Khái niệm “giá trị”- lời giải cho lý do mua của khách hàng
Mọi nhà sáng lập đều hiểu rõ rằng việc đưa ra một sản phẩm/ dịch vụ hiệu quả là chìa khóa thành công cho startup. Nhưng làm thế nào để hiểu được mong muốn, nhu cầu của khách hàng đối với một sản phẩm/dịch vụ mới? Làm thế nào để giới thiệu sản phẩm thành công, có giá thị thương mại cao và góp phần phát triển xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường? Làm thế nào để hiểu rõ nhu cầu của nhà đầu tư đối với một startup?...
Những câu hỏi đó đã được trình bày và trao đổi trong Hội thảo “Khái niệm “giá trị” – lời giải cho lý do mua của khách hàng” được tổ chức vào chiều 19/4/2017 tại Không gian làm việc chung BKHUP với hơn 100 các chủ doanh nghiệp tham dự. Hội thảo được đồng tổ chức bởi các bên BK-Holdings, NATEC, Alphabooks với diễn giả chính là GS.TS. George Vozikis – Giảng viên môn “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” của Chương trình ThS QTKD cấp cao Việt Nam, ĐH Hawaii.
Doanh nhân đón nhận thất bại như một kinh nghiệm học hỏi. Nếu thất bại là không thể tránh khỏi, doanh nhân cần thất bại nhanh chóng và ít tốn kém. Công thức thành công được xây dựng dựa trên hai yếu tố: cơ hội kinh doanh và con người – bản thân doanh nhân.
Khái niệm “Giá trị” đặt ra câu hỏi sản phẩm/ dịch vụ có giá trị như thế nào, có hiếm không, có dễ bị thay thế hay rất khó và tốn kém để bắt chước không. Doanh nhân sẽ cần hình dung: Cách thế giới đang tiếp diễn như bây giờ (The way the world IS now) tạo ra vấn đề nào? Cách thế giới có thể (The way the world COULD BE) gợi ý lựa chọn thay thế nào? Cách thế giới nên (The way the world SHOULD BE) hình thành nên giải pháp? Doanh nghiệp cần đưa ra bằng chứng về những giá trị liên quan đến quyết định mua của khách hàng, để khách hàng sẽ bị thuyết phục mà quên đi việc mua những sản phẩm thay thế khác.
Khái niệm giá trị liên quan đến nghiên cứu kỹ thuật và thị trường. Về nghiên cứu kỹ thuật, các vấn đề cần được xem xét là cơ sở hạ tầng công nghệ, bản quyền hay sáng chế, lợi thế và rủi ro công nghệ, tình hình phát triển hiện tại. Về nghiên cứu thị trường, các vấn đề đó là nhu cầu thị trường, tính độc đáo và cạnh tranh của sản phẩm, rào cản gia nhập thị trường, các kênh phân phối, tiêu chí định giá.
Sau khi đã nghiên cứu ra được sản phẩm, doanh nhân cần nói chuyện với những người xung quanh như gia đình, bạn bè, các hội nhóm kinh doanh, tổ chức để học hỏi thêm từ đó và có dũng cảm để thay đổi định hướng. Những nhà đầu tư sẽ chỉ tìm kiếm những thương vụ tốt đem lại tỷ suất sinh lời cao, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh nổi trội, đội ngũ quản lý tốt và thị trường khách hàng tiềm năng lớn. GS. Vozikis cũng chỉ ra những lời nói dối thường có của nhà đầu tư và người sáng lập.
Có nhiều lý do để nhà đầu tư quyết định không đầu tư vào startup: đội ngũ quản lý yếu kém, startup không đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình, giá trị thương vụ thấp, không có chiến lược thoái lui, chủ doanh nghiệp không phù hợp hay các yếu tố ngành.
Nội dung trình bày của GS. Vozikis được làm rõ thêm trong bối cảnh Việt Nam với những chia sẻ thành công và thách thức khi khởi nghiệp của 2 sinh viên Chương trình ThS QTKD cấp cao Việt Nam, ĐH Hawaii - doanh nhân Nguyễn Thành Nam – người sáng lập và điều hành của Dichung.vn và doanh nhân Hà Ngọc Anh – người sáng lập và phó giám đốc điều hành của Hệ thống Anh ngữ AMES. Hai doanh nghiệp Việt này đều cần tìm hiểu khách hàng tiềm năng của mình để cải tiến sản phẩm/ dịch vụ phù hợp và có tính cạnh tranh với những sản phẩm/ dịch vụ hiện có trên thị trường. Hai doanh nhân cũng trăn trở để định hướng và phát triển những điểm khác biệt, đem đến sự hài lòng cho khách hàng và xây dựng thương hiệu. TS. Nguyễn Trung Dũng - CEO, BK-Holdings cũng có thêm những chia sẻ để khởi nghiệp thu hút đầu tư tốt hơn.
Lời khuyên của các diễn giả dành cho những nhà sáng lập hay những bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp là “Cho dù bạn là sư tử hay linh dương, mỗi sáng mai thức dậy, bạn đều phải sẵn sàng và có thể chạy nhanh mỗi ngày”. Mỗi doanh nhân luôn nhìn thấy cơ hội trong mỗi biến cố, thách thức và nuôi dưỡng can đảm để tiếp tục và thay đổi.