Jeff Bezos kể về bài học đầu đời khi làm bà ngoại bật khóc: "Làm người tốt còn khó hơn là trở thành một kẻ thông mình"
Tỷ phú Jeff Bezos từng kể một câu chuyện về thời niên thiếu của mình khi ông làm bà ngoại bật khóc. Lúc đó, ông ngoại của Bezos đã đưa ra lời khuyên để đời cho vị tỷ phú này "Làm người tốt còn khó hơn là trở thành một kẻ thông mình".
CEO của Amazon Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới. Và để đạt được thành tựu như ngày nay, vị CEO này không chỉ phải phấn đấu, nỗ lực hết cả tuổi thanh xuân mà ngay những bài học đầu đời từ người thân trong gia đình cũng đóng vai trò rất lớn trong sự thành công sau này của ông.
Trong một câu chuyện từng được Bezos kể về thời thơ ấu của mình, ông đã tiết lộ một triết lý sống mà vị tỷ phú của chúng ta không bao giờ quên khi được ông ngoại của mình dạy dỗ.
Khi còn là một đứa trẻ, Bezos thường dành thời gian nghỉ hè để tới sống với ông bà ngoại của mình nằm ở một trang trại phía nam Texas. Tại đây, ông ngoại đã dạy cho Bezos cách sống độc lập, tự làm tất cả mọi việc như sửa chữa đồ đạc, chăm sóc những con vật bị ốm trong trang trại... Bezos đã học được rất nhiều từ người ông của mình nhưng trong đó có một kỉ niệm khiến ông nhớ mãi cho tới tận bây giờ.
Đó là vào năm 1974 khi mà phong trào bảo vệ sức khỏe đang lên cao trào, đi kèm với đó là tuyên truyền bỏ thuốc lá tới cộng đồng được phát sóng trên đài phát thanh khắp nơi. Cậu bé Bezos của chúng ta lúc này đã nghe được một đoạn tuyên truyền
"Lúc đó trên một đoạn quảng cáo có nói gì đó, tôi không nhớ rõ lắm, hình như là mỗi một điếu thuốc bạn hút sẽ khiến tuổi thọ giảm đi 2 phút." Bezos lúc này tỏ ra rất lo lắng bởi bà của ông là một người nghiện thuốc lá nặng.
"Khi nghe xong điều này, lúc đó tôi đang ngồi trên xe và tôi đã thử tính nhẩm xem bà tôi đã đánh mất đi bao nhiêu phút cuộc đời. Trong đầu óc của một đứa trẻ 10 tuổi lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng việc mình tính toán nhanh và giỏi như vậy chứng tỏ rằng mình là một đứa trẻ thông minh. Khi tôi tính toán xong, tôi đã đọc ra con số để bà mình biết rằng bà đã mất đi bao nhiêu năm trong cuộc đời." Bezos cho biết.
Kết quả là bà ngoại bật khóc nức nở, Bezos bị shock hoàn toàn bởi lúc đó, với suy nghĩ của một cậu bé 10 tuổi, ông không thể ngờ được phản ứng của bà mình sẽ tiêu cực đến vậy.
"Ngay sau đó, ông tôi dừng xe lại và kéo tôi ra khỏi xe" Bezos hồi tưởng lại
"Tôi không biết sẽ có chuyện gì xảy ra, ông kéo tôi ra mà không nói một lời nào cả. Tôi cứ tưởng rằng ông sẽ mắng cho tôi một trận nhưng không phải như vậy."
Ông ngoại của Bezos đã kéo chú bé ra một góc riêng và nói chuyện một cách từ tốn "Đến một ngày nào đó, con sẽ nhận ra rằng làm người tốt đôi khi còn khó khăn hơn cả trở thành một kẻ thông minh."
Những lời khuyên này đã theo ông chủ của Amazon tới tận ngày nay và ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách điều hành của ông tại công ty khổng lồ này. Theo Bezos thì sự thành công của Amazon có được là nhờ công ty này đã làm tốt được 2 vai trò. Đầu tiên, đó là đối tốt với khách hàng, sau đó là đối xử theo cách "thông minh" nhất với nhân viên của mình.
Đối tốt với khách hàng được thể hiện ở chỗ Bezos luôn tin tưởng khách hàng và nghe lời phàn nàn từ họ. Nếu như có bất kì một lời phàn nàn nào của khách hàng, nhưng báo cáo của cấp dưới đưa lên chỉ ra điều ngược lại thì ông luôn chọn tin khách hàng thay vì tin vào các con số, hay lời giải thích của nhân viên. Nhờ vậy mà Amazon mới có thể cải thiện được dịch vụ và phát triển như ngày hôm nay.
Đối với nhân viên thì Bezos lại nhấn mạnh ở khía cạnh là phải đối xử với nhân viên một cách khôn khéo, thông minh. Đã từng có rất nhiều lời phàn nàn cho rằng nhân viên tại Amazon phải làm việc với tần suất cao, tới mức họ không có cả thời gian đi vệ sinh, phải tiểu ra chai ngay tại chỗ làm.
Trả lời về vấn đề này, Bezos từng cho rằng hệ thống quản lý của Amazon đã được nghiên cứu rất kĩ để giúp thúc đẩy các nhân viên làm việc tối đa năng suất có thể. Ông gọi hệ thống đánh giá và quản lý là một ma trận nơi mà tất cả các thông tin về hàng hóa, năng suất lao động của nhân viên đều được tính toán và quản lý một cách kỹ càng. Và Bezos cho rằng đối xử với nhân viên một cách khôn khéo sẽ giúp khai thác tiềm năng của họ dễ dàng hơn.