Khao khát luyện “Tiên đan" để bất tử, kết cục hoàng đế Trung Quốc đều thất bại, vì sao?
"Bí quyết của thuật trường sinh bất lão là gì?" là câu hỏi làm đau đầu rất nhiều vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa.
"Tiên đan" là gì và có những tác dụng ra sao?
Trong cuốn "Tiên dược của Bão Phác Tử" (Bão Phác Tử là một đạo sĩ nổi tiếng theo Đạo giáo) có nói rằng ngũ cốc, sản vật tự nhiên trong thiên hạ chính là tiên dược nếu biết kết hợp với nhau và dùng cho đúng người thì có thể đạt trường thọ.
Tiên đan chính là cách để gọi một bài thuốc "hấp dẫn" mà bài thuốc đó được tổng hợp, pha chế từ nhiều nguồn nguyên liệu quý ở đất nước Trung Hoa. Nó được coi là có hai tác dụng, một là có thể giúp người ta trở nên trường sinh bất lão hoặc chí ít thì cũng giúp tăng cường sinh lực, bổ trợ cho "bản lĩnh" đấng nam nhi.
Nhưng thực tế, hàng ngàn năm qua, việc luyện Tiên đan không có một công thức hợp lý, cụ thể, uy tín được ghi chép mà chỉ đơn giản là các công thức truyền miệng giữa những người hành nghề y hoặc trong dân gian.
Khởi nguồn của việc luyện Tiên đan chính là xuất phát từ công việc "giả kim thuật" (một công việc mà nhiều người xưa tin rằng nếu thành công có thể biến kim loại bình thường trở thành vàng) của những người người theo Đạo giáo. Từ đó, sự phát triển của Đạo giáo cũng đi liền với sự phát triển của thứ thần dược được gọi là Tiên đan.
Theo các nghiên cứu lịch sử thì "giả kim thuật" xuất hiện bắt đầu từ thời Chiến Quốc, các thuật luyện Tiên đan cũng xuất phát khi ấy. Tuy nhiên, thành phần để luyện Tiên đan (thường được tương truyền miệng) lại bao gồm các chất mà y học hiện đại coi là nguy hiểm tới sức khỏe và bị cấm hoặc hạn chế trong thực phẩm như chì, thủy ngân, asem ...
Người xưa vẫn tin rằng nếu có thể có được công thức luyện đan thì sẽ giúp họ trẻ mãi không già, đẹp tựa thần tiên. Thậm chí có câu rằng "vàng được đãi từ sông, sông lại có cội nguồn, thuật trường sinh tựa vậy, có thể thành tiên nhân". Đại ý rằng nếu cái gì cũng có nguồn gốc và con người cũng có thể tìm được nguồn gốc sự bất tử.
Như vậy, "Tiên đan" không phải là một loại thảo dược hay loại thuốc cụ thể mà là một cách gọi nhằm chỉ cách thức tạo ra sản phẩm được tổng hợp từ nhiều thứ có sẵn trong tự nhiên với mục đích chế ra thuốc trường sinh bất lão.
Một trong những sản phẩm như vậy từng được ghi nhận được gọi là thuốc "Đan Sa". Trong sách "Thần Nông bản thảo kinh" đã nói rằng Đan Sa được tạo nên từ hơn 40 loại dược liệu khác nhau trong tự nhiên trong đó có các loại đá quý và bao gồm cả thủy ngân.
Người ta tin rằng loại thuốc này có thể giúp bất tử và mạnh mẽ như thánh thần trong truyền thuyết. Ngày nay với khoa học hiện đại, ta có thể biết rằng điều này là vô lý. Nhưng nó đã thuyết phục được các hoàng đế thời xưa, những người khao khát sự bất tử hơn ai hết.
Những người theo Đạo giáo được cho là luyện "giả kim thuật" và từ đó dẫn đến khao khát luyện thuốc trường sinh (Ảnh: Internet)
Thực tế theo ghi chép, những người điều chế Đan sa thường dùng thủy ngân. Họ sẽ qua một số bước khiến thủy ngân thường thành thủy ngân mới. Mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là thủy ngân sunfua (gồm hai nguyên tố hóa học là thủy ngân và lưu huỳnh, công thức hóa học là HgS).
Nếu biết sử dụng đúng liều cũng có thể chữa bệnh, thậm chí giúp cơ thể cảm thấy khỏe mạnh nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi. Có lẽ vì vậy, nhiều vị hoàng đế đã tưởng rằng dùng thường xuyên các loại Tiên đan sẽ giúp mình trường thọ, mạnh mẽ. Kết quả là nó khiến họ ảo tưởng, tử vong nhanh hơn.
Những hoàng đế Trung Quốc nào bị ám ảnh bởi "Tiên đan"?
Hoàng đế đầu tiên thể hiện khao khát về sự bất tử là Tần Thủy Hoàng . Ông đã cho người đi tìm, điều chế mọi thứ mà ông nghi ngờ rằng có thể giúp ông hiện thực hóa tham vọng được sống mãi mãi.
Vậy nhưng, kết quả đã rõ, Tần Thủy Hoàng qua đời ở tuổi 49 mà một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông là vì ông đã thử dùng một số "sản phẩm" được cho là giúp trường sinh bất lão. Nhiều sử gia cho rằng ông hoàn toàn có thể sống lâu hơn nếu không mắc sai lầm đó và biết đâu lịch sử sẽ thay đổi.
Đến thời Đường, đây là thời đại mà đã có giai đoạn Trung Hoa phát triển cực thịnh. Rồi các hoàng đế nhà Đường khi ở đỉnh cao quyền lực cũng say mê và muốn chiếm hữu mãi mãi thứ quyền lực đó. Có ít nhất 5 trong số 21 vị vua nhà Đường đã bị ám ảnh và tác động bởi "Tiên đan". Đó là Đường Thái Tông, Đường Mục Tông, Đường Huyền Tông, Đường Hiến Tông và Đường Vũ Tông.
Trong đó nổi tiếng nhất là Đường Thái Tông. Mặc dù dưới triều trị vì của ông, nhà Đường phát triển thịnh vượng và ông cũng là một vị vua anh minh tài giỏi nhưng theo các sử liệu thì việc ông qua đời ở tuổi 51 là do tin dùng một lượng "thuốc trường sinh" nhỏ nào đó từ một vị sư không trung thực đến từ Ấn Độ.
Điều này chứng tỏ vị vua này cũng rất khao khát sự bất tử. Nhưng kết quả thì ngược lại.
Nổi tiếng sáng suốt như Đường Thái Tông cũng bị thuốc trường sinh mê hoặc (Ảnh: Internet)
Hơn 1500 năm sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, bài học về hậu quả của "Tiên đan" cũng đã có nhưng một vị vua thời nhà Thanh vẫn mắc sai lầm. Đó là Hoàng đế Ung Chính (con của Khang Hy và là cha của Càn Long). Vốn là vị vua nổi tiếng nghiêm khắc, chăm chỉ và minh mẫn. Ung Chính đã giúp nhà Thanh duy trì sự thịnh trị.
Tuy nhiên, đến nay cái chết đột ngột của ông vẫn khiến cho các nhà nghiên cứu nghi ngờ.
Cụ thể, trong cuốn "Hoạt Kế Đáng" (sách ghi lại quá trình sinh hoạt, phục vụ nhà vua thời Thanh) thì ngày 9 tháng 8 năm 1735 thì 2 thái giám đứng đầu khi ấy là Lý Cửu Khanh và Vương Thủ Quý đã bàn bạc và chấp nhận đưa 200 cân than chì vào Viên Minh Viên (một khu vườn nổi tiếng là nơi dành cho nhà vua nghỉ nơi).
Than chì cũng là một nguyên liệu thường được sử dụng để luyện thuốc trường sinh nhưng không dùng đúng cách sẽ cực nguy hiểm.
Sau khi nghỉ tại Viên Minh Viên, đến ngày 21 tháng 8, Ung Chính có dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng không cho người chữa trị, đến ngày 23 thì qua đời. Rất có thể, Ung Chính đã cố gắng tìm cách để mình trường thọ thông qua "Tiên đan".
Hoàng đế Ung Chính thời nhà Thanh cũng bị đặt nghi vấn qua đời vì thử uống thuốc trường sinh bất lão (Ảnh: Sohu.com)
Như vậy, khát khao trường sinh bất lão luôn ám ảnh các vị hoàng đế, đặc biệt là những vị hoàng đế tài giỏi và sắt đá như Tần Thủy Hoàng, Đường Thái Tông, Ung Chính. Nhưng cũng chính vì vậy mà điều không may đã đến với họ. Nếu họ không có hứng thú với sự bất tử, biết đâu họ lại có thể trị vì lâu hơn.
Tham khảo: SOHU.COM, KKNEWS.CC, NEWS.IFENG.COM.CN