Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây của PepsiCo và con đường làm giàu của người dân Tây Nguyên

30/12/2020 21:30 PM | Kinh doanh

Tại Việt Nam, người tiêu dùng đã quá quen thuộc với các sản phẩm về đồ uống của PepsiCo nhưng vẫn còn ít người biết tới tập đoàn này đang là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc trồng khoai tây và về sản lượng khoai tây được trồng trong nước phục vụ cho sản xuất Snack khoai tây tại thị trường Việt Nam.

Với hơn 10 năm trồng thí điểm, nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng vùng nguyên liệu trồng khoai tây trên khắp cả nước, Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Food Việt Nam) vẫn luôn "trong cơn khát nguyên liệu sản xuất ngay tại Việt Nam". Cho đến khi PepsiCo và những người dân đang tìm đường làm giàu gặp nhau, mở ra triển vọng phát triển vùng nguyên liệu khoai tây trù phú trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.

Ngành hàng tỷ đô "khát" nguyên liệu

Tại thị trường Việt Nam, ngành hàng snack khoai tây ngày càng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng mỗi năm đều trên hai con số. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của khoai tây tươi nội địa chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% của nhu cầu này.Trước năm 2008 nguồn cung khoai tây cho nhà máy sản xuất snack chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài do trong nước chưa có vùng trồng khoai tây quy mô chế biến công nghiệp.

Để có được những sản phẩm chất lượng quốc tế đến tay người tiêu dùng, PepsiCo cần có nguồn nguyên liệu lớn trong nước. Hơn 10 năm qua, PepsiCo đã miệt mài nghiên cứu, tìm kiếm vùng đất và thử nghiệm để xây dựng vùng nguyên liệu. Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu ngay tại thị trường Việt Nam của PepsiCo đến nay vẫn chưa bao giờ dừng.

Miệt mài xây dựng niềm tin cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học của PepsiCo Việt Nam cho hay: một trong những lợi thế cạnh tranh của PepsiCo trong lĩnh vực thực phẩm so với các công ty khác trên thị trường là lĩnh vực nông học. Về máy móc và thiết bị có thể mua được, nhưng về trồng khoai làm nguyên liệu để có năng suất cao, chất lượng tốt, thì không phải công ty nào cũng làm được. PepsiCo làm đã được điều đó nhờ vào đầu tư công nghệ giống cũng như kỹ thuật canh tác, và đó là lợi thế của Tập đoàn. Tất cả các thị trường do công ty xây dựng đều tập trung vào phát triển khoai tây tại địa phương để đảm bảo nguồn cung nội địa. Tại Việt Nam, PepsiCo đang là công ty tiên phong và dẫn đầu trong các dự án trồng khoai tây dành sản xuất tại Việt Nam.

Do đó, ngay từ khi triển khai lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam năm 2006 sau khi thành công trong mảng đồ uống, chương trình nông học của PepsiCo đã được khởi động tại tỉnh Lâm Đồng năm 2007. Dự án nhằm mục tiêu liên kết với nông dân để đưa ra sản phẩm và nguyên liệu đầu vào là củ khoai tây để chế biến thành các sản phẩm snack chip như Lay’s và Poca đang nổi tiếng trên thị trường

Với phương thức "đối tác song hành" PepsiCo Việt Nam ký hợp đồng với người nông dân theo giá thỏa thuận, cung cấp giống, phân có chất lượng để đảm bảo quá trình sản xuất của người nông dân được thành công. PepsiCo Việt Nam cũng hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương, trực tiếp tại đồng ruộng.

Hình thức hợp tác này tránh cho người nông dân rủi ro về biến động giá trên thị trường giúp người nông dân biết được thu nhập của mình khi liên kết với PepsiCo sau chu kỳ sản xuất 4 tháng.

"Khi người dân tham gia với công ty, nếu có rủi ro về thời tiết hoặc sự cố bất khả kháng, công ty đều chia sẻ lỗ với thất bại của người dân. Song song với quá trình đó, công ty lúc nào cũng nghiên cứu để đưa vào những kỹ thuật canh tác tốt nhất để giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập, hướng tới nền nông nghiệp bền vững làm sao ít tác động tới môi trường nhất, tạo ra năng suất hiệu quả nhất thông qua các giống mới, năng suất cao, chống chịu bệnh cũng như đưa chương trình hợp tác bền vững vào canh tác khoai tây’’ - Ông Nguyễn Phúc Trai, giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam chia sẻ.

Hiện nay, cơ cấu đầu tư và lợi nhuận của PepsiCo: Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, PepsiCo đầu tư ứng giống, phân bón cho bà con khoảng khoảng 40%, nông hộ đầu tư 60% còn lại vào thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước…. Lợi nhuận ròng mùa khô đạt khoảng 95 triệu - 100 triệu đồng.

Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây của PepsiCo và con đường làm giàu của người dân Tây Nguyên - Ảnh 1.

Người nông dân đang canh tác trên ruộng khoai tây của PepsiCo

Mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây ở Tây Nguyên

Năm 2020 có thể là một cột mốc quan trọng đối với PepsiCo khi công ty quyết định mở rộng chương trình trồng khoai tây sang các tỉnh Đắk Lăk và Gia Lai với khí hậu - thổ nhưỡng phù hợp với giống cây trồng này. Đây có thể coi là một bước đi chậm nhưng vững chắc của công ty khi đã nắm chắc được kỹ thuật, quy trình và vùng sản xuất.

Đăk Lăk và Gia Lai là hai khu vực thuộc Tây Nguyên, có độ cao từ 500 – 900m so với mực nước biển, do vậy có nhiệt độ từ 200 C – 270C, có nhiều nét tương đồng với Đà Lạt nơi công ty đã triển khai dự án. Quỹ đất của các khu vực này rất lớn phù hợp với việc canh tác và khả năng cơ giới hóa nông nghiệp. "Qua khảo sát, vùng này có thể cung cấp trên 200.000 tấn/năm." ông Nguyễn Phúc Trai, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam cho biết.

Dự kiến trong giai đoạn một của chương trình mở rộng sẽ cung cấp sản lượng dự kiến từ 5.000- 6.000 tấn. Và đến năm 2023 sẽ mở sẽ tăng sản lượng gấp đôi tại các khu vực này.

Khát khao mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây của PepsiCo và con đường làm giàu của người dân Tây Nguyên - Ảnh 2.

Giống và công nghệ đã thay đổi tập quán canh tác của nông dân, quyết định năng suất cao, giúp nông dân làm giàu

Để phát triển khoai tây tại địa phương, đảm bảo nguồn cung nội địa thì cần có bộ giống tốt. Hiện nay, trên toàn cầu, PepsiCo có 2 hệ thống nghiên cứu giống tại Mỹ và Peru. Để tạo ra một giống khoai mới phải mất trung bình từ 8 - 15 năm. Hàng năm, PepsiCo chọn loại giống phù hợp với điều kiện nhiệt đới đưa về thử nghiệm.

Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã công nhận 2 loại giống FL2215 và FL2027 để đưa vào sản xuất. Hai giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và năng suất cao. Giống FL2215 có khả năng chống chịu trong mùa mưa tại Lâm Đồng, Đăk Lăk.

Đặc biệt, tại Đăk Lăk tưới bằng hệ thống nhỏ giọt, giúp năng suất tăng và lượng nước/1ha giảm, tiết kiệm hơn 4.000m3/ha so với tưới xoay truyền thống. Nếu tính trên hệ thống nhỏ giọt so với tưới phun sương, sẽ tiết kiệm 30% nước tưới. Điều đó cho thấy việc áp dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Năm 2017, anh Trần Trung Quyết, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar đã dành ra 5ha thí điểm liên kết trồng khoai tây với PepsiCo. Nhưng chỉ sau đúng một vụ, anh Quyết đã thu về 400 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí ứng trước của công ty.

"Tin tưởng vào dự án của PepsiCo, vụ Đông Xuân vừa qua, tôi và em trai dành ra 15ha ký hợp đồng với công ty để sản xuất khoai tây. Sau thu hoạch, tính ra chúng tôi thu về trên 1 tỷ đồng. So với các loại cây trồng ngắn ngày khác như khoai lang, giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường thì trồng khoai tây, được PepsiCo ký hợp đồng, cung cấp giống tốt và phân bón, hỗ trợ kỹ thuật nên có tính ổn định hơn nhiều" - anh Trần Trung Quyết khẳng định.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM