IPO ở sàn chứng khoán nước ngoài thông qua sáp nhập với SPAC, cơ may thành công nào cho Tiki, VNG, VinFast, Bamboo Airways?
Mặc dù gần đây, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đang có cái nhìn ngày càng nghiêm khắc hơn với phương cách IPO qua SPAC; nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể khiến những Tiki, VNG hay VinFast sẽ tốn nhiều công và thời gian hơn trước đây, song họ vẫn sẽ thành công gọi vốn ở thị trường nước ngoài.
Hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam có kế hoạch IPO tại thị trường nước ngoài thông qua sáp nhập với 1 SPAC
Trong năm 2021, một loạt thông tin về các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là Tiki, VNG, Bamboo Airways và VinFast đang tìm đường IPO ở nước ngoài – không loại trừ phương cách sáp nhật với 1 công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC), rầm rộ trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Tuy nhiên, khi truyền thông trong nước liên lạc với các doanh nghiệp trên để xác nhận thông tin, thì hầu hết cái tên được đề cập ở trên đều cho rằng thông tin không đúng hoặc tránh né trả lời.
Cụ thể, vào đầu tháng 4/2021, Reuter đưa tin: VinFast đang xem xét phương án IPO tại Mỹ hoặc sáp nhập với một SPAC. VinFast hướng đến mức định giá khoảng 60 tỷ USD và Credit Suisse đã được chỉ định dẫn đầu giao dịch. Nếu IPO thành công, VinFast có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD trong một thỏa thuận đã được lên kế hoạch cho quý II/2021.
Vào tháng 5, Reuter cho biết thêm, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Công ty mẹ của VinFast) tiết lộ VinFast đang làm việc với các nhà tư vấn bao gồm JPMorgan và Deutsche Bank, để chuẩn bị cho kế hoạch VinFast niêm yết tại Mỹ.
Khi được hỏi về khả năng trì hoãn kế hoạch này, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết công ty vẫn đang tiến hành các thủ tục cần thiết để niêm yết tại Mỹ và nếu có thông tin mới quan trọng sẽ thông báo sau.
Vào tháng 7/2021, Tiki thành lập pháp nhân mới tên Tiki Global tại Singapore và chuyển 90,5% cổ phần của Tiki cho Tiki Global. Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên VTV sau đó, ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của Tiki khẳng định: đây không phải là động thái "bán mình" cho doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Khánh, về bản chất đây là hoạt động để Tiki thành lập một "thực thể" doanh nghiệp tại Singapore, phục vụ cho các mục tiêu ở giai đoạn phát triển sắp tới. Trong đó trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, thì muốn lên Sàn giao dịch hàng hóa Singapore (SGX), yêu cầu về tài chính đối với các doanh nghiệp là: Lợi nhuận tích lũy trước thuế 3 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 7,5 triệu SGD (tương đương 122,24 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế mỗi năm phải đạt ít nhất 1 triệu SGD (16,29 tỷ đồng) hoặc lợi nhuận tích lũy trước thuế trong 1 hay 2 năm gần nhất phải đạt tối thiểu 10 triệu SGD. Tức là những rào cản với Tiki ở SGX cũng giống HOSE.
Thế nên, theo nhiều chuyên gia, có thể Tiki đang tìm đường IPO ở thị trường nước ngoài (có thể ở Singapore hoặc các sàn khác) thông qua 1 SPAC.
Vào giữa tháng 8/2021, tờ Bloomberg đưa tin tập đoàn VNG của Việt Nam cũng đang chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty SPAC.
Theo đó, nhà phát hành game online này đang làm việc với các công ty tư vấn để đàm phán với các SPAC cho một thỏa thuận tiềm năng. Thỏa thuận này có thể định giá VNG từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD, theo nguồn tin giấu tên nói với tờ Bloomberg.
Tuy nhiên, nguồn tin này cũng không loại trừ khả năng VNG sẽ theo đuổi các phương thức khác để niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Còn đại diện VNG cho biết: họ chưa có quyết định SPAC hay IPO được duyệt và từ chối bình luận với thông tin mà tờ Bloomberg đưa ra.
Sở dĩ, phương thức kết hợp với SPAC được các doanh nghiệp nói trên cân nhắc bên cạnh phương thức IPO truyền thống là vì nó nhanh gọn - tiện lợi với thủ tục ít phức tạp hơn cách truyền thống. Đặc biệt, với những công ty công nghệ còn đang trong giai đoạn đốt tiền để tăng thị phần ở các mảng TMĐT hoặc gọi xe - tức tổng thể vẫn còn đang lỗ, thì SPAC là lựa chọn khả dĩ duy nhất để họ được ra mắt trên sàn chứng khoán.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đang nghiêm khắc hơn với các SPAC
Trong tháng 4/2021, SEC đã gây bất ngờ cho các SPAC khi đưa ra hướng dẫn mới rằng: chứng quyền - được phát hành cho các nhà đầu tư sớm trong các giao dịch, có thể không được coi là công cụ vốn chủ sở hữu mà có thể được thay thế bằng nợ phải trả cho các mục đích kế toán.
Cuối tháng 8/2021, Ủy ban Cố vấn Nhà đầu tư của SEC đã soạn thảo tài liệu dài 8 trang buộc cơ quan này phải "điều chỉnh SPAC sâu hơn bằng cách tập trung nâng cao và thực thi chặt chẽ hơn các quy tắc tiết lộ hiện có".
"Về bản chất, các SPAC chứa đầy xung đột lợi ích và chúng phải được tiết lộ cho các nhà đầu tư tiềm năng. Ngay cả khi những xung đột đó được tiết lộ, chúng có thể không rõ ràng đối với một nhà đầu tư thông thường", dự thảo văn bản nhấn mạnh. Cơ quan này dự kiến xem xét các khuyến nghị không ràng buộc trong các quy định cũ vào ngày 9/9 sắp tới.
SEC đang ngày khắt khe hơn với các SPACs.
Ngoài ra, SEC cũng đang xem xét hơn 1.000 thương vụ IPO qua SPAC trong hai thập kỷ vừa qua để làm rõ những diễn biến thực tế đằng sau việc niêm yết của chúng.
Như vậy, thay vì chờ đợi từ 3 đến 6 tháng để thực hiện IPO bằng cách sáp nhập với các SPAC, nhằm rút ngắn thời gian niêm yết như trước đây, các doanh nghiệp có thể phải đợi lâu hơn để thực hiện được mục tiêu của mình.
SEC không nói suông, bằng chứng là hàng loạt kế hoạch IPO tại thị trường Mỹ thông qua phương thức sáp nhập vào SPAC của một loạt ‘kỳ lân’ công nghệ Đông Nam Á đang tạm hoãn hoặc kéo dài thời gian hơn so với dự định. Ví dụ như Grab, Traveloka và GoTo.
Hồi tháng 4 năm nay, Grab lần đầu tiết lộ kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập với SPAC tên Altimeter Growth - trực thuộc tập đoàn Altimeter Capital Management, có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Thương vụ này sau đó bị trì hoãn đến quý IV/2021 do SEC thắt chặt giám sát hoạt động của SPAC, như buộc Grab phải hoàn tất công tác kiểm toán tình hình tài chính trong 3 năm gần nhất. Chủ tịch Grab - Ming Maa cho biết hôm 2/8: "Chúng tôi vẫn đang trên đà hoàn tất đề xuất sáp nhập với Altimeter Growth Corp. vào cuối năm nay".
Vậy nếu những thông tin của truyền thông nước ngoài đúng, thì cơ may nào cho những VinFast, Tiki, VNG hoặc Bamboo Airways?
"Những động thái nói trên của SEC sẽ tác động đến tiến độ IPO của các công ty khởi nghiệp Việt Nam và các nước trong khu vực trên thị trường chứng khoán Mỹ. Có thể thời gian thực hiện IPO kéo dài hơn có thể làm cho doanh nghiệp mất nhiều chi phí hơn cũng như bỏ lỡ mất cơ hội gọi vốn kịp thời", ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc hãng tư vấn AFA Research & Education, bày tỏ với truyền thông.
Ở khía cạnh khác, chia sẻ với chúng tôi, theo anh Lê Quang Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, thì có 3 lý do khiến nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nghĩ đến chuyện IPO thông qua SPAC ở thị trường quốc tế vào thời điểm này.
Lê Quang Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Ảnh: Vietstock
Đầu tiên, các doanh nghiệp Việt cảm thấy mình đã đủ mạnh mẽ để IPO trên sàn quốc tế, từ năng lực tài chính – kinh doanh cũng như thị trường; hay nôm na, tất cả năng lực nội tại của họ đã bắt đầu chín muồi, để có thể IPO ở nước ngoài thành công.
Thứ hai, các doanh nghiệp đầu ngành chưa niêm yết cảm thấy niêm yết trên các sàn chứng khoán Việt Nam thì hơi…phí. Nếu niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ, mỗi cổ phiếu của họ có thể có giá lên đến vài chục hoặc trăm USD, tại Việt Nam, sẽ không có nhà đầu tư nào chịu bỏ trên dưới 1 triệu để mua 1 cổ phiếu cả.
Hơn nữa, vì thị trường Mỹ đã quá trưởng thành, những nhà đầu tư chứng khoán ở đây có thể hiểu rõ những tiềm năng của Zalo (VNG) hay sàn TMĐT Tiki hơn là nhà đầu tư Việt. Theo đó, họ sẵn sàng bỏ giá trị cao để sở hữu cổ phiếu của những công ty công nghệ như thế này.
Cuối cùng, IPO ở thị trường Mỹ hay Singapore sẽ thuận lợi cho việc mở rộng thị trường kinh doanh sau này, trong tương lai ngắn là ra khu vực Đông Nam Á và sau đó là toàn cầu. "IPO tại Mỹ là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn cầu", ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways cho biết vào tháng 4/2021.
"Mặc dù SEC đang siết chặt hơn các SPACs, song tôi vẫn tin vào cơ may thành công của kế hoạch IPO tại Mỹ trong thời gian tới của VinFast hay VNG, nếu quả thật họ có ý định như vậy, vì những lý do mà tôi kể ở trên.
IPO ở các sàn quốc tế - đặc biệt là tại Mỹ là một xu hướng tất yếu của thế giới. Trong vài năm gần đây, đã có rất nhiều công ty Trung Quốc kéo nhau đến IPO ở sàn Nasdaq không phải vì người Trung Quốc thiếu tiền, mà bởi IPO ở Mỹ sẽ thu lại nhiều tiền hơn, cổ phiếu được giá hơn và cũng tốt hơn cho thương hiệu rất nhiều nếu so với việc IPO tại sàn trong nước", anh Lê Quang Minh kết luận.