Khảo sát: Khủng hoảng Covid buộc gần 70% lãnh đạo khu vực châu Á-TBD tăng tốc chuyển đổi số, 61% thúc đẩy nhu cầu hợp tác - liên minh

30/08/2021 11:18 AM | Kinh doanh

Khảo sát của các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu nêu bật khả năng phục hồi và cách thức thúc đẩy chiến lược của các doanh nghiệp.

Deloitte vừa công bố báo cáo Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi. Báo cáo thứ ba của Deloitte trong năm nay về thị trường doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu đã chỉ ra việc nhiều doanh nghiệp tư nhân tin rằng họ trở nên kiên cường hơn trong môi trường sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua. Trên thực tế, hơn 2/3 nhà lãnh đạo tham gia khảo sát tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại dịch đã đẩy nhanh một số hành động nhất định, những dữ liệu từ báo cáo cho thấy:

• 69% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong doanh nghiệp của họ - không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.

• 61% các doanh nghiệp mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới.

• 60% doanh nghiệp được hỏi tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết kế lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

Trong khảo sát được thực hiện với 2.750 lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia từ ngày 21/01 đến ngày 09/03/2021, Deloitte nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi đều tập trung vào bảy yếu tố chính: chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự đánh giá tình hình doanh nghiệp trong việc thực hiện các yếu tố thể hiện sự kiên cường này để xây dựng "thang điểm khả năng phục hồi". Dựa trên phần trả lời cho những câu hỏi được đưa ra, các doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân thành ba loại: nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao, nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trung bình, và nhóm các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp.

Khảo sát cũng nhận định, các tổ chức có khả năng phục hồi cao thường lạc quan hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của họ so với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp, với tỷ lệ 52% các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đặc biệt tin tưởng vào triển vọng doanh nghiệp trong ba năm tới, so với chỉ 15% của các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp. So sánh giữa lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân khác trên toàn cầu, lãnh đạo tại Hoa Kỳ là những người lạc quan nhất về doanh thu, lợi nhuận và năng suất trong năm tới. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ, bao gồm chuyển đổi số, là những yếu tố nằm trong danh mục các yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp kiên cường.

Ông Jason Downing, Phó Chủ tịch Deloitte LLP kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private Hoa Kỳ, cho biết: "Các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục duy trì sự cam kết với mục tiêu đề ra trong năm qua, đặc biệt các nhà lãnh đạo đã thúc đẩy nhanh chóng những hoạt động để ứng phó kịp thời với những bất ổn do đại dịch gây ra. Báo cáo toàn cầu của Deloitte đã nêu bật những bước tiến của các doanh nghiệp tư nhân trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chuyển đổi số, thiết kế lại chuỗi cung ứng và công việc trong tương lai. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự khác biệt rõ rệt giữa các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao. Các tổ chức có khả năng phục hồi cao có xu hướng đầu tư nhiều hơn để tăng trưởng và đánh giá mục đích của họ trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi".

Ông Richard Loi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private Đông Nam Á và Singapore cho biết: "Nghiên cứu này cũng mang lại nhiều giá trị cho một số khách hàng doanh nghiệp tư nhân của Deloitte tại Đông Nam Á - nơi đại dịch buộc các nhà lãnh đạo phải tăng tốc độ chuyển đổi để ứng phó với những thách thức của một môi trường chuyển động nhanh và không chắc chắn. Mặc dù chuyển đổi có thể đã là một yêu cầu bắt buộc rõ ràng, nhưng lộ trình triển khai còn gặp nhiều thách thức. Các giải pháp số ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp khi các CEO vừa tìm cách tối ưu hóa nguồn lực hiện tạị, vừa tìm cách xây dựng một nền tảng sẵn sàng cho sự đổi mới và lợi thế cạnh tranh trong tương lai".

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private, Việt Nam chia sẻ: "Báo cáo không chỉ nêu ra cách thức các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới ứng phó với khủng hoảng đại dịch Covid-19, mà còn đưa ra bảy yếu tố quan trọng trong lộ trình xây dựng khả năng phục hồi, giúp doanh nghiệp định vị và giành được ưu thế cạnh tranh trong một môi trường không ngừng biến động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến từ đại dịch Covid-19 trong hiện tại và tương lại. Dựa vào dữ liệu thu thập và phân tích của chuyên gia Deloitte từ báo cáo, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, từ đó, giúp hoạch định chiến lược và xây dựng những kế hoạch phù hợp hơn, trở nên kiên cường để vững vàng chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức."

Một số điểm chính trong báo cáo:

Tăng trưởng và lực lượng lao động

Trong khi đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán những tác động của đại dịch trên diện rộng có thể tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài trong vài năm tới, họ tin rằng doanh nghiệp của họ sẽ phục hồi sau cuộc khủng hoảng trong 12 tháng tới. Các doanh nghiệp tư nhân dường như đã đặt nền tảng cho sự thay đổi về lực lượng lao động bằng cách sắp xếp lực lượng nhân sự và thiết lập lại tổ chức theo hướng linh hoạt hơn, hoàn thành các công việc tốt hơn với các đội nhóm nhỏ và độc lập hơn, bao gồm:

• Các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao (19%) nói rằng họ đã hoàn toàn thay đổi bản chất công việc tại tổ chức và 38% nói rằng họ đang trên hành trình chuyển đổi.

• Các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao có khả năng hỗ trợ cho nhân viên nhiều hơn so với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp (66% so với 48%).

Lợi ích của chuyển đổi số

Các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng cao về lợi nhuận mà các khoản đầu tư cho công nghệ sẽ mang lại cho doanh nghiệp của mình, đồng thời, có kế hoạch tiếp tục tăng quy mô các khoản đầu tư vào công nghệ.

• Trong những doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai quá trình chuyển đổi số trước khi khủng hoảng xảy ra hoặc hiện đang trong quá trình, doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao có tỷ lệ gần gấp hai lần so với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp (80% so với 43%).

• Sự khác biệt trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của doanh nghiệp giữa doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao và thấp là 18%.

Các doanh nghiệp cũng đầu tư cho công nghệ trong các lĩnh vực khác. Trong 12 tháng tới, bảo mật thông tin được coi là lĩnh vực đầu tư công nghệ phổ biến nhất theo 39% số người tham gia khảo sát, tiếp theo là điện toán đám mây (38%) và phân tích dữ liệu (37%).

Tập trung sâu hơn vào mục đích hoạt động

Mục đích hoạt động và sự tín nhiệm luôn gắn liền trong văn hóa và nền tảng của các doanh nghiệp tư nhân, và hai yếu tố trên đặc biệt trở nên quan trọng trong năm 2020. Báo cáo nhận định:

• Gần 70% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tầm quan trọng của mục đích hoạt động ngày càng tăng do khủng hoảng đại dịch Covid-19.

• Xét trên phương diện này, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 84% khi các nhà lãnh đạo cho biết họ đang tập trung nguồn lực vào mục đích hoạt động.

Ông Jason Downing chia sẻ: "Qua đại dịch này, chúng tôi hiểu được cách thức các doanh nghiệp suy nghĩ, hành động và đầu tư - những dấu hiệu nổi bật của khả năng phục hồi và tăng tốc - và đó có thể tiếp tục là những yếu tố gắn liền với các tổ chức kiên cường".

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
XEM