Khả năng thành công của "hộ chiếu vaccine" có cao?

16/04/2021 16:00 PM | Xã hội

Thời điểm này, bên cạnh việc phòng dịch COVID-19 lây lan, các quốc gia cũng đang tính đến những phương án mở lại hoạt động du lịch, khôi phục nền kinh tế.

Mặc dù WHO khuyến cáo các quốc gia không chỉ dựa vào hộ chiếu vaccine để mở cửa lại biên giới, nhưng các nước thông qua quy định này đều cho rằng hộ chiếu vaccine có thể là tấm vé để mở lại cánh cửa thông thương giữa các nước về du lịch - vốn bị thu hẹp bởi đại dịch . Câu hỏi của giới chuyên gia y tế vào lúc này là khả năng thành công của hộ chiếu vaccine có cao không, khi mà có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra khi các nước đưa vào sử dụng loại giấy thông hành này.

Vì sao Tổ chức Y tế thế giới chưa ủng hộ "hộ chiếu vaccine"?

Vấn đề đang khiến giới chuyên gia đau đầu đó là độ an toàn của hộ chiếu vaccine ra sao, liệu nó có khiến dịch bệnh thêm khó kiểm soát, khi việc tiêm vaccine không thể đảm bảo ngăn ngừa được hoàn toàn virus SARS-CoV-2 lây lan? Tổ chức Y tế thế giới đã giải thích tại sao họ chưa ủng hộ hộ chiếu vaccine vào lúc này.

Bà Margaret Harris - Phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Chúng tôi hiện không có đủ dữ liệu về việc liệu vaccine có ngăn chặn sự lây truyền virus hay không để có thể kết luận rằng hộ chiếu vaccine sẽ là một chiến lược hiệu quả".

Khả năng thành công của hộ chiếu vaccine có cao? - Ảnh 1.

Việt Nam chuẩn bị triển khai hộ chiếu vaccine. Nguồn: Bộ Y tế

Ngoài ra, có cầu sẽ có cung, mà đôi khi cung là từ những nguồn không hợp pháp. Hiện đang nảy sinh một vấn đề mới là vấn nạn "hộ chiếu vaccine" giả.

Ông Beenu Arora - Nhà sáng lập Công ty tình báo mạng Cyble cho rằng: "Nhu cầu đi lại liên quốc gia đã tạo cơ hội cho các hàng trăm trang web đen mọc lên để rao bán các "hộ chiếu vaccine" giả với giá rất rẻ, chỉ khoảng 12 USD".

12 USD, tức là chưa đến 300 nghìn VNĐ cho 1 tờ giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. Hậu quả có thể thấy ở đây là khi những người chưa được tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vaccine mà sử dụng hộ chiếu vaccine giả để đi lại, họ có thể khiến cả cộng đồng gặp rủi ro.

"Hiện nay, không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với vaccine, ví dụ phụ nữ mang thai không được tiêm vaccine hoặc trẻ em dưới 18 tuổi. Nhiều quốc gia cũng chưa được tiếp cận với vaccine khi mà chúng ta vẫn đang chờ nguồn cung đầy đủ để phân phối vaccine cho tất cả các quốc gia cần chúng", bà Margaret Harris nói.

Như vậy, phải đảm bảo chặn đứng được nguy cơ lây lan COVID-19 sau khi tiêm vaccine mới có thể là tiền đề để triển khai "hộ chiếu vaccine", từ đó mở cửa du lịch hè tại các quốc gia trên thế giới.

Trang Phan

Cùng chuyên mục
XEM