Khẩu trang - một phần tất yếu của kinh tế Mỹ khi được mở cửa lại
Khẩu trang sẽ trở thành “điều tất yếu” khi Mỹ lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế.Thống đốc bang Washington cho biết chướng ngại vật lớn nhất để tái khởi động kinh tế Mỹ là sự thiếu hụt dụng cụ xét nghiệm virus corona.
Tổng số người thiệt mạng tại Mỹ do dịch bệnh Covid-19 tính đến ngày 17/4 đã vượt ngưỡng 34.000. Đây cũng là thời điểm mà thống đốc các bang đang lên kế hoạch cho giai đoạn hậu dịch bệnh với nhiều thay đổi đáng chú ý. Rất có thể, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ trở thành một phần “không thể thiếu” trong cuộc sống mới đó.
Thống đốc Connecticut, Maryland, New York và Pennsylvania đã ban hành các quy định cũng như khuyến cáo người dân đang sinh sống ở những bang này nên đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng khi các biện pháp cách ly xã hội có thể sẽ được nới lỏng trong vài tuần tới.
“Nếu như đi ra ngoài và không thể đảm bảo cự ly giãn cách xã hội, bạn phải đeo khẩu trang”, theo thống đốc bang New York Andrew Cuomo, thành viên của Đảng Dân chủ.
Những quy định tương tự được áp dụng tại bang New Jersey và thành phố Los Angeles, bang California, trong tuần trước. Việc che mặt khi ra đường cũng được khuyến khích áp dụng bởi thống đốc bang Kansas Laura Kelly hôm 14/4.
Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết người dân sinh sống tại các bang đông dân nhất nước Mỹ nên đeo khẩu trang khi đến những nơi công công trong thời gian tới.
“Chúng ta sẽ quay trở lại với cuộc sống bình thường nhưng cuộc sống này sẽ có những điểm khác biệt so với trong quá khứ”, thống đốc bang Connecticut Ned Lamont cho biết.
Nhân viên giao thực phẩm đạp xe trên một con đường vắng ở Beverly Hills, bang California, Mỹ, hôm 15/4. Ảnh: Reuters.
Thống đốc các bang thuộc khu vực Trung Tây của Mỹ đang cùng nhau xây dựng kế hoạch để có thể tái khởi động nền kinh tế, theo Jordan Abudayyeh, phát ngôn viên thống đốc bang Illinois J.B.Pritzker.
Tại bang Michigan, hàng trăm phương tiện giao thông đã tràn xuống các con phố xung quanh khu vực văn phòng thống đốc nằm tại thành phố Lansing nhằm phản đối lại các quy định hạn chế người dân ra khỏi nhà, được đánh giá là có phần nghiêm khắc hơn so với các bang còn lại trên toàn nước Mỹ.
Vài người tham gia cuộc biểu tình, được cho là tổ chức bởi những nhóm bảo thủ và ủng hộ Tổng thống Donald Trump, đỗ xe ngay trước tòa thị chính, nhiều người trong số đó không đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Nguy cơ cho đội ngũ y tế
Các nhân viên y tế đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm đến sức khỏe của chính bản thân họ khi tham gia vào tuyến đầu chống dịch.
Reuters cho biết đã có hơn 50 y tá, bác sĩ và các nhân viên kỹ thuật y tế thiệt mạng hoặc khởi phát các dấu hiệu nhiễm Covid-19, trong đó, có ít nhất 16 người đến từ bang New York.
Khi dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, các chính trị gia lại quay sang tranh luận với nhau rằng bằng cách nào và ở thời điểm nào các lệnh phong tỏa, vốn chưa có tiền lệ trong lịch sử Mỹ, được dần gỡ bỏ. Những biện pháp trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế số 1 thế giới, buộc nhiều người dân Mỹ phải dành phần lớn thời gian ở nhà.
Thống đốc bang Washington Jay Inslee cho biết chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình đưa Mỹ quay trở lại trạng thái ổn định đó là sự thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona.
“Chúng ta không đủ số lượng dụng cụ xét nghiệm”, Inslee cho biết. Ông cũng bổ sung rằng Mỹ đã cho đặt hàng hàng triệu que lấy mẫu, lọ đựng mẫu xét nghiệm và chất dung môi nhưng những dụng cụ đó mới chỉ vừa được vận chuyển đến.
Trong phiên họp báo thường nhật gần đây tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump ca ngợi Mỹ “là quốc gia có hệ thống xét nghiệm Covid-19 lớn nhất trên thế giới”. Nhưng, ông cũng nhấn mạnh rằng, xét nghiệm là vấn đề của từng bang, chứ không phải của chính phủ liên bang.
“Các bang và thành phố nên tiến hành xét nghiệm trên người dân của mình”, ông nói.
Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ hôm 15/4 tiết lộ một kế hoạch trị giá 30 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm Covid-19 trên quy mô toàn quốc.
Rơi tự do
Tổng thống Trump, dựa trên những thông tin nhận định rằng đỉnh dịch đã qua, ngày 16/4 công bố những hướng dẫn về tái khởi động nền kinh tế.
Việc hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa khiến cho hàng triệu người dân Mỹ mất việc làm. Chủ các cơ sở kinh doanh cũng đang rất chật vật mới có thể thanh toán chi phí thuê mặt bằng.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ công bố hôm 15/4 cho thấy doanh số ngành bán lẻ giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1992. Tiêu dùng đóng góp đến 2/3 hoạt động của nền kinh tế Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, giá trị sản xuất cũng giảm mạnh nhất từ năm 1947 bởi dịch bệnh đã “tàn phá” các chuỗi cung ứng.
“Nền kinh tế đang rơi tự do”, theo Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, Los Angeles.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước có dân số đông thứ 3 trên thế giới, đang là quốc gia có số lượng người tử vong lớn nhất do dịch bệnh Covid-19, vượt cả Italia và Tây Ban Nha.
Tính trên quy mô toàn cầu, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đã vượt qua con số hơn 2 triệu, trong đó hơn 148.000 người tử vong. Dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Ông Trump ngày 15/4 cho biết chính phủ Mỹ đang điều tra thông tin virus Covid-19 bị phát tán từ một phòng nghiên cứu tại thành phố Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “Bắc Kinh nên thành thật” với những thông tin mà họ cung cấp.
Nguồn lây lan virus vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cơ quan tình báo Mỹ điều tra và kết luận nguồn gốc Covid-19 là từ tự nhiên, trái ngược với cáo buộc trước đó rằng virus corona được nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc, nhưng chưa có câu trả lời nào được công bố là chính xác.