Khảo sát 57.000 nhân viên cảm thấy chán nản công việc hơn cả thời Covid-19: Đâu là lý do khiến bạn mắc kẹt chốn công sở?
Theo nghiên cứu mới công bố của BambooHR (Công ty phần mềm nhân sự), hàng chục nghìn nhân viên đang cảm thấy khổ sở hơn cả thời kỳ đỉnh dịch Covid-19. Vì sao lại như vậy?
Mới đây, Công ty phần mềm nhân sự BambooHR đã công bố nghiên cứu mới về chỉ số hạnh phúc của nhân sự Mỹ trong nửa đầu năm 2023 với 57.000 nhân viên. Hầu hết, họ đều cho biết, bản thân cảm thấy khổ sở hơn bao giờ hết tính từ dịch Covid-19. Thậm chí, tình trạng tâm lý tồi tệ này còn hơn cả thời kỳ đỉnh dịch.
Dù nghiên cứu của BambooHR không thu thập nguyên nhân nhưng Adam Grant, chuyên gia tâm lý học tổ chức của tờ New York Times cho rằng, ông biết lý do vì đã nhiều năm nghiên cứu môi trường công sở và những cảm xúc chứa đựng trong đó.
Ông cho rằng ba điều dưới đây đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự khổ sở của nhân viên.
Kiệt quệ cảm xúc
Grant đã phổ biến thuật ngữ "sống mòn" (languishing) cách đây vài năm để mô tả cảm giác thờ ơ và khó chịu chung mà nhiều người dường như đang cảm thấy.
Ông nói với CNBC: "Đó là cảm giác bạn không đạt đến đỉnh cao năng lực, bạn đang thiếu động lực và ý nghĩa nhưng bạn không chán nản vì vẫn còn hy vọng và bạn không kiệt sức vì vẫn còn chút năng lượng".
Giống như một loạt cuộc chiến không ngừng nghỉ, thiên tai liên quan đến khí hậu và tình trạng bất ổn xã hội trong vài năm qua - một cuộc "khủng hoảng vĩnh viễn" - đã khiến nhiều người cảm thấy kiệt sức, trong đó có người lao động.
Điều này có thể dẫn đến nghỉ việc trong im lặng (quiet quitting), tức nhân viên chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu của công việc.
Grant khuyên các công ty nên thực hiện phỏng vấn định kỳ để khảo sát nhân viên về suy nghĩ với công việc và những gì họ mong muốn đạt được. Nó sẽ giúp giải quyết vấn đề trước khi nhân viên đó nghỉ việc hoặc nghỉ việc trong im lặng.
Đối phó với một nơi làm việc độc hại
Nghiên cứu của BambooHR chỉ ra kiệt sức ở người lao động ngày một tăng. Theo Grant, văn hóa làm việc độc hại là một trong những nguyên nhân chính. Để đối phó với điều đó, ông khuyến nghị tìm cách giảm những phần nặng nhọc nhất trong công việc của nhân viên; trao cho nhân viên quyền tự chủ càng nhiều càng tốt; tạo ra một nền văn hóa nơi mọi người cảm thấy an toàn khi cần giúp đỡ hay thừa nhận đang gặp khó khăn.
Grant cho biết, cách tốt nhất để chống lại tình trạng kiệt sức mà ông biết đến từ một người quản lý đã nói với nhân viên rằng "gọi điện báo ốm cũng được và gọi điện khi buồn cũng không sao".
"Chúng ta có bằng chứng từ nhiều thập kỷ trước rằng những người lãnh đạo quan tâm đến nhân viên về sau sẽ có nhiều người muốn gắn bó hơn và làm việc tốt hơn", Grant nói.
Sự gián đoạn do AI
Trong vài năm tới, AI sẽ thay đổi cách làm việc của hầu hết mọi người. Trong tương lai gần, nhân viên có thể llo lắng vì bị AI thay thế hoặc đơn giản cảm thấy nản lòng với suy nghĩ phải đối phó với công nghệ mới và mạnh mẽ này.
Grant cho biết đã được xem khoảng chục nghiên cứu cho thấy AI hỗ trợ nhà văn, lập trình viên và nhân viên bán hàng làm việc hiệu quả hơn, tương tự cách là công cụ tìm kiếm giúp cải thiện hiệu suất của hàng triệu nhân viên bán hàng nhiều năm trước.
Ông tin rằng AI đại diện cho cơ hội chưa từng có để giải phóng khối lượng công việc cho con người, thậm chí tiến tới tuần làm việc bốn ngày.
Dù vậy, nhiều nhân viên lo sợ việc triển khai AI chỉ là cái cớ để khối lượng công việc của họ thêm gánh nặng. Dùng AI để giảm gánh nặng công việc và cho thấy lãnh đạo quan tâm đến cấp dưới là lựa chọn khôn ngoan hơn nhiều với doanh nghiệp.