Khen con “rất thông minh”, tưởng khích lệ con mà hóa ra lại gây tác dụng ngược
Việc khen con thông minh tưởng chừng nhưng vô hại nhưng lại có thể phản tác dụng và gây ra những hậu quả khó lường.
Việc con tham gia vào một cuộc thi nào đó hay giành được một giải thưởng, khen ngợi bé là một trong những phản ứng vô cùng tự nhiên của các bậc cha mẹ. Theo sau những thành công của bé có thể sẽ có thêm nhiều phần thưởng khác.
Nhưng khen ngợi là một trong những cách phổ biến nhất để khen thưởng và động viên trẻ. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các chuyên gia cho thấy rằng lời khen con không đúng cách có nhiều khả năng làm cho bé gian lận.
Khen ngợi quá mức có thể khiến con bạn gian lận
Theo hai nghiên cứu của giáo sư Kang Lee đến từ Học viện Nghiên cứu và Giáo dục Ontario (OISE) của Đại học Toronto (Canada), cùng với các đồng nghiệp, thì việc đánh giá sai về con của bạn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu.
Theo nghiên cứu thì những trẻ em được khen ngợi vì trí thông minh của mình đã sẵn sàng gian lận trong các cuộc thi và trò chơi (Ảnh minh họa).
Một nghiên cứu của nhóm tác giả trên đã được đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý cho biết: “Khen ngợi là một trong những cách phổ biến nhất để thưởng cho trẻ em.
Tuy nhiên, ca ngợi con cái thông minh lại mang những hậu quả không mong muốn. Nó có thể làm suy yếu động lực đạt thành tích của bé khi thực hiện công việc".
Nghiên cứu được khảo sát trên một nhóm các bé ở tuổi học mẫu giáo tại Trung Quốc.
Kết quả cho thấy các bé nhận được lời khen rằng "rất thông minh" dường như có xu hướng gian lận. Nhưng những đứa trẻ nhận được lời khen vì đã làm "rất tốt" hoặc không có lời khen như vậy thì lại ít có khả năng gian lận hơn.
Trong một nghiên cứu khác mà Giáo sư Kang Lee là đồng tác giả, những trẻ em ở Trung Quốc được khen ngợi vì trí thông minh của mình đã sẵn sàng gian lận trong các cuộc thi và trò chơi.
Tại sao việc khen ngợi lại có thể dẫn con bạn đến gian lận?
Trong 20 năm qua, Giáo sư Lee đã nghiên cứu lý do đằng sau một đứa trẻ có hành vi gian lận. Ông giải thích rằng ngay khi chúng học ngôn ngữ, trẻ em cũng đã học cách không trung thực.
Ông chia sẻ rằng việc khen ngợi thực sự có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên cách bạn thể hiện có thể có tác động tiêu cực.
Ngay sau khi trẻ học được ngôn ngữ, trẻ cũng đã có dấu hiệu của việc học cách không trung thực (Ảnh minh họa).
Theo ông, những điểu thường xảy ra là:
- Khen ngợi con của bạn vì trí thông minh của trẻ có thể làm cho trẻ cảm thấy bị áp lực để nổi trội vào mọi lúc.
- Do đó, trẻ có xu hướng sợ thất bại hoặc trở thành một nguồn gây thất vọng đối với phụ huynh và giáo viên.
- Sự sợ hãi này dẫn dắt trẻ đến việc gian lận để có thể đáp ứng được những kỳ vọng cao.
Về những nghiên cứu gần đây, ông chia sẻ: "Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy trẻ 3 tuổi đã có thể có những hành động gian lận."
Trong một nghiên cứu khác, giáo sư Lee cũng đã chia sẻ về sự ảnh hưởng của khả năng nói dối một cách thuyết phục đến sự phát triển về nhận thức xã hội của trẻ.
Bố mẹ nên khen con như thế nào mới đúng?
Thay vì khen bé thông minh, các bậc cha mẹ nên khen bé vì những nỗ lực của bé để đạt được kết quả (Ảnh minh họa).
Giáo sư Kang Lee đồng ý rằng đối với các bậc cha mẹ, việc khen ngợi con thông minh thật sự dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng để bảo vệ đứa trẻ khỏi những tác động tiêu cực của việc khen ngợi, ông đã chia sẻ một số lời khuyên đơn giản như sau:
- Tránh sử dụng các từ như "thông minh" khi khen con bạn.
- Tốt hơn hết là khen ngợi con của bạn vì những nỗ lực mà bé đã thực hiện hoặc các hành động cụ thể mà bé đã làm.
- Nên sử dụng các câu như "Con đang làm rất tốt" hoặc "Con đang chơi tốt" thay vì nói “Con thật thông minh!”.
Đồng thời, ông cũng khuyên rằng cha mẹ không cần phải mất hy vọng nếu họ phát hiện ra rằng con của mình đang gian lận. Học cách nói dối cũng là một mốc quan trọng của sự phát triển. Và bạn hoàn toàn có thể quản lý được trước khi nó trở thành vấn đề.
Khi khen ngợi con của bạn, hãy nhớ sử dụng các câu nói nói nghiêng về những nỗ lực hoặc hành động mà bé đang thực hiện để đạt được kết quả mong đợi.
Nguồn: Tổng hợp