau 3 thế hệ nữa, nghĩa là khoảng 35 năm. Một số nghiên cứu còn cho thấy gấu trắng Bắc Cực có thể sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, đó chỉ là phép ngoại suy từ một giả thuyết cho rằng gấu Bắc Cực cần băng biển để sống. Bây giờ, nếu những con gấu ở đảo Greenland đang sống mà không cần tới băng biển trong 250 ngày, liệu có phải chúng đã tiến hóa với một sự tách biệt về mặt di truyền so với các quần thể còn lại?

Chúng dường như đang sống theo một phong cách phù hợp hơn với một Trái Đất đang ấm lên, và có thể tiếp tục tồn tại ngay cả khi băng biển đã tan hết. "Điều này có nghĩa là gấu Bắc Cực đã được cứu?", Laidre hỏi.

"Câu trả lời đáng tiếc là 'Không'". Giống như quần thể voi ma mút cuối cùng ở Wrangel, những con gấu trắng ở Greenland có thể sống lâu hơn những con gấu trắng ở Bắc Cực.

Nhưng đến cuối cùng chúng cũng sẽ không cầm cự được mãi. Có lẽ Đông Nam Greenland chỉ đơn giản là nơi những con gấu trắng Bắc Cực cuối cùng, sẽ sống những ngày cuối cùng của giống loài mình mà thôi.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 3.

Khi gấu trắng không còn nhà trên băng

Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hiện chỉ còn khoảng 36.000 cá thể trong tự nhiên. Tất cả thuộc vào 19 quần thể sống xung quanh các rìa băng ở Bắc Cực. Chỉ có một quần thể duy nhất sống dọc theo 2.000 dặm bờ biển không có bóng người ở phía Đông Greenland và chưa từng được các nhà khoa học nghiên cứu.

Vào năm 2011, Laidre và các đồng nghiệp của cô đã bắt đầu một sứ mệnh kéo dài hàng thập kỷ để kiểm đếm những con gấu này. Nỗ lực của họ nhằm giúp chính phủ Greenland có thể đặt ra mục tiêu bảo tồn và hạn ngạch săn bắn trong khu vực quản lý của mình.

Việc đầu tiên trong nghiên cứu này là phỏng vấn những thợ săn địa phương, những người nắm tình hình về đàn gấu rõ nhất. Công việc kéo dài tới tận 2 năm, sau đó, nhóm nghiên cứu của Laidre mới bắt tay vào các nghiên cứu có hệ thống.

Họ đến Greenland vào năm 2015 để thực hiện một chuyến bay phát hiện gấu đầu tiên. Laidre nhớ lại khi họ bay tới vùng đông nam hòn đảo, một khu vực chỉ có những tảng băng nhỏ và thưa thớt. "Đó là một cảnh quan nghèo nàn và rất khó cho một con gấu Bắc Cực thực thụ có thể sinh tồn", cô nói.

Thế nhưng Laidre đã nhầm.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 4.

Những vị trí mà Laidre phát hiện gấu trắng Bắc Cực ở Greenland.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 5.

Một con gấu Bắc Cực lọt vào ống kính của Laidre từ trên máy bay phát hiện gấu ở Greenland năm 2015.

"Tôi nhớ mình đã thấy con đầu tiên và rồi chẳng mong sẽ nhìn thấy nhiều gấu hơn thế. Nhưng rồi chỉ 10 phút tiếp sau đó, chúng tôi đã thấy tổng cộng 6 con gấu cách nhau chỉ vài cây số", Laidre nhớ lại.

Nếu là một chuyến bay phát hiện gấu bình thường ở Bắc Cực, cứ phải hàng tiếng đồng hồ các nhà khoa học mới tìm thấy một con gấu. Còn ở đây, một vùng đất như Greenland, nơi mà đáng ra những con gấu Bắc Cực không nên được tìm thấy, chúng ở đó làm gì, mà tập trung với mật độ dày đặc như vậy?

Để tìm hiểu kỹ hơn, Laidre biết mình và cả đội cần xuống mặt đất. Thế nhưng, vùng đông nam của đảo Greenland là một khu vực có thời tiết rất bất ổn, với đường bờ biển khắc nghiệt và hầu như không có người định cư. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ không thể tìm được nhiên liệu và thực phẩm trong một bán kính rộng lớn.

Giải pháp của Laidre, cô đã cho đội tiền tiêu chôn sẵn những thùng nhiên liệu dọc theo bờ biển đầy tuyết, tạo ra những kho tiếp tế tạm thời mà một chiếc trực thăng có thể nhảy lò cò giữa chúng.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 6.

Một chiếc trực thăng trong đội tiền trạm của Laidre đang đặt nhiên liệu ở một điểm tiếp tế trên Greenland.

Khi tìm thấy một con gấu trắng Bắc Cực, họ sẽ hạ cánh ở gần đó, tìm cách tiếp cận con gấu, hạ nó bằng súng bắn thuốc mê, thu thập mẫu mô và các phép đo thể chất. Nếu là một con gấu cái trưởng thành, đội của Laidre sẽ còn gắn một chiếc vòng cổ để theo dõi nó.

Thông thường, cả đội xuất phát từ căn cứ cách địa điểm nghiên cứu 2 tiếng đồng hồ. Nhưng vào một buổi tối, Laidre quyết định sẽ hạ trại và ngủ trong một khu khai thác bị bỏ hoang để tiếp cận gần hơn với đàn gấu.

Đúng như dự đoán, đêm đó, Laidre đã nghe thấy những tiếng bàn chân lớn giẫm lên tuyết và tỉnh dậy. Đập vào mắt cô là một con gấu trắng Bắc Cực vừa thò đầu vào lều. Nó sau đó giật mình bỏ chạy, không quên càm theo chiếc túi lấy mẫu mô mà Laidre đã cất công thu thập cả ngày trước đó.

Ngay lập tức, cô với lấy chiếc chảo rán, cầm theo một cái thìa kim loại và liên tục khua để tạo ra tiếng động. Laidre đuổi theo con gấu một lúc thì nó nhả chiếc túi ra và chạy trốn vào màn đêm.

"Lúc tôi trở lại, chúng tôi nhận ra con gấu cũng đã cắn một vài chiếc trực thăng của chúng tôi", cô nói.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 7.

Những con gấu bị cô lập trong ít nhất 200 năm

Từ những mẫu mô mà Laidre giành lại được từ con gấu trắng, nhóm nghiên cứu của cô đã giải trình tự gen và phát hiện ra những con gấu ở Greenland thực sự là gấu bản địa. Khi sống ở Bắc Cực, những con gấu trắng nổi tiếng là hay đi lang thang trên khoảng cách lớn.

Nhưng ở Đông Nam đảo Greenland, gấu trắng ở đây chỉ sống khu trú trong một vịnh hẹp suốt nhiều năm. Bằng các vòng cổ gắn trên 27 con gấu trắng cái, Laidre đã quan sát thấy hành vi trở về nhà của chúng.

Khi những con gấu này vô tình bước lên một tảng băng bị cuốn vào dòng hải lưu trôi về phía nam hòn đảo, chúng sẽ nhảy ra khỏi tảng băng đó, bơi vào bờ và đi bộ qua quãng đường lên tới 190 km để về nhà, về đúng nơi con vịnh mà chúng sinh sống.

Chìa khóa sinh tồn của những con gấu ở Greenland cũng chính là từ những con vịnh ấy. Ở đó có những mảnh băng được gọi là "mélange", hay băng nước ngọt vỡ ra từ những sông băng đổ ra biển ở các vịnh hẹp.

Khi băng biển không còn, những con gấu buộc phải sử dụng những mảnh băng trôi lang thang này như một điểm rình mồi di động. Chúng vẫn có cơ hội kiếm được hải cẩu khi rình trên những tảng băng nước ngọt trôi lững lờ này.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 8.

"Điều này cho thấy các sông băng kết thúc ở biển có thể đóng vai trò như một địa điểm tái tạo khí hậu chưa từng được công nhận trước đây", Laidre và các đồng nghiệp của mình viết trong nghiên cứu.

Thậm chí, những con gấu trắng sống trong vịnh hẹp ở Greenland còn có khả năng sinh tồn cao hơn gấu trắng ở Bắc Cực vào mùa hè. Mặc dù chúng phải chịu đựng số ngày không có băng biển gấp đôi, nhưng may thay ở Greenland vẫn có băng nước ngọt trên cao để dự phòng trường hợp xấu nhất.

Ngược lại gấu trắng ở Bắc cực không có băng nước ngọt trên núi để dự phòng. "Một khi băng biển ở đó tan hết, chúng sẽ không có lựa chọn nào thay thế", Laidre nói.

Vì vậy, chúng ta chắc chắn có thể khẳng định gấu trắng Bắc Cực ở Greenland đã tồn tại dựa vào những tảng băng nước ngọt, ít nhất là cho tới thời điểm này. Thậm chí, phân tích DNA còn cho biết những con gấu sống trong vịnh hẹp của những tảng băng mélange đã ở đó từ hơn 200 năm trước.

"Những con gấu này rất giống nhau về mặt di truyền", Beth Shapiro, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học California, Santa Cruz nói. Chúng chính là quần thể gấu trắng Bắc Cực thứ 20 trên thế giới, một quần thể hết sức đặc biệt, vì chúng đã bị cô lập về mặt di truyền trong hàng trăm năm.

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 9.

Những con gấu ở Greenland không bao giờ di chuyển lên quá vĩ tuyến 64 để gặp những con gấu trắng họ hàng của chúng ở Bắc Cực. Điều này tạo ra một lo lắng cho Laidre và các đồng nghiệp. Đó là tỷ lệ sinh của quần thể gấu trắng ở Greenland có vẻ thấp hơn các quần thể khác.

Có thể nguyên nhân là vì chúng đang không tìm được bạn tình và nếu phải giao phối cận huyết, gấu trắng Bắc Cực ở Greenland cuối cùng sẽ nối gót những con voi ma mút trên đảo Wrangel để đi tới tuyệt chủng.

Và đó cũng sẽ là hình ảnh của những người họ hàng của chúng ở Bắc Cực. Laidre cho biết khu vực đông nam đảo Greenland đang phản ánh một tương lai cho loài gấu trắng. Khi Bắc Cực ấm lên, số ngày không có băng ở đó cũng sẽ tăng lên và nhiều còn gấu Bắc Cực sẽ gặp phải đối phó với điều kiện tương tự như đồng loại của chúng ở Greenland hiện giờ.

Thậm chí khi không có băng nước ngọt để dự phòng, gấu trắng ở Bắc Cực sẽ chết nhanh hơn thế. Nếu lượng khí thải carbon tiếp tục giữ ở mức như hiện nay, cả 19 quần thể gấu trắng sẽ bị xóa sổ trước năm 2100.

Andrew Derocher, một nhà nghiên cứu về gấu Bắc Cực tại Đại học Alberta cho biết:

"Tiểu vùng đông nam Greenland là một ví dụ cho những gì có thể xảy ra ở Bắc Cực khi Trái Đất đang ấm lên, lũ gấu sẽ phải tồn tại thành các nhóm nhỏ hơn, ở các khu vực nhỏ hơn nằm ngoài rìa phạm vi của chúng. Dần dần, chúng sẽ càng trở nên cô lập, với tỷ lệ giao phối cận huyết ngày càng tăng theo thời gian".

 Khi Bắc Cực không còn băng: Đâu sẽ là số phận của những con gấu trắng cuối cùng  - Ảnh 10.

Và cuối cùng, ngay cả các sông băng nước ngọt cũng không thể cứu được quần thể gấu trắng thứ 20 đang sống ở Greenland nữa. Về cơ bản, cả băng nước ngọt cũng đang biến mất dần trên Greenland. Vì vậy, nghiên cứu mới của Laidre và các đồng nghiệp "không nên được diễn giải thành việc các sông băng đang và sẽ cứu được lũ gấu trắng", cô nói.

Đó là một khả năng "rất khó xảy ra", Derocher nói. Với tốc độ ấm lên của Trái Đất như hiện nay, băng nước ngọt rồi cũng sẽ chạm đến điểm không thể cứu vớt quần thể gấu ở Greenland. Chúng sẽ tiếp tục bị thu hẹp môi trường sống, bị giảm tỷ lệ sinh và tăng tỷ lệ giao phối cận huyết. Điều chờ đón chúng vẫn sẽ là cột mốc tuyệt chủng.

Laidre nói: "Tôi không nghĩ mọi chuyện đến giờ phút này đã hoàn toàn vô vọng đối với gấu Bắc Cực, nhưng chúng ta cần hành động mạnh mẽ để hạn chế những biến đổi khí hậu do con người gây ra, nếu chúng ta muốn cứu chúng".

Chúng ta sẽ cần những giải pháp, và phải được thực hiện khẩn trương, trước khi quần thể gấu trắng ở Greenland nối gót những con voi ma mút lông cừu ở đảo Wrangel — trở thành những cá thể endling cuối cùng trong một thế giới không còn chỗ đứng cho chúng.

Tổng hợp

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM