Italy đứng trước nguy cơ hứng chịu cuộc suy thoái sâu nhất trong lịch sử do COVID-19: Cơ hội béo bở cho TQ?
Khi Italy đang trong cơn hỗn loạn, các công ty Trung Quốc có cơ hội mua thêm nhiều thương hiệu của nước này với giá rẻ.
Theo tạp chí Diplomat, Italy đại diện cho một trong những quốc gia quan trọng nhất đối với các lợi ích địa kinh tế của Trung Quốc ở châu Âu.
Nước này có thể được coi là một nguồn tài sản chiến lược cả trong công nghiệp truyền thống và hiện đại, trong các thương hiệu và công nghệ được quốc tế công nhận. Đó là chưa kể Italy còn chiếm giữ vị trí địa lý quan trọng trong khuôn khổ Con đường tơ lụa thế kỷ 21- một phần không thể thiếu trong Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc.
Tiếp cận được bến cảng của Italy là một ưu tiên đối với Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang tìm cách mở rộng các tuyến thương mại từ Địa Trung Hải tới bắc Âu.
Tháng 3/2019, Italy trở thành thành viên chính thức của Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI), đây là quốc gia G-7 đầu tiên tham gia vào chương trình do Bắc Kinh dẫn đầu và là nền kinh tế lớn nhất trong số 15 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) gia nhập BRI trước đó.
Trung Quốc và Italy ký thỏa thuận về Vành đai & Con đường. Ảnh: AP
Italy hiện có nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, chiếm 15% GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), việc kết nạp Italy vào BRI rất quan trọng và mang tính biểu tượng rộng rãi đối với tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu, cho thấy vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc trên thế giới.
Biên bản ghi nhớ BRI đầy tham vọng được ký kết giữa Rome và Bắc Kinh bao gồm 50 điều khoản thỏa thuận trải khắp các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, trong khi sự thúc đẩy kinh tế được tiên liệu trước cho Italy vẫn chưa thành hiện thực thì hệ lụy từ việc xích lại gần Bắc Kinh bất chấp chỉ trích từ phía Mỹ và EU đã làm dấy lên một cuộc tranh luận chính trị thực sự ở Italy.
Italy trở thành thành viên của BRI: Lợi ích ở đâu?
Italy hy vọng tấm thẻ thành viên của BRI sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nước này ở lĩnh vực thương mại và đầu tư. Kể từ đầu những năm 2000, giá trị giao dịch thương mại giữa Italy và Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần (từ 9,6 tỷ USD năm 2001 lên 49,9 tỷ USD năm 2019). Song, các cấp độ thương mại tổng bộ giữa hai phía gần như không thay đổi từ năm 2010 (49,5 tỷ USD).
Cùng lúc này, mức thâm hụt thương mại của Italy liên tục tăng, lên tới 20,9 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc lại sa sút đáng kể, giảm hẳn 6,1% chỉ tính riêng năm ngoái.
Năm 2019, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Italy (cung cấp hơn 7% sản lượng nhập khẩu) nhưng là đối tác xuất khẩu lớn thứ 9 của nước này (chỉ tiếp nhận 2,9% sản lượng xuất khẩu của Italy, chủ yếu là máy móc và thiết bị điện tử).
Khi đề cập tới các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc cho nước ngoài thì Italy nằm trong số 3 đối tượng thụ hưởng hàng đầu của Bắc Kinh ở châu Âu, sau Anh và Đức. Năm 2019, các khoản cho vay lũy tích của Trung Quốc ở Italy đã đạt 17,4 tỷ USD (tương đương 15,9 tỷ euro), tính từ năm 2000, với mức đầu tư đạt đỉnh trong hai năm 2014 và 2015.
Nếu tính thêm các khoản đầu tư khác (như cho vay) và các hợp đồng xây dựng thì tổng mức đầu tư lên tới 25,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng (6,5 tỷ USD), vận tải (8,75 tỷ USD), công nghệ (4 tỷ USD) và tài chính (2,8 tỷ USD).
Trong các khoản đầu tư chính có gói mua 17% cổ phần Pirelli (nhà sản xuất xăm lốp lớn nhất thế giới) với giá 7,9 tỷ USD của doanh nghiệp ChemChina, Trung Quốc.
Các công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất của Pirelli ở Yanzhou, tỉnh Shandong. Ảnh: China Daily
Thông qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng thể hiện sự hứng thú đối với thị trường chứng khoán của Italy. Họ đã mua các cổ phần với tổng giá trị lên tới 4 tỷ USD tại Intesa Sanpaolo, Unicredit, Eni, Enel, Telecom Italia, Generali, Terna và một số công ty khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Italy đã gặp thất vọng với các khoản đầu tư. Họ đã không thể thu hút được nhiều dự án vào năm ngoái, mặc dù đã có 29 thỏa thuận được ký kết với tổng giá trị 2,8 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận giữa Tập đoàn xây dựng của Trung Quốc (CCCC) với các cảng Trieste và Genoa ở Italy.
Mặc dù trong tháng 7/2019 Huawei đã công bố kế hoạch đầu tư 3,1 tỷ USD trong 3 năm tới nhưng chính phủ Italy sau đó đã có lập trường cứng rắn đối với vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc và hạn chế cho công nghệ của Huawei tiếp cận mạng lưới dữ liệu thế hệ 5 (5G).
Tháng 12 năm ngoái, ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội Italy đã khuyến nghị chính phủ nghiêm túc xem xét việc cấm Huawei và các nhà cung cấp thiết bị khác của Trung Quốc tiếp cận mạng di động 5G của Italy.
Song, chính phủ của Thủ tướng Conte cho rằng các quy trình sàng lọc hiện nay, bao gồm "những quy tắc quyền lực vàng" nhằm bảo vệ nhóm tài sản chiến lược (áp dụng cho các lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, giao thông vận tải, các lĩnh vực công nghệ cao – trong đó có công nghệ 5G) đã là quá đủ.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 và hậu quả kinh tế
Kể từ tháng 2/2020, bức tranh kinh tế của Italy đã hoàn toàn thay đổi. Dưới những tác động của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ thời Thế chiến II, nền kinh tế Italy có nguy cơ phải hứng chịu cuộc suy thoái sâu nhất trong lịch sử đất nước.
Sư lây lan của COVID-19 đã gây ra một cú sốc thị trường khó lường, cả về cung và cầu bởi các hoạt động kinh tế quốc gia buộc phải dừng lại để góp phần đẩy lui dịch bệnh.
Thế nhưng ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, Italy đã phải đối mặt với tình trạng thu nhập trì trệ, mức thu nhập bình quân đầu người không khác gì 20 năm trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 12% và mức nợ công bằng 133% GDP. Những tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Italy thậm chí còn đem lại nhiều hậu quả thảm khốc hơn.
Viện thống kê Italy (Istat) lưu ý rằng, niềm tin của người tiêu dùng Italy trong tháng 3 năm nay đã giảm 9,9% so với tháng trước, và chỉ số tâm lý kinh tế đã giảm 17,6%.
Liên đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) dự đoán, trong kịch bản lạc quan nhất, GDP của Italy sẽ giảm 10% trong quý II năm nay so với cuối kỳ năm 2019, sau đó tăng trở lại vào nửa sau năm 2020 nhưng sẽ gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ còn thấp.
Confindustria ước tính, Italy sẽ kết thúc năm 2020 với mức giảm 6% GDP, mức tiêu thụ giảm 6,8% và mức đầu tư giảm 10,6%.
Giá cổ phiếu tại Italy cũng đã giảm mạnh. Chỉ trong vài tuần, chỉ số MIB đã giảm 40%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Trong bối cảnh này, nhiều công ty Italy đang trong tình trạng khá tốt trước cuộc khủng hoảng lại có nguy cơ bị sang nhượng cho nước ngoài. Dường như đây là sự lặp lại những gì từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu trước đây, nhưng tồi tệ hơn nhiều.
Trong cuộc khủng hoảng đó, các khoản đầu tư từ Trung Quốc, chủ yếu thông qua việc mua lại các công ty của Italy, đã tăng từ 100 triệu euro vào năm 2010 lên tới 7,6 tỷ euro trong năm 2015.
Mở rộng "Các quy tắc quyền lực vàng"
Lo ngại rằng những công ty đang gặp khó khăn sẽ bị nước ngoài mua lại với giá rẻ, chính phủ Italy đã nhanh chóng đưa ra phương án can thiệp để bảo vệ các công ty quốc gia.
Tính tới ngày 8/4/2020, "các quy tắc quyền lực vàng" đã được mở rộng hơn tới nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, tài chính, bảo hiểm, đất đai, cơ sở hạ tầng, ngành khai thác nguyên liệu thô, nghiên cứu robot, truyền thông…
Việc bảo vệ các công ty Italy khỏi sự thâu tóm của nước ngoài có thể sẽ bị hạn chế và gặp khó khăn trong tình hình kinh tế xấu như hiện nay, khi hầu hết các công ty đều có nguy cơ phá sản.
Giải pháp trước mắt dành cho chính phủ Italy có lẽ là tái cấp vốn thông qua một quỹ đầu tư công.
Italy đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế. (Ảnh minh họa. Nguồn: 123rf.com)
Ở giai đoạn này, chính phủ Italy đang phải ngăn chặn những tác động thức thời nhất của cuộc khủng hoảng bằng cách trợ cấp cho các gia đình, song họ chưa có kế hoạch thực sự hiệu quả nào để bảo vệ các doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản, mà chỉ có 400 tỷ euro cho các công ty được nhà nước bảo lãnh.
Trong những ngày tới, có thể Italy sẽ bổ sung thêm những nguồn lực khác của EU vào biện pháp can thiệp hỗ trợ của mình.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (gọi tắt là nhóm SMEs), vốn là huyết mạch của nền kinh tế Italy, đang đứng trước nhiều rủi ro. Trong tương lai, chúng ta có thể bắt gặp cảnh các công ty Trung Quốc mua lại những công ty này với giá chưa đầy 100 triệu euro.
Đây là điều đã diễn ra trong vài năm qua, do các quy tắc sàng lọc đầu tư hiện nay của Italy không chú ý nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ. Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ mang lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc nhiều cơ hội thu mua hơn.
Vấn đề quan trọng đối với Italy là phải phát triển được một kế hoạch chiến lược để vượt qua khủng hoảng và thúc đẩy tái phát triển kinh tế. Điều đó sẽ yêu cầu những kích thích trực tiếp vào chi tiêu công và bắt đầu những khoản đầu tư lớn vào các lĩnh vực công.