Kết thúc tồi tệ sau thời kỳ nhà nhà, người người khởi nghiệp ở thung lũng Silicon: Trong vòng 2 tuần 6 founder bị bắt giữ, có người lĩnh án tù 11 năm
Rất nhiều founder trẻ tuổi, có học thức bị phanh phui việc lừa đảo nhà đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu USD.
Sự giả dối đã chấm hết. Tờ NYTimes nhận định, đó là cảm giác tại thung lũng Silicon lúc này, cùng với một chút hoang tưởng và sự sung sướng trên nỗi đau khổ của người khác.
Vào năm ngoái, vô số các startup đốt tiền không chỉ rơi vào tình trạng cạn kiệt vốn mà nhiều thương vụ lừa đảo cũng được khui ra ánh sáng. Tình huống này xảy ra khi các nhà đầu tư càng ngày càng soi xét kỹ hơn các startup. Ngoài ra, sự suy giảm của lĩnh vực công nghệ cũng cho thấy những người trong ngành từng hô hào “fake it till you make it” – tức là “Giả vờ cho tới khi thực sự làm được” đã đi xa.
Cứ thử nhìn lại những gì xảy ra trong 2 tuần vừa qua sẽ thấy rõ: Charlie Javice – nhà sáng lập của ứng dụng tài chính Frank đã bị bắt giữ, buộc tội làm giả dữ liệu khách hàng. Rishi Shah – đồng sáng lập startup phần mềm quảng cáo Outcome Health bị buộc tội lừa dối khách hàng và các nhà đầu tư. Và một phiên toà cũng đã tuyên Elizabeth Holmes có tội. Nữ nhà sáng lập này được cho là lừa các nhà đầu tư với startup xét nghiệm máu Theranos. Cô này chịu án tù 11 năm.
Những vụ việc này theo sau vụ bắt giữ vào tháng 2 đối với Carlos Watson – nhà sáng lập Ozy Media và Christopher Kirchner – nhà sáng lập công ty phần mềm Slync. Cả 2 bị bắt vì cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư. Sắp tới cũng diễn ra phiên toà xử Manish Lachwani – đồng sáng lập startup phần mềm HeadSpin và tiếp theo đó là vụ xét xử Sam Bankman-Fried nhà sáng lập sàn tiền số FTX.
Tổng hợp lại những vụ án, những bản án được tuyên kể trên đã tạo ra cảm giác rằng sự giả dối cẩu thả, liều lĩnh, thiếu suy nghĩ của thế giới startup đã bắt đầu gây ra hậu quả. Mặc cho rất nhiều bê bối chấn động trong thế hệ này (như Uber, WeWork) và những sự sụp đổ như của Juicero, rất ít nhà sáng lập công ty khởi nghiệp ngoài Holmes đã đối mặt với những cáo buộc hình sự nghiêm trọng vì phá vỡ ranh rới kinh doanh bằng những trò lừa đảo.
Sự suy thoái về vốn có thể là nguyên nhân. Hành vi phi đạo đức phần lớn có thể bị bỏ qua khi thời điểm thuận lợi, như đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ trong những năm 2010. Giữa năm 2012 và 2021, việc huy động vốn với những startup công nghệ ở Mỹ đã tăng gấp 8 lần lên 344 tỷ USD theo PitchBook – công ty theo dõi startup. Hơn 1.200 startup trong số đó được xem là “kỳ lân” – tức là trị giá 1 tỷ USD hoặc hơn trên giấy tờ.
Tuy nhiên khi thời kỳ tiền rẻ qua đi, mọi người bắt đầu nhắc đi nhắc lại về câu nói nổi tiếng của Warren Buffett: Khi thuỷ triều rút, sẽ thấy ai bơi khoả thân. Sau khi FTX nộp hồ sơ xin phá sản vào tháng 11, Brian Chesky – CEO Airbnb đã cập nhập một châm ngôn mới cho những nhà sáng lập công nghệ trẻ tuổi: “Có cảm giác như chúng ta đang trong một câu lạc bộ đêm và đột ngột đèn được bật sáng bừng lên”.
Trong quá khứ, các nhà đầu tư mạo hiểm – vốn rót tiền cho các startup thường bất đắc dĩ theo đuổi những hành động pháp lý khi họ bị lừa gạt. Những công ty này nhỏ, thường sẽ khôi phục được rất ít tài sản và như vậy nếu làm rõ mọi việc sẽ chỉ làm tổn thương danh tiếng của các nhà đầu tư. Điều này đã thay đổi khi các kỳ lân thăng hoa, thu hút hàng tỷ USD vốn và khi chúng lớn hơn, càng ngày càng nhiều các nhà đầu tư truyền thống gồm cả các quỹ đầu cơ, nhà đầu tư tổ chức bước vào cuộc chơi.
“Có nhiều tiền hơn bị đe doạ vì vậy họ thay đổi cách tính toán”, theo Alexander Dyck – một chuyên gia tài chính tại Đại học Toronto.
Toà án cũng đã thúc giục các công tố viên “tiếp tục dũng cảm” theo đuổi những vụ lừa đảo kinh doanh gồm cả tại những startup tư nhân. Vì vậy, những cáo buộc dành cho các nhà sáng lập của Frank, Ozy Media, Skync và HeadSpin có thể sẽ tiếp tục dài hơn nữa.
IRL – một ứng dụng nhắn tin mà các nhà đầu tư từng định giá 1 tỷ USD hiện đang bị điều tra bởi SEC về cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư về số lượng người dùng. Rumby – một startup giao đồ giặt là tại Ohio cũng bị cáo buộc tự vẽ nên câu chuyện thành công tài chính để huy động được vốn, sau đó, nhà sáng lập tự dùng tiền để mua cho mình căn nhà trị giá 1,7 triệu USD.
Nhiều tờ báo cũng đã đưa tin về thói quen trái luân thường đạo lý tại nhiều startup bao gồm cả Olive – một startup chăm sóc sức khoẻ 4 tỷ USD. Ngoài ra còn có Nate – một startup thương mại điện tử cũng trong tình trạng tương tự. Một người phát ngôn của Olive thì nói rằng công ty “bác bỏ và không đồng tình” với những cáo buộc đó.
Tất cả những điều này tạo ra một khoảnh khắc khó xử cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Khi định giá khởi nghiệp tăng vọt, họ được coi là những người có tầm nhìn. Thật dễ dàng để thuyết phục thế giới và các nhà đầu tư trong quỹ của họ - quỹ hưu trí, quỹ đại học và các cá nhân giàu có - rằng họ là những người quản lý vốn có trách nhiệm với các kỹ năng độc đáo cần thiết để dự đoán tương lai và tìm ra những Steve Jobs. Nhưng khi nhiều vụ gian lận khởi nghiệp được phát hiện, những người khổng lồ của ngành công nghiệp này đang đóng một vai trò khác trong các vụ kiện, hồ sơ phá sản và lời khai của tòa án: Nạn nhân bị lừa!
Các nhà đầu tư mạo hiểm cho biết loại tài sản của họ là một trong những nơi rủi ro nhất để gửi tiền nhưng có tiềm năng nhận về phần thưởng vượt trội. Thế giới khởi nghiệp ăn mừng những thất bại, và nếu bạn không thất bại, bạn sẽ bị coi là không chấp nhận đủ rủi ro. Nhưng không rõ liệu sự bảo vệ đó có được giữ vững hay không khi các vụ bê bối càng trở nên đáng xấu hổ hơn đối với tất cả những người liên quan.
Các nhà đầu tư đang ngày càng yêu cầu các chuyên gia tư vấn như RHR International giúp xác định các dấu hiệu nhận biết của "những người ái kỷ Machiavellian" - những người có nhiều khả năng phạm tội gian lận. Các công ty khởi nghiệp có nhiều điều kiện liên quan đến gian lận nhất, ông Dyck nói. Họ có xu hướng sử dụng các mô hình kinh doanh mới, những người sáng lập thường có quyền kiểm soát đáng kể và những người ủng hộ họ không phải lúc nào cũng thực thi giám sát chặt chẽ. Đó là một tình huống đã chín muồi để bẻ cong các quy tắc khi suy thoái xảy ra. "Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy rất nhiều vụ gian lận được thực hiện trong 18 tháng qua đang được đưa ra ánh sáng", ông nói.
Khi Javice nỗ lực bán startup của mình có tên Frank cho JPMorgan Chase – cô ta nói với một nhân viên rằng không được chia sẻ chính xác có bao nhiêu người dùng dịch vụ của Frank. Sau đó, cô ta yêu cầu nhân viên nguỵ tạo hàng nghìn tài khoản, nói với các nhân viên rằng hành động như vậy là hợp pháp và không ai có nguy cơ “mặc áo tù” cả.
Sau đó JPMorgan mua lại startup này với giá 175 triệu USD vào năm 2021, các nhà đầu tư của Frank đã nhanh chóng khoe chiến thắng vang dội trên Twitter. “Sẽ có nhiều gia đình và học sinh có cơ hội tiếp cận tốt hơn với trợ cấp tài chính và những cơ hội cao hơn”, một nhà đầu tư tại Reach Capital viết. “Thật tuyệt khi biết bạn có một nền tảng lớn hơn để thực hiện những tác động tích cực vào cuộc sống của nhiều người” là lời ngợi ca từ một lãnh đạo tại Chegg – công ty cũng đầu tư và Frank.
Hiện, Javice đối mặt với 4 cáo buộc. Tuần qua, JPMorgan đã buộc tội cô ta tội chuyển tiền cho một công ty vỏ bọc sau khi ngân hàng này phát hiện ra mình bị lừa.
Outcome Health – một startup bán quảng cáo thuốc trong văn phòng các bác sĩ đã huy động được 488 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm cả Goldman Sachs và CapitalG của Google… từng đưa ra những tuyên bố công khai về tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận chóng mặt. Nhưng thực tế, công ty này đã không đạt mục tiêu doanh thu và gặp khó khăn trong việc quản lý khối nợ.
Một nhà đầu tư nhỏ hơn của công ty là Todd Cozzens nói rằng: “Đây là mô hình kinh doanh tuyệt vời và sản phẩm này đang hoạt động tốt nhưng những nhà sáng lập này thực sự quá tham lam. Họ muốn nhiều hơn nữa”, ông nói. Công ty của Cozzens đã mất 90% giá trị với khoản đầu tư 15% vào đây.
Shah đã bị kết án 19 tội danh gian lận và Agarwal là 15 tội danh. Một người phát ngôn của Shah nói rằng bản án khiến anh “vô cùng đau buồn” và rằng anh ta lên kế hoạch để kháng cáo. Người đại diện của Agarwal thì nói rằng họ đang xem lại bản án và cân nhắc những lựa chọn.
Nhà sáng lập Slync là Kirchner cũng nói dối các nhà đầu tư về hiệu suất kinh doanh của công ty và sử dụng tiền huy động được để mua cho chính mình 1 chiếc máy bay riêng trị giá 16 triệu USD cùng nhiều tài sản giá trị khác. Khi một nhà đầu tư tìm hiểu tài chính của Slync, Kirchner nói với người này rằng Slync đang trong quá trình chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.
Người phát ngôn của Slync nói rằng công ty đã bổ nhiệm giám đốc mới và đang hợp tác với các điều tra của chính phủ và “hy vọng sớm giải quyết vấn đề”.
FTX huy động gần 2 tỷ USD từ những nhà đầu tư hàng đầu như Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và Thoma Bravo để rồi được định giá 32 tỷ USD. Nhưng công ty này hoạt động “vớ vẩn” tới mức không có đủ danh sách nhân viên đang làm việc.
Sequoia – quỹ từng bị mờ bắt bởi hồ sơ long lanh của Bankman-Fried đã đăng tải trên website của mình rằng họ xin lỗi các nhà đầu tư sau sự sụp đổ của FTX. Hồ sơ về Bankman-Fried cũng đã bị xoá.
Lin giải thích rằng ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm về cơ bản là hoạt động kinh doanh dựa trên niềm tin: “Vì nếu không tin tưởng các nhà sáng lập, làm sao bạn lại rút hầu bao đầu tư vào đó được”.
Nguồn: NYTimes