Kế hoạch đổ nước nhiễm phóng xạ vào đại dương của Nhật Bản có thể thay đổi DNA của loài người

27/10/2020 22:00 PM | Xã hội

Tuy nhiên, các nhà chức trách, bao gồm cả Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản đã chỉ ra rằng đây là giải pháp duy nhất có thể thực hiện ở hiện tại.

Thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011 ở Nhật Bản đến nay vẫn đang gây ra nhiều vấn đề, mặc dù thực tế là cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát. Hiện tại, vấn đề nằm ở chỗ trong suốt 9 năm qua, để làm mát các lõi nhiên liệu tại khu vực điều hành của nhà máy hạt nhân đã bị hư hỏng, công ty điện lực Tokyo đã bơm vào đó hàng chục nghìn tấn nước mỗi năm. Sau khi sử dụng, số nước này được đưa vào kho.

Cho đến nay, quốc gia này có hơn 1,2 triệu tấn nước bị ô nhiễm không thể tái sử dụng, được đặt trong các bể chứa khổng lồ. Nhưng giờ, các bể chứa này sắp hết dung lượng.

Kế hoạch đổ nước nhiễm phóng xạ vào đại dương của Nhật Bản có thể thay đổi DNA của loài người - Ảnh 1.

Các báo cáo gần đây từ Nhật Bản cho thấy nước này đang trên đà đưa ra quyết định phải làm gì với nguồn nước bị ô nhiễm. Kịch bản có thể xảy ra nhất, dựa trên những báo cáo đó, là nước sẽ bị pha loãng và sau đó đổ trở lại đại dương. Ý tưởng này dựa trên quan điểm bất kỳ ô nhiễm nào do chất phóng xạ gây ra sẽ đủ thấp để không gây ra các vấn đề cho đời sống biển và con người.

Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada cho biết ông tin rằng giải pháp duy nhất là "thả nó vào đại dương và pha loãng nó". Ông nói: "Không có lựa chọn nào khác."

Nhưng ngay lập tức, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối của các nhà vận động môi trường và đại diện ngành đánh bắt cá. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho biết số nước này chứa mức độ "nguy hiểm" của đồng vị phóng xạ carbon-14 và các hạt nhân phóng xạ "nguy hiểm" khác. Và chúng sẽ gây ra "hậu quả lâu dài, nghiêm trọng đối với cộng đồng và môi trường" nếu được thải ra Thái Bình Dương.

Tổ chức này đã đưa ra một báo cáo trích dẫn lượng chất phóng xạ có khả năng tồn tại trong các bể chứa, khi được giải phóng trong đại dương - dù đã pha loãng hoặc không - thực sự có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về gen với con người, với mức ảnh hưởng lên tới hàng nghìn năm sau.

Theo Shaun Burnie, tác giả của nghiên cứu và là chuyên gia hạt nhân, tổng cộng có thể có tới 63,6GBq (gigabecquerels) carbon-14 trong các thùng chứa.

"Chúng cùng với các hạt nhân phóng xạ khác trong nước sẽ vẫn nguy hiểm trong hàng nghìn năm với khả năng gây ra tổn thương di truyền vĩnh viễn", chuyên gia này cho biết. "Đó là một lý do tại sao những kế hoạch như thế này phải bị từ bỏ."

Hôm thứ Sáu tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã hoãn quyết định về những việc phải làm với nguồn nước. Trong một cuộc họp riêng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hiroshi Kajiyama cho biết: "Để tránh sự chậm trễ trong quá trình ngừng phát thải của Fukushima Daiichi, chúng tôi cần phải đưa ra quyết định làm thế nào để đối phó với lượng nước đã qua xử lý đang tăng lên mỗi ngày".

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người trong cộng đồng khoa học đều cho rằng việc xả nước ra biển là một ý kiến ​​tồi. Một số người cho rằng mức độ phơi nhiễm phóng xạ do việc pha loãng nước sẽ thấp đến mức không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngay cả khi một người tiếp xúc với nước hàng ngày ở mức cao. Tuy nhiên, vấn đề là ý tưởng đổ nước phóng xạ ra đại dương được Nhật Bản đề xuất ngay từ đầu được cho là ẩn chứa một nguyên nhân sâu xa hơn, thứ khiến chính quyền nước này phải vội vàng và không muốn mất thời gian trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM