Ít người biết ở Anh, Mỹ có cả một ngôi làng châu Âu 'giả' để bán Dior, Prada, Gucci,... cho khách hàng du lịch Trung Quốc
Ngôi làng này được điều hành bởi Value Retail và có các chi nhánh ở Paris, Thượng Hải, Brussels và nhiều thành phố lớn khác.
Công ty đứng phía sau một ngôi làng giả kỳ quái nhưng lại là một điểm đến mua sắm được khách du lịch Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng ở Anh Quốc đang dự định sẽ mang ý tưởng kinh doanh này đến nước Mỹ.
Công ty này khẳng định rằng với khách du lịch Trung Quốc, ngôi làng Bicester này nổi tiếng chẳng kém gì cung điện Buckingham – nơi ở chính thức của Nữ Hoàng Anh. Ngôi làng này được điều hành bởi Value Retail và có các chi nhánh ở Paris, Thượng Hải, Brussels và nhiều thành phố lớn khác.
Chủ tịch Value Retail là Scott Malkin cho biết các công việc đưa ngôi làng xuất hiện tại New York sẽ bắt đầu vào năm 2020. Tuy nhiên người phát ngôn của công ty Value Retail chưa cung cấp thêm nhiều chi tiết cụ thể về dự định này.
Anh Quốc là nơi khởi nguồn của concept ngôi làng giả này. Nó nằm ở ngoại ô một thị trấn tên là Bicester, cách London 45 phút đi tàu. Kể từ khi xuất hiện vào năm 1995, ngôi làng đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất ở Anh, và được cho là nơi có nhiều khách du lịch Trung Quốc thứ hai ở đất nước này, chỉ sau cung điện Buckingham.
Dù là một ngôi làng giả nhưng nó lại chẳng hề mang vẻ ngoài thường thấy của một ngôi làng ở Anh Quốc. Trên thực tế, những dãy nhà ván ghép san sát nhau cùng những luống hoa được cắt tỉa cẩn thận trông có vẻ giống một khu dân cư ở bờ Đông nước Mỹ hơn.
Ngày nay, địa điểm tại Anh Quốc có hơn 160 nhãn hàng bao gồm cả Gucci, Balenciaga, Versace và Valentino, họ bán quần áo và phụ kiện giảm giá, thường là hàng tồn từ mùa trước.
Value Retail cho biết sở dĩ ngôi làng thu hút được những nhãn hiệu cao cấp như vậy là bởi chiến lược quảng bá, biến nơi này thành một điểm đến hạng sang chứ không phải một khu phố thương mại thông thường.
Thay vì tính phí thuê mặt bằng hàng tháng, Value Retail ăn hoa hồng từ doanh số bán hàng và tham gia tích cực vào quá trình marketing cũng như quản lý trải nghiệm ở mỗi cửa hàng thông qua một đội ngũ các chuyên gia ở mỗi làng. Những chuyên gia này hỗ trợ các nhãn hàng quảng bá hình ảnh, bài trí trong cửa hàng, trên cửa sổ và nhiều hoạt động khác nữa.
"Chúng tôi được tự do đầu tư vào chính các ngôi làng của mình và điều đó cho phép chúng tôi tạo ra phiên bản mới của chúng với một trải nghiệm riêng biệt", Desirée Bollier – Giám đốc thương mại toàn cầu của Value Retail cho biết. Bollier hy vọng điều này sẽ khiến Value Retail vượt lên trên mọi đối thủ khác ở New York trong phân khúc hàng hiệu.
"Và sự tái tạo đó – tôi chưa nhìn thấy ở New York", bà nói. "Rõ ràng là đang thiếu sự đầu tư vào những trải nghiệm đáng nhớ khi bạn vào Barneys chẳng hạn. Có thể thấy họ coi khách hàng đến là điều tự nhiên và tất nhiên điều này là không thể, bạn phải làm mới trải nghiệm của khách hàng. Nó phải mới mẻ chứ không thể cũ rích và nhàm chán mãi được. Nó cần phải như một nhà hát vậy".