"Kẻ phá bĩnh" hay cánh tay nối dài của các ngân hàng?

18/10/2016 20:03 PM | Kinh doanh

Vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này.

Ngân hàng không cẩn thận sẽ nằm ngoài cuộc chơi

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa Bình, người sáng lập, Chủ tịch NextTech Group of Technopreneurs đã thẳng thắn cho biết, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam từ trước đến nay là một khái niệm xa xỉ với đại đa số dân chúng, bởi nó đi liền với hình ảnh văn phòng sang trọng, dịch vụ cao cấp. Vì vậy, chỉ một bộ phận khách hàng có thu nhập tốt mới hướng tới các dịch vụ này.

"Chỉ có khoảng 30% dân số sử dụng thường xuyên dịch vụ ngân hàng. 70% còn lại người ta nhìn thấy dịch vụ ngân hàng là những thứ xa xỉ ví như phòng giao dịch bóng loáng, nhân viên chuyên nghiệp nào cavat, guốc cao,... mọi thứ dường như thật đắt đỏ. Vẫn còn một bộ phận lớn khách hàng, có thể chiếm tới 70-80% dân số tại các quốc gia mới phát triển nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp hợp tác lấp chỗ trống hoặc thay thế ngân hàng phục vụ đối tượng này", ông Bình cho biết.

Các ngân hàng đã bỏ lại cơ hội thị trường rất lớn cho các công ty công nghệ (FinTech) đưa ra ứng dụng phục vụ thị trường tài chính này, nhắm vào đối tượng nằm ngoài vùng phủ sóng.

Fintech đang dần nở rộ

FinTech là một thuật ngữ dùng để miêu tả các công ty ứng dụng công nghệ tân tiến vào ngành Dịch vụ Tài chính. Lợi thế của các công ty Fintech nằm ở việc áp dụng công nghệ để đổi mới, hiện đại hóa các kênh bán hàng và gia tăng sự thuận tiện, khả năng tiếp cận dịch vụ cũng như tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh phù hợp hơn cho khách hàng...

Hiện tại các công ty FinTech chỉ cung cấp phần mềm thanh toán và một số các hoạt động cho vay giới hạn, họ đang được dự báo sẽ trở thành một mối đe dọa cho các ngân hàng và thậm chí là các công ty tài chính tiêu dùng.

Bằng việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh như mạng lưới dày đặc và cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo hay BankPlus có rất nhiều động lực để gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng không nắm bắt được công nghệ tiên tiến rất có thể sẽ tụt lại phía sau trong vài năm tới.

EY Adoption Index cho thấy, cứ 7 người thích sử dụng công nghệ số thì có 1 người sử dụng sản phẩm FinTech. Đây là lý do nhiều tổ chức tài chính mạnh tay đầu tư vào các công ty FinTech, chẳng hạn ING đầu tư một phần trong 160 triệu USD từ Series B vào WeLab - hệ thống cho vay hàng đầu châu Á; Lufax huy động thành công 1,2 tỷ USD, nâng giá trị của công ty lên 18,5 tỷ USD; Momo tăng vốn thêm 28 triệu USD từ quỹ đầu tư của Standard Chartered Bank…

Ngành này được đầu tư với tốc độ ngày càng tăng. Tăng trưởng tại Châu Á cao nhất với tốc độ 322% và chỉ đứng sau Mỹ. Source: 1 – CB Insights
Ngành này được đầu tư với tốc độ ngày càng tăng. Tăng trưởng tại Châu Á cao nhất với tốc độ 322% và chỉ đứng sau Mỹ. Source: 1 – CB Insights

2015 là một năm đánh dấu sự bùng nổ của FinTech tại Việt Nam với MoMo, Payoo hay 1Pay là những ứng dụng thanh toán trên điện thoại được sử dụng phổ biến bởi các công ty tài chính tiêu dùng và sự xuất hiện của các tên tuổi mới như LoanVi...

Momo là sự hợp tác giữa viễn thông và ngân hàng trong nước, được đầu tư trọng yếu từ Standard Chartered và Goldman Sachs. Momo giảm giá top-up điện thoại di động, thanh toán tiện ích, tích hợp thanh toán trực tuyến cho các hãng hàng không, rạp chiếu phim, bảo hiểm, các khoản vay,…Hay như Cổng thanh toán trực tuyến và ví điện tử được nhiều người biết đến tại Việt Nam Nganluong.vn giúp khách hàng thanh toán trực tuyến tại hàng nghìn website bán hàng hỗ trợ thanh toán Ngân Lượng, rút tiền mặt, hỗ trợ cung cấp thanh toán.

Kẻ phá bĩnh hay là người chuyển hóa?

Các doanh nghiệp FinTech sẽ là những kẻ “phá bĩnh” (disrupter) nhăm nhe đẩy ngân hàng ra ngoài cuộc chơi, họ đưa ra các sản phẩm chuyển tiền và thanh toán tiện lợi: chuyển tiền phi ngân hàng, ngoại hối trực tuyến hay kiều hối,... Sản phẩm tiết kiệm và đầu tư: môi giới chứng khoán/cá cược chênh lệch, tài trợ đám đông, lập ngân sách trực tuyến, đầu tư trực tuyến, hay hình thức cho vay ngang hàng P2P,..

Về hoạt động tín dụng, các doanh nghiệp Fintech này sẽ kết nối những người có tiền và người có nhu cầu vay vốn, qua trang web P2P.

Ví dụ như Loanvi, đây là mạng lưới cho vay trực tuyến ngang hàng đáp ứng nhu cầu cho vay cá nhân thông qua việc kết nối chênh lệch giữa các cá nhân không thể tiếp cận ngân hàng và các nhà đầu tư có thu nhập cố định. Đặc tính tiện lợi như tham gia hệ thống cho vay trong 15 phút, không yêu cầu lịch sử tín dụng, trong khi đó 70% Việt Nam là không thể tiếp cận ngân hàng), tiền gửi tối thiểu cho NĐT là 500 nghìn đồng, có thể tìm kiếm cơ sở dữ liệu phù hợp, lợi nhuận cao hơn so với ngân hàng hiện tại và rút tiền mặt mọi lúc,…

Tại Việt Nam, dịch vụ thanh toán là mảng chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Tại Việt Nam, dịch vụ thanh toán là mảng chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Bên cạnh những "kẻ phá bĩnh" này còn có những người “chuyển hóa” (transformer) đóng vai trò là cánh tay nối dài giúp tối ưu hóa hoạt động và phủ sóng dịch vụ ngân hàng đến mọi đối tượng khách hàng.

Họ là những công ty phát minh ra các sản phẩm công nghệ giúp các ngành truyền thống hoạt động hiệu quả hơn. Có doanh nghiệp cũng làm ví điện tử nhưng họ không phát triển giao dịch nạp/rút tiền riêng mà hoàn toàn sử dụng trên nền tảng ngân hàng, khách hàng có tài khoản ngân hàng gắn vào ví để thanh toán tiện lợi hơn.

Trong lĩnh vực cho vay, có doanh nghiệp chuyên đi giúp ngân hàng thu thập hồ sơ tín dụng đem về cho ngân hàng cấp hồ sơ. Ngoài ra có doanh nghiệp sáng tạo về mặt công nghệ, nếu như hoạt động truyền thống, muốn mở tài khoản ngân hàng khách hàng phải cầm chứng minh thư nhân dân ra tận các quầy giao dịch ngân hàng, thì họ phát minh ứng dụng, khách hàng chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư đồng thời mở ứng dụng tự chụp ảnh mình (selfie) để phần mềm để xác định người chụp ảnh và chứng mình thư là một từ đó mở tài khoản một cách dễ dàng từ đó vai trò Phòng giao dịch giảm đi, ngân hàng tiết giảm được các chi phí liên quan.

Đây là những doanh nghiệp trở thành cánh tay nối dài của các nhà băng, giúp họ quét sâu hơn các lớp khách hàng, giúp dịch vụ ngân hàng phủ sóng nhiều hơn, phạm vi khách hàng mở rộng hơn.

Trong số này, Baokim.vn là một ví dụ. Được Ngân hàng Nhà nước trao giấy phép Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Bảo Kim được mang đến những dịch vụ như: Cổng thanh toán điện tử, Ví điện tử, Hỗ trợ thu hộ chi hộ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là đại lý online phát hành thẻ; kết nối cổng thanh toán trực tuyến thẻ và trở thành đại lý khai thác đơn vị chấp nhận thẻ cho một số ngân hàng trong nước...Họ cũng ra mắt một công nghệ mới kết hợp những công nghệ tiên tiến nhất: QRcode, cảm ứng NFC, oneTimeBarcode, xác thực vân tay và tích hợp thẻ tích điểm.

Trong thời gian ngắn tới đây, tất cả những gì người ta cần khi ra khỏi nhà là 1 chiếc smartphone thay thế cho toàn bộ tiền mặt, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng...

Do vậy, một khía cạnh nào đó, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với thách thức lớn trong nỗ lực ứng phó với tốc độ phát triển của FinTech. Ngân hàng nên xác định FinTech là đối tượng cạnh tranh hay bạn bè hợp tác? Câu trả lời là cả hai, bởi các nhà băng có thể dựa trên đội ngũ của FinTech để tối ưu hóa dịch vụ mình đang cung cấp.

Cùng chuyên mục
XEM