Im lặng là vàng - Thấy gì từ cuộc tranh luận bị tắt mic của Donald Trump và Joe Biden?
Cùng với luật tắt mic của ứng viên trong khi người khác đang nói, những toan tính của 2 bên đã đem lại 1 cuộc tranh luận hòa nhã hơn rất nhiều so với lần trước.
Donald Trump và Joe Biden không chỉ là 2 ứng viên cao tuổi nhất chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Họ cũng là những người nói dài dòng nhất. Tuy rằng phong cách của họ khác nhau – ông Trump thích nói những câu ngắn trong khi ông Biden ưa rườm rà, ông Trump thích bày tỏ ý kiến cá nhân trong khi ông Biden thường kể lể những câu chuyện, cả hai đều rất thích nói. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận cuối cùng vừa qua, có một điều kỳ lạ là dường như cả hai bên đều muốn dành cho đối thủ nhiều thời gian phát biểu hơn.
Những người phụ trách chiến dịch của ông Trump tin rằng ông Biden càng nói nhiều thì càng trở nên kém mạch lạc – điều củng cố lời buộc tội của họ rằng ông Biden không còn minh mẫn. Ngược lại, sau đêm tranh luận đầu tiên mà tỷ lệ ủng hộ dành cho cựu phó Tổng thống tăng cao vì ông Trump liên tục ngắt lời, dọa nạt và miệt thị đối thủ, phía ông Biden cho rằng ông Trump lên sóng càng nhiều thì sẽ càng làm mất lòng cử tri.
Cùng với luật tắt mic của ứng viên trong khi người khác đang nói, những toan tính này đã đem lại 1 cuộc tranh luận hòa nhã hơn rất nhiều so với lần trước. Tuy nhiên do ông Biden hiện đang dẫn trước với khoảng cách khá lớn và ổn định trong các cuộc thăm dò như hiện nay và gần 50 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm (tương đương 1/3 số cử tri dự tính), cuộc tranh luận này có lẽ sẽ không có chút tác động nào đến kết quả bầu cử.
Giống như thường lệ, Tổng thống Trump có nhiều phát biểu mâu thuẫn. Ông tự nhận mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phản ứng của mỹ với Covid-19 nhưng ngay sau đó lại quả quyết "đó không phải lỗi của tôi". Covid là "căn bệnh tồi tệ đến từ Trung Quốc" nhưng "sẽ sớm biến mất... chúng ta đang ở bước ngoặt". Ông cảnh báo tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ sẽ hủy hoại các doanh nghiệp nhỏ nhưng cũng cho biết sẽ xem xét điều đó trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông muốn làm sạch không khí và nước nhưng lại phản đối siết chặt các quy định về môi trường.
Trái lại đối thủ Joe Biden đã cung cấp được những thông tin khá chi tiết và mạch lạc về các chính sách nhập cư, y tế và chống biến đổi khí hậu mà ông sẽ triển khai nếu dắc cử. Ông hứa hẹn sẽ đề xuất chính sách cấp hộ chiếu cho 11 triệu người nhập cư không giấy tờ trong 100 ngày đầu nhậm chức.
Các chính sách chưa bao giờ là thứ giúp ông Trump lôi cuốn cử tri, và ông vẫn làm tốt việc chỉ trích đối thủ hơn là tự bảo vệ những luận điểm của mình. Điều cốt lõi mà ông theo đuổi vẫn giống như cách ông đánh bại bà Hillary Clinton 4 năm trước: buộc tội đối thủ là một "chính trị gia tham nhũng" đã không đạt được bất cứ thành tựu gì sau mấy chục năm làm việc ở Washington. Ông buộc tội ông Biden đã nhận hàng triệu USD từ Trung Quốc, Ukraine và Nga – số tiền không hề được thể hiện trong những tài liệu thuế mà ông Biden công bố cho 22 năm gần đây.
Đòn tấn công vào con trai của ông Biden – Hunter Biden - với những thương vụ làm ăn ở Trung Quốc có thể thuyết phục được những cử tri tin vào câu chuyện phức tạp này và mất lòng tin vào nhà Biden. Nhiều khả năng nhóm này vốn đã đứng về phía ông Trump và rất khó để những lời buộc tội này thuyết phục được những cử tri đang lưỡng lự, theo đánh giá của The Economist.
Ông Biden cũng mắc phải một số sau lầm. Ở phần cuối của cuộc tranh luận, ông nhầm tên nhóm cực hữu phân biệt chủng tộc Proud Boys thành "Poor Boys" và trích dẫn sai nhận định của ông Trump về nhóm này. Cam kết "cai dầu mỏ" cho nước Mỹ có thể khiến ông mất đi phiếu bầu ở những bang chiến trường có nguồn thu lớn từ dầu như Texas, Ohio và Pennsylvania. Lần cuối Texas bầu cho 1 ứng viên của đảng Dân chủ là từ năm 1976.
Tham khảo The Economist