IMF: Chính sách thương mại của ông Trump có thể làm tổn thương kinh tế Mỹ
Dù IMF mong rằng vụ tranh chấp thương mại này chỉ có tác động kinh tế tương đối nhỏ, nhưng bà Lagarde cho biết bà lo lắng về việc cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào.
Các chính sách thương mại của chính quyền Trump có khả năng làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và phá hoại hệ thống thương mại của thế giới, IMF cảnh báo.
Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết một cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến "cả hai bên đều thua" và có một tác động "nghiêm trọng".
Các mức thuế mới lên thép và nhôm nước ngoài đã chính thức có hiệu lực. Những mức thuế này khiến Châu Âu, Mexico, Canada và Trung Quốc phải đưa ra hoặc công bố các kế hoạch trả đũa. Chính động thái này đã đẩy cuộc họp của G7 vào cuối tuần trước rơi vào tình trạng lộn xộn, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại sự tán thành của ông dành cho tuyên bố chung và "tấn công" nước chủ nhà Canada.
Dù IMF mong rằng vụ tranh chấp thương mại này chỉ có tác động kinh tế tương đối nhỏ, nhưng bà Lagarde cho biết bà lo lắng về việc cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào. "Những gì nghiêm trọng hơn và khó khăn hơn để nói tới vào lúc này là tác động thực sự lên sự tin tưởng", bà nói tại một cuộc họp báo ở Washington.
Nhà Trắng - vốn cũng đe doạ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) - đang phản ứng với những lo ngại đang gia tăng về các tác dụng phụ của tự do thương mại. Nhưng IMF nhận định "dù vậy, các biện pháp này có khả năng khiến toàn cầu xa rời với một hệ thống thương mại mở, công bằng và dựa trên luật lệ hơn, với các tác động bất lợi cho cả nền kinh tế Mỹ và cho các đối tác thương mại".
Các quan điểm trái ngược nhau
IMF đã phác thảo những rủi ro trong bảng đánh giá hàng năm của mình dành cho nền kinh tế Mỹ, trong đó họ đưa ra một triển vọng sáng sủa trong ngắn hạn.
Tổ chức này dự báo tăng trưởng của Mỹ là 2,9% trong năm nay, khi gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 ngàn tỷ USD của chính quyền Trump và kế hoạch tăng chi tiêu liên bang thêm 300 tỷ USD tạm thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, họ cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm xuống còn 2,7% vào năm 2019 và 1,9% vào năm 2020, có xu hướng trở nên thấp hơn khi các tác động của việc cắt giảm thuế giảm dần.
Trong một phát biểu, Bộ Tài chính Mỹ đã phản đối những dự đoán này, nói rằng các chính sách của Nhà Trắng, bao gồm cả cải cách thuế và việc nới lỏng các quy định, sẽ dẫn đến "tăng trưởng kinh tế bền vững hơn".
"Mặc dù đánh giá cao công việc của IMF trên báo cáo của họ và có chung những dự báo ngắn hạn tương tự về tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng chúng tôi khác nhau đáng kể về các dự báo trung và dài hạn", Mỹ cho biết.
Bà Lagarde cho biết bà hy vọng rằng nhận định của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin là đúng, nhưng tỏ ra lo ngại về việc nợ công tăng và rủi ro về một đợt lạm phát đột ngột.
"Mặc dù các triển vọng ngắn hạn là tốt, nhưng một số vấn đề yếu kém đang tích tụ", IMF lên tiếng.