Jakarta chìm nhanh nhất thế giới, TP HCM đứng thứ 3, biến đổi khí hậu đáng sợ hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng
Đến năm 2050, 95% khu vực phía bắc Jakarta sẽ bị nhấm chìm. Đây là lý do khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải rời đô.
Hàng loạt đô thị nằm trong "vùng nguy hiểm"
Việc Indonesia tuyên bố rời đô khỏi Jakarta không có gì mới. Tổng thống đầu tiên của đất nước này đã nói về điều này năm 1957. Một phần của quyết định rời đô bắt nguồn từ những tắc nghẽn cực độ nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ngày nay, nơi sống của hơn 10 triệu người đang phải đối mặt với những nguy cơ to lớn hơn như nước biển dâng và sự sụt lún, đe dọa nhấn chìm một phần thành phố.
Jakarta không phải thành phố duy nhất trên thế giới đang bị nhấn chìm. Biến đổi khí hậu khiến nhiều đô thị khác trở thành nạn nhân, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển, với dân số trên 150.000 người trên khắp hành tinh đang bị đe dọa bởi nước biển dâng. Jakarta đứng đầu danh sách bị đe dọa, Manila của Philippines đứng thứ 2 và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng thứ 3.
Jakarta là nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu và lỗi thuộc về con người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, thành phố này cũng là nạn nhân của những chính sách mà bản thân họ theo đuổi. Thành phố này đang đắm chìm trong một quá trình được mô tả là sụt lún vì người dân và các ngành công nghiệp đã rút cạn nước ngầm, dẫn tới hiện tượng sụt đất. Việc hút nước ngầm đã bị cấm nhưng nhiều hoạt động chui vẫn diễn ra.
Giống một chai nước rỗng bằng nhựa, việc rút hết nước bên trong khiến nó dễ bị bẹp và lún. Thành phố này đang sụt tới 10 inches, tương đương 25,4 cm mỗi năm. Điều này tác động nghiêm trọng tới những tòa nhà trong ngắn hạn. Về dài hạn, nó đe dọa biến một nửa thành phố nằm thấp hơn mực nước biển. Chỉ cần một cơn bão, cả đô thị có thể bị nhấn chìm. Năm 2007, chỉ một cơn gió mùa đã khiến phân nửa Jakarta chìm dưới gần 4m nước, gây thiệt hại nửa tỷ USD.
Tình cảnh bi đát của Jakarta có thể khiến các đô thị ven biển trên toàn thế giới phải lo sợ. Hầu như tất cả các thành phố ven biển đều được xây dựng trên một lớp trầm tích lỏng lẻo và bị sụt lún. Dù có hút nước ngầm hay không, hiện tượng sụt lún vẫn diễn ra. Điều này đã được chuyên gia địa chất Manoochehr Shirzaei của Đại học Arizona khẳng định.
Những giải pháp mong manh
Sụt lún chưa được chú ý nhiều bằng nước biển dâng nhưng rõ ràng đó là vấn đề cần có sự đánh giá đúng đắn. Trong khi đó, Indonesia là nạn nhân của cả 2 yếu tố này. Ngay cả khi Jakarta ngừng khai thác nước ngầm để phục vụ mục đích sinh hoạt và công nghiệp, tầng đất xốp ở khu vực này vẫn khiến quá trình sụt lún diễn ra nhanh hàng đầu thế giới.
Dù Jakarta chặn đứng việc đất sụt lún, nó vẫn là đô thị ven biển và bị đe dọa bởi nước biển dâng cao. Thành phố này đã triển khai một mạng lưới kênh rạch và kè ven biển để ngăn những mối đe dọa từ đại dương. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng mạnh khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và khó có giải pháp ngắn hạn nào có thể ngăn chặn điều này.
Nói tóm lại, những vấn đề đã nêu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, không chỉ ở Jakarta mà còn trên toàn cầu. Những người đủ khả năng để chuyển khỏi những thành phố ven biển đang chết chìm có thể tìm thấy sự thoải mái ở các nơi khác. Tuy nhiên, những người nghèo có thể chết chìm cùng với chính nơi sống của họ.
Lũ lụt sẽ khiến nước thải tràn lên đường, mang theo bệnh dịch và muôn vàn mối họa. Sức khỏe con người cũng sẽ giảm sút. Sức khỏe tinh thần cũng không phải ngoại lệ. Đáng buồn, những người bị ảnh hưởng bởi mối họa này đang ngày càng tăng lên theo sự biến đổi khí hậu trái đất, hậu quả của sự đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc rời đô chưa phải dấu chấm hết cho Jakarta. Cách đây hơn 1 thế kỷ, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng lâm vào tình thế tương tự. Thời điểm đó, tốc độ chìm của Tokyo còn nhanh hơn Jakarta hiện nay. Sau Thế chiến 2, Chính quyền Tokyo cấm hoàn toàn việc khai thác nước ngầm và bơm thêm nước vào lòng đất. Họ đã ngăn được Tokyo sụt lún.
Dẫu vậy, Jakarta ngày nay khó có thể làm được điều đó. Chỉ một phần tư dân số Thủ đô Indonesia được dùng nước máy. Phần còn lại phải dùng nước giếng hoặc mua nước từ những người khai thác nước ngầm. Khử muối nước biển, cách mà người Israel đã rất thành công, có thể là giải pháp cho Jakarta. Rào cản duy nhất là chi phí.
Michael Kiparsky, Giám đốc Viện Wheeler Water tại UC Berkeley, cho biết: "Quy mô sử dụng nước ở Jakarta là vô cùng lớn và chi phí cho cơ sở hạ tầng, chi phí năng lượng cho việc khử muối từ nước biển cũng sẽ rất lớn".
Jakarta có thể chọn bài toán đơn giản và ít tốn kém hơn là rời đô. Tuy nhiên, chưa biết thủ đô mới của quốc gia này sẽ nằm ở đâu và khi nào điều đó trở thành hiện thực. Ở thời điểm hiện tại, người dân Jakarta sẽ phải tiếp tục sống với mối đe dọa nước biển dâng và thành phố đang chìm dần. Ách tắc giao thông khiến vấn đề càng trở nên trầm trọng.