img

Từ trước đến giờ, mỗi khi nhắc tới môi trường, chúng ta đều bị động. Bạn để rác trước cửa nhà, bạn vứt dưới chân cột điện, bạn phủi tay đen đét cùng gương mặt nhăn nhó, cuối cùng bạn thở phào nhẹ nhòm: "Chà, sau tất cả, rác cũng đã biến khỏi cuộc đời bạn". Nhưng bạn sai rồi!

Rác không tự sinh ra và mất đi, nó chỉ chuyển từ loại này sang loại khác. Vòng đời của một túi rác chứa hàng trăm chất thải vẫn sẽ quanh quẩn suốt cuộc đời bạn, chỉ tạm rời xa bạn một thời gian rồi quay lại "tấn công" bạn. Chúng ta thải ra quá nhiều rác mỗi ngày nhưng không biết cách tái chế hay tái sử dụng. Một trong những cách tối ưu nhất, là tốt hơn hết đừng sử dụng túi nilon, đừng lãng phí hộp xốp, đừng thừa thãi ống hút nhựa. Và thiết thực hơn, cùng chung tay hưởng ứng trào lưu vô cùng văn minh, mang tên #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác, đã và đang ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ hơn một tháng qua. 

Có ai đó đã từng nói, phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng. Đây là lời lý giải xứng đáng nhất cho câu hỏi vì sao chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường sống, khi mà nếu cả thế giới dành thời gian còn lại của đời mình cũng không đủ để dọn sạch được đống rác mà con người đã thải ra.

Để có thêm động lực bắt tay vào dọn rác, hãy cùng chúng tôi lắng nghe chia sẻ của những thủ lĩnh môi trường - những cá nhân bản lĩnh xây dựng từng đội, nhóm, tổ chức hết sức nhiệt huyết, chỉ với một sứ mệnh duy nhất nhưng đầy cao cả: bảo vệ môi trường. 

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 1.

Hoàng Thị Minh Hồng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2018 do tạo chí Forbes bình chọn. Chị là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực năm 2007. Hơn 10 năm sau, chị trở thành người Việt đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama cùng 11 học giả khác trên toàn thế giới. 

Chị Hồng sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE, nơi tập hợp những bạn trẻ "máu lửa", cùng khởi động các phong trào bảo vệ môi trường khắp cả nước. CHANGE gắn với nhiều dự án động vật hoang dã, như "Chấm dứt sử dụng sừng tê", "Cứu tê tê", và "Nói không với ngà voi", đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những loài vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu mà lại đang bị tiêu thụ một cách trái phép tại Việt Nam.

Để thông điệp có tính thuyết phục hơn, CHANGE không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông trên các kênh đại chúng. Tổ chức đứng ra vận động các doanh nhân hàng đầu, các bác sĩ đầu ngành cả Đông và Tây y, các nghệ sĩ nổi tiếng, thậm chí cả những vị thượng toạ cùng lan toả thông điệp tới từng đối tượng, mục tiêu của chiến dịch.

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 2.

"Anh hùng khí hậu" Hoàng Thị Minh Hồng tâm sự đã mất quá nhiều năm tự đặt câu hỏi về môi trường mà không có ai trả lời. Cuối cùng, chị nhận thấy rằng thôi mình tự đi kiếm câu trả lời vậy. Trong mọi việc, ví dụ bảo vệ môi trường, đúng là "thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối".

"Tôi luôn mong muốn mọi người có nhận thức về các vấn đề môi trường và cùng lên tiếng vì nó. Thay đổi ngay lập tức thì không hy vọng, nhưng tôi thấy phong trào sống xanh đang ngày càng lan toả rất nhanh. Bên cạnh đó, tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ, tôi tin là sẽ sớm có những sáng chế, giải pháp về công nghệ để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa".

Theo chị, ở Việt Nam, tình trạng môi trường cũng rất đáng quan ngại. Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ hai trong toàn khu vực Đông Nam Á. Vậy mà, Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển nhiệt điện than đứng thứ 3 trên thế giới (năm trước đó còn đứng ở vị trí thứ 5). Điều này chắc chắn sẽ làm tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam ngày càng tệ hơn.

Không chỉ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nguồn nước vẫn ngày càng nghiêm trọng do thuốc bảo vệ thực vật, rác sinh hoạt, rác công nghiệp và các chất thải nguy hại không có hệ thống xử lý tử tế. Trong khi đó, các cơ sở vi phạm thì không bị giám sát và xử lý.

Trong lĩnh vực động vật hoang dã vẫn còn nhiều con số đáng buồn: Chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2019, hải quan Hong Kong bắt giữ số vảy tê tê kỷ lục – 8,3 tấn, cùng 1.000 ngà voi, tương đương khoảng 13.000 con tê tê và 500 con voi bị giết hại, cùng với 40kg sừng tê giác. Tổng 2 lô hàng trị giá khoảng 207 tỉ VND và đều có đích đến là Việt Nam.

"Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy ở Việt Nam những câu chuyện đáng mừng. Chưa bao giờ tôi thấy phong trào giảm nhựa phát triển mạnh mẽ như trong năm vừa qua. Không chỉ các tổ chức phi chính phủ như CHANGE, mà rất nhiều các nhóm sinh viên, các nhóm start-ups, các doanh nghiệp, và cả các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán…) đã tự phát động chiến dịch giảm nhựa của riêng mình. Các giải pháp cho đồ nhựa dùng một lần ngày càng được nhiều các bạn khởi nghiệp chọn theo đuổi. Gần đây, nổi bật nhất là câu chuyện về những cơ sở sản xuất thực phẩm ở Đồng Tháp với giải pháp làm ống hút từ bột gạo".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 3.

Sau khi kết thúc khoá học tại Mỹ, Hoàng Thị Minh Hồng ấp ủ kế hoạch "tham vọng" mang về Việt Nam những ý tưởng mới và đột phá. Sẽ có hai dự án, hướng tới hai đối tượng khác nhau: giới trẻ và cộng đồng doanh nghiệp, để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường trong nước. Chị sẽ bàn với trường Columbia và Quỹ Obama để nhận được sự hỗ trợ cho dự án này và sẽ cố gắng kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án tại Việt Nam. 

"Tuy nhiên, thử thách lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn chính là nhận thức. Mọi người vẫn thường có suy nghĩ, rằng các vấn đề môi trường không có tính cấp bách, hoặc biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! Mình hoàn toàn tin là các phong trào môi trường xã hội ở Việt Nam cần phải hoàn toàn dựa vào giới trẻ. Giáo dục các bạn ấy là dễ nhất, chứ thay đổi nhận thức và thói quen của thế hệ lớn tuổi khó hơn gấp vạn lần".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 4.

"Kể từ hôm nay hãy hạn chế rác thải nhựa" là lời kêu gọi lan tỏa gần đây được nhiếp ảnh gia Lekima Hùng gửi gắm tới mọi người, nhất là các bạn trẻ. Gần đây chúng ta được "tận mắt" trông thấy thực tế trần trụi, đau đớn và rùng mình về thực trạng rác thải biển ở Việt Nam thông qua bộ ảnh đầy ám ảnh của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng. Được biết, 3.000 bức ảnh dọc hành trình dài 6.879km bờ biển "săn" rác là một dự án nằm trong kế hoạch của Save Our Seas (SOS) - một nhóm tập hợp hơn 1000 thành viên do anh Hùng sáng lập.

SOS thực chất là tên dự án chụp ảnh rác thải nhựa, nhằm mục đích kêu gọi học viên nhiếp ảnh và trẻ em cùng tham gia. Dự án "Cho trẻ về thiên nhiên" thuộc SOS, là một trong những chương trình dạy cho trẻ em các vấn đề môi trường và nhận thức về việc bảo vệ môi trường từ rất sớm. 

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 5.

"Tôi đã mất nhiều thời gian sống cùng với bao con số và tài liệu về rác thải nhựa và mỗi người trong chúng ta đều không vô can khi đứng trước rác thải. Có dọn rác các bạn mới thấy việc vứt rác quá dễ dàng so với việc tthu dọn rác thật khó trăm lần. Lớp lớp túi nilon, rác thải con người thải ra đại dương thì đại dương trả lại cho chúng ta những thức còn khủng khiếp hơn".

Vì lợi ích trước mắt, vì sự lười biếng và thiếu lòng trắc ẩn, chúng ta từ bỏ "những gì làm cho cuộc sống này đáng sống". Khi chỉ có trách nhiệm với những gì gắn với lợi ích của mình, thì những gì thuộc về tài sản "cha chung không ai khóc" sớm muộn cũng sẽ thành nạn nhân của sự ích kỷ. Để thay đổi nhận thức của mọi người, chúng ta cần những người sẵn sàng muốn hy sinh hơn nữa để truyền cảm hứng. 

Chúng ta cố gắng làm sạch biển mỗi ngày, nhưng có thể chỉ là giọt nước giữa đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít đi nếu thiếu những giọt nước ấy.

Gần đây, Thủ tướng Chính Phủ kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Với những người hoạt động môi trường như Lekima Hùng, đó là một tín hiệu đáng mừng sau bao nỗ lực và tâm huyết.

"Nhưng có thể mọi người còn chưa biết, trong chuyến đi chụp ảnh rác xuyên Việt của mình, tôi có ghé qua nhà máy rác hiện đại bậc nhất thế giới ở Việt Nam, ngay Bố Trạch - Quảng Bình. Tại đây tôi đã thực tiễn thấy rác không phải là rác, rác là tài nguyên. Tất cả rác chúng ta thải ra đều xử lý được, các túi nilon cũng thành hạt nhựa. Rác cũng biến thành phân, thành cả điện và hòa vào lưới điện Quốc gia. Tôi hy vọng, bức ảnh thay ngàn lời nói và còn bởi tuổi trẻ chính là tương lai, bởi giáo dục là gốc dễ bền vững giải quyết vấn đề".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 6.

Đỗ Việt Anh là người đứng sau dự án "Tắt đèn - Bật ý tưởng" cùng hàng loạt hoạt động môi trường khác của Boo. Anh có nhiều quan điểm khác biệt về môi trường, không phải cứ yêu môi trường là phải làm quá nhiều thứ "hào nhoáng". Mọi con đường đến vinh quang đều bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé. Mọi việc lớn đều bắt đầu từ hành động nhỏ. Mọi hành động nhỏ nhưng nhiều người làm đều có tác dụng lớn lao. 

Zero Waste không phải là chỉ hạn chế dùng và thải đồ nhựa. Zero Waste thực chất là cái đích cuối cùng của một lối sống xanh, là sống hoàn toàn không xả rác ra môi trường, thông qua việc cắt tất cả những tiêu dùng không cần thiết, kết hợp với tái sử dụng và tái chế 100% tất cả các nguồn nguyên vật liệu sử dụng trong sinh hoạt. Đây thực ra là một lối thực hành rất khó và hoàn toàn không thể là chuyện làm được ngay trong ngày một ngày hai. Vậy nên khi mọi người nói tới Zero Waste, thì mình nên hiểu đó là một quá trình thay đổi từng bước nhỏ, giảm dần từng thứ, cái dễ làm trước, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là cắt giảm hoàn toàn.

"Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, một trong số đó là lối sống Zero Waste. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nhiều khi, các bạn hơi... "căng" quá. Tôi vẫn luôn nhìn các bạn ấy như những người hùng thực sự, song song với đấy đôi khi họ nên biết điểm dừng ở đâu. Họ quá mong đợi thế giới, những người khác phải giống như họ, thế mới là Zero Waste 100%. Tôi nghĩ không nên như vậy. Nếu các bạn ấy nhận ra điểm yếu này và thay đổi, thông điệp của họ sẽ còn lan tỏa tới số đông hơn nữa".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 7.

Tính đến hiện tại, túi nilon quá thành công. Chúng ta nên "trao giải Nobel ngược" cho phát minh ấy, vì nó quá tiện dụng. Tuy nhiên, dần dần mọi người sẽ phải biết cách giảm bớt tiêu chuẩn tiện dụng của một chiếc túi nilon. Trên thế giới, với những bộ óc siêu sáng tạo, con người đang cố gắng tạo ra những thứ thay thế túi nilon, hộp xốp, cốc dùng một lần. Đấy là những điều tích cực, tín hiệu xanh cho tương lai.

Hạn chế nhựa, đương nhiên là khó, nhưng để giữ được trái đất, để chúng ta còn có thể sống ở trên nó dài hơn, ắt phải hành động từ những điều nhỏ nhất. Những người làm được việc nhỏ sẽ là người hùng của những người không làm được gì cả. Khi bạn hiểu được sâu xa ý nghĩa của việc đó, bạn sẽ hiểu được rằng Zero Waste sẽ không phải là ít vứt đồ đi hơn, mà là bạn sẽ không mua món đồ đó từ đầu. Ngay cả với Lauren Singer - cô gái trẻ sống tại thành phố New York nổi tiếng vì 6 năm qua gần như không xả rác - cũng bắt đầu từ thói quen nho nhỏ mà mỗi người có thể thay đổi dần dần, chứ không phải ngay lập tức mà có thể Zero Waste tuyệt đối.

"Dĩ nhiên bảo vệ môi trường là việc cấp bách mình cần phải làm, không phải vì trách nhiệm, mà là cái tâm, để mỗi ngày chúng ta bớt bị dằn vặt hơn. Với tôi, thước đo thành công trong lĩnh vực mình làm không phải là tôi kiếm được bao nhiêu tiền, tôi mua được bao nhiêu nhà và tôi có bao nhiêu chiếc ô tô. Thành công đo bởi thương hiệu của tôi ảnh hưởng đến xã hội như thế nào? Tôi đưa được tầm ảnh hưởng ra sao? Tôi gửi được thông điệp gì đến giới trẻ? Một công ty có thể phát triển bền vững chỉ khi nó gắn liền với các giá trị của xã hội".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 8.

Tùng Trần bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường từ năm 2013, thời điểm mà anh nói là như một cái duyên "trời định". Bởi lẽ trước đó, Tùng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm những việc mà người ta hay gọi là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" thế này. 

Tùng vốn theo học âm nhạc. Ngoài thời gian học ở trường, anh có rất nhiều khoảng thời gian trống mà lại không biết làm gì. Khi mà những hoạt động tình nguyện, xã hội bắt đầu nổi lên, Tùng nghĩ "Hay là trở thành một người có ích, có trách nhiệm hơn đối với xã hội", bằng cách tham gia làm tình nguyện viên cho 1 vài hoạt động giáo dục môi trường cho trẻ em. 

Ai ngờ đâu, cứ hết hoạt động này đến hoạt động khác, Tùng cảm thấy "hứng thú" hơn với môi trường và quyết định gắn bó cho đến tận bây giờ. Từ năm 2015, Tùng làm việc tại CHANGE, ở vị trí Giám đốc truyền thông.

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 9.

Tính đến nay, Tùng đã có 6 năm trong lĩnh vực môi trường. Anh tham gia không ít những chương trình, chiến dịch lớn nhỏ, điển hình như: "I am climate citizen - Tôi là công dân thời biến đổi khí hậu", Khóa tập huấn cho thanh niên về phát triển bền vững và quản trị tốt "Be Change Agents", Cuộc thi Khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội "Chuyển động 50/50", Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững VYS, Trại Khí hậu Đông Á EACLC,... 

"Trong suốt 6 năm hoạt động xã hội, môi trường, mình có vô số những kỷ niệm và câu chuyện đáng nhớ. Mình nhớ nhất khoảng thời gian "ăn nằm" cùng các dự án xã hội khi phải chuẩn bị cho các sự kiện, chiến dịch xuyên ngày đêm, hoàn toàn không có bất cứ sự hỗ trợ nào về tài chính. Mình và các bạn còn phải tự bỏ tiền túi ra để trang trải rất nhiều, nhưng bọn mình vẫn luôn máu lửa hoạt động và tin tưởng vào tác động có thể mang lại thông qua những hoạt động đó.

Đôi lúc những người hoạt động môi trường như mình cảm thấy hơi cô đơn và tủi thân. Bọn mình có thể đã phải cống hiến cả tuổi trẻ vì một môi trường, một thế giới tốt đẹp hơn nhưng nhiều khi lại bị cho là "rỗi hơi". Nhưng thôi bọn mình luôn tự động viên nhau, chỉ cần hiểu và tin vào việc mình đang làm là được, rồi mọi người dần dần cũng sẽ hiểu và cảm nhận được".

Thật sự những bạn trẻ gắn bó với các hoạt động xã hội, môi trường đều phải đánh đổi không ít thì nhiều. Mọi người xung quanh và cả gia đình đều lạ lẫm với công việc hoạt động xã hội như và không hiểu liệu con cái mình có đủ khả năng để trang trải cho cuộc sống hay không. 

Hiện tại Tùng đang hoạt động xã hội như một sở thích lớn, anh vẫn đam mê sản xuất âm nhạc và khởi sự kinh doanh với các ý tưởng công nghệ đột phá nhằm giúp thế giới tốt đẹp hơn.

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 10.

"Mình tin rằng, tất cả các bạn trẻ đều có khả năng để có một công việc giúp bản thân được thỏa mãn, tung hoành, có thể mang lại một nguồn tài chính ổn định, đồng thời vẫn dành thời gian để đóng góp cho những công việc xã hội.

Chúng ta không cần phải đợi đến khi mình lớn tuổi, có một cuộc sống tài chính ổn định thì mới bắt đầu nghĩ đến việc đóng góp cho xã hội. Tuổi trẻ mà thiếu sự xông xáo, thiếu sự dấn thân cho các hoạt động xã hội, liệu có thật sự trọn vẹn? Mình nghĩ mình sẽ luôn coi việc đóng góp cho xã hội là một phần quan trọng trong những việc mình phải làm trong cuộc sống, vì thế mình sẽ luôn gắn bó với môi trường".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 11.

Nếu nói về số năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Thanh Tuyền chỉ xin nhận gần 2 năm qua đã hết sức "lăn xả" để "đấu tranh" trả lại vẻ đẹp vốn có của tự nhiên. 

Thời sinh viên, nhóm của chị có thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên "Thiết kế thùng rác công cộng đa năng" nhằm hỗ trợ công tác phân loại rác tại nguổn của thành phố. Để thực hiện hoá dự án, nhóm đã tự bỏ tiền túi ra làm mô hình thùng rác lắp đặt thí điểm tại Bến xe Miền Tây. Ngày đó, nghĩ cũng lạ, con gái Nhân Văn nhưng vẫn vẽ bản vẽ, thiết kế kỹ thuật cấu tạo của thùng rác rất chuyên nghiệp như khối ngành kỹ thuật.

Sau khi tốt nghiệp, Tuyền được nhà trường giữ lại để đào tạo Thạc sĩ và trở thành giảng viên tiếp tục phát triển ngành học nhưng vẫn tham gia cộng tác viên 1 số dự án cộng đồng khác. Sau một thời gian, chị chính thức chuyển công tác về Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vào năm 2017.

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 12.

Thanh Tuyền tham gia chương trình Thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam do CHANGE tổ chức và may mắn lọt vào danh sách 28 bạn trẻ được tham gia chương trình tại An Giang trong hơn một tuần. Chị được gặp rất nhiều người đã truyền cảm hứng sâu sắc cho bản thân, như "anh hùng khí hậu" Hoàng Thị Minh Hồng, TS. Dương Văn Ni, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cũng là một "Anh hùng khí hậu". 

"Kết thúc chương trình, mình thực sự được "đốt cháy" bởi trại Thủ lĩnh khí hậu Việt Nam 2017 và chị Hồng - người luôn hỗ trợ, giúp đỡ mình trong việc xây dựng và điều phối thành công dự án Trung tâm Cộng đồng trẻ Sáng tạo và Hành động vì Môi trường (CYCIAE). Mình xem chị như một tấm gương để noi theo và phấn đấu trong công việc phục vụ cộng đồng".

Để có những thành công, việc quan trọng là chúng ta phải biết đánh đổi. Quan trọng bạn có chấp nhận đánh đổi hay không? 

"Khi tham gia và tự tổ chức các hoạt động về môi trường, bản thân mình cảm thấy thực sự đam mê và yêu thích, có một động lực vô hình nào đó thúc đẩy mình phải hành động để thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng. 

Đánh đổi lớn nhất với mình có lẽ là thời gian, bởi đây là một công việc cần sự kiên trì và nổ lực rất lớn. Và đặc biệt, bản thân phải tin vào những điều đúng đắn mình đang làm với cộng đồng. Thay đổi nhận thức của người khác là một việc không hề đơn giản, vậy mà tụi mình đặt mục tiêu là sẽ thay đổi được hành động của mọi người. 

Con đường này tuy dài, nhưng mình tin sẽ có một cộng đồng các bạn trẻ không chỉ là các bạn sinh viên trường mình mà còn nhiều bạn trẻ Việt khác vẫn đang âm thầm cùng nhau hành động để môi trường chung của chúng ta ngày một tốt hơn. 

Đánh đổi thời gian nhưng bù lại mình có tuổi trẻ với những trải nghiệm, mình có mạng lưới những người trẻ có suy nghĩ và mong muốn hành động cùng mình, mình đã học được rất nhiều kỹ năng và kiến thức rất nhiều từ chính những cộng đồng mình có cơ hội được làm việc. Vì vậy, mình cảm thấy bản thân nhận được nhiều hơn là mất".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 13.

Lúc chập chững bước vào ngành Quảng cáo cách đây hơn 10 năm, Trọng Nguyễn có tham gia cuộc thi "Vietnam Young Lions" và đề tài nhóm anh hướng tới liên quan đến hạn chế rác thải. Dự án "Không có gì là rác" (Nothing is trash) khuyến khích người tiêu dùng sử dụng lại và tái chế một vật phẩm nào đó cho nhiều mục đích khác nhau. Hơn ngoài sự mong đợi, anh cùng đồng đội đã giành được giải vàng của cuộc thi. 

Kể từ đó, môi trường là đề tài anh rất quan tâm. Lúc phỏng vấn cho học bổng danh giá Fulbright, anh cũng trình bày những ý tưởng làm thế nào để hoạt động "Giờ Trái Đất" hiệu quả và hấp dẫn hơn.

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 14.

Người ta nói ngành quảng cáo về bản chất là khuyến khích tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm, vì thế sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Điều đó phần nào là đúng, tuy nhiên việc tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng làm thế nào để tiêu thụ một cách có trách nhiệm, có ý thức mới là điều quan trọng hơn.

"Làm việc trong ngành quảng cáo, mình ý thức được rằng truyền thông có tác động lớn đến người xem. Tuy rất khó có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng như chấm dứt sử dụng nhựa một lần trong ngày một ngày hai, nhưng truyền thông tốt sẽ như "mưa dầm thấm lâu" và dần dần giúp người tiêu dùng có ý thức tốt hơn, từ đó có hành động tốt hơn". 

Gần đây, Dinosaur kết hợp Change qua 2 dự án khá thành công và được cộng đồng đón nhận. Chiến dịch đầu tiên "Gia Vô Vị" với thông điệp: Nhựa sử dụng một lần là "thứ bạn đã nếm nhưng không muốn nêm vào thức ăn", giúp mọi người hiểu rõ hơn hành trình của những sản phẩm nhựa từ lúc vứt đi, phân hủy thành các hạt vi nhựa đến khi đi vào chuỗi thức ăn của con người thông qua sinh vật biển, nhất là hải sản. Ý tưởng chính của chiến dịch là hình ảnh những chiếc lọ mang tên "Gia Vô Vị" chứa các mảnh nhựa cắt nhỏ từ ống hút, túi nhựa, chai nhựa, ly nhựa nhấn mạnh sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong chuỗi thức ăn hàng ngày của chúng ta.

Cứu trợ động vật hoang dã là chiến dịch tiếp theo Dinosaur khiến người xem gần như phải thay đổi nhận thức về môi trường nói chung và động vật hoang dã nói riêng. Đây là một đề tài không mới, nhưng để thực sự tác động đến người xem và mang đến hiệu quả tốt lại không dễ dàng chút nào. Chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM) được chọn để đặt những mô hình tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà cùng ánh mắt hết sức thảm thiết. Những con vật này trong tư thế quỳ gối trước tượng Phật, thỉnh cầu sự che chở do vấn nạn săn bắn trái phép với lời kêu gọi "Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ".

Những thủ lĩnh môi trường: Mọi người vẫn thường nghĩ, biến đổi khí hậu là chuyện của 10-20 năm nữa, chứ giờ làm gì đã phải cuống lên! - Ảnh 15.

Đây có lẽ là dự án truyền thông làm từ chùa với quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, và ý tưởng có liên quan đến vấn đề tôn giáo nên việc thực hiện khá khó khăn trong quá trình xin phép và thuyết phục. Thế nhưng, tất cả các bên cùng họa sĩ Phan Vũ Linh – người đã tạo ra những bức tượng như thật đã không bao giờ có ý định bỏ cuộc. 

"Khi làm những dự án về môi trường, thách thức lớn nhất là chính bản thân mình vì dễ bị nản lắm. Ví dụ để hạn chế sử dụng nhựa một lần thì mình phải tốn thời gian và công sức hơn, đôi khi phải bỏ đi một số thói quen ăn uống kiểu fastfood ở ngoài đường. Nhưng dần dần rồi cũng quen, cứ bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất như nhắc cô bán hàng đừng lấy ống hút.

Và nói đùa một tí là mình không uống được trà sữa hay cà phê, cho nên cũng bớt được "nghiệp" cho môi trường rồi chứ không phải hy sinh gì cả". 


Minh Nhân
Vũ Tuấn Anh
Nhật Ánh
Theo Trí Thức Trẻ20.04.2019

Trí Thức Trẻ