Hy hữu khu đất bị chuyển nhượng cho hàng chục người cùng lúc, nhà sư cũng bị lừa

11/05/2018 08:46 AM | Bất động sản

Mặc dù địa phương đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng 9.793m2 đất đã cấp sai cho bố mẹ ông Vân nhưng ông này vẫn nhận tiền cọc, chuyển nhượng khu đất cho nhiều người khác. Vụ việc gây tranh chấp chồng chéo.

Vụ án có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nói trên xảy ra tại Rạch Bà Tánh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Chuyển nhượng đất của… người khác

Theo hồ sơ vụ việc, khu đất 9.793m2 tại Rạch Bà Tánh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh được chính quyền chế độ cũ cấp giấy chứng nhận cho vợ chồng ông Trần Văn Bảy – Lương Thị Mùi. Năm 1994, vợ chồng ông Bảy – bà Mùi có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng chưa được chính quyền địa phương chấp thuận.

Đến năm 1996, ông Bảy – bà Mùi chuyển nhượng khu đất cho ông Trần Công Năn. Sau đó, ông Năn chuyển nhượng tiếp cho ông Đỗ Đức Trung. Đáng nói, trong hai lần chuyển nhượng này, vợ chồng ông Bảy – bà Mùi đều có xác nhận tại chính quyền địa phương.

 Hy hữu khu đất bị chuyển nhượng cho hàng chục người cùng lúc, nhà sư cũng bị lừa  - Ảnh 1.

Tại khu đất thường xuyên có nhiều đối tượng lạ mặt tụ tập, gây mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, đến năm 1998, UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh lại căn cứ vào đơn xin cấp sổ đỏ của ông Bảy – bà Mùi từ năm 1994 để cấp giấy chủ quyền cho vợ chồng này.

Năm 2004, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi 282.000m2 đất tại Rạch Bà Tánh, trong đó có 9.793m2 diện tích đất nói trên, giao cho một doanh nghiệp triển khai dự án. Trước đó, năm 2003, doanh nghiệp đã đứng ra thương lượng bồi thường với ông Trung.

Sự việc trở nên phức tạp khi ông Trần Văn Vân, con trai của ông Bảy – bà Mùi, bị một số người tố chiếm đoạt tiền khi nhận đặt cọc để chuyển nhượng khu đất 9.739m2. Một trong những người tố cáo là ông T.T.P. Từ năm 2010, ông Vân nhận cọc 2 tỷ đồng của ông P. để chuyển nhượng toàn bộ khu đất.

Tuy nhiên, sau đó ông P. phát hiện khu đất đã được giao cho doanh nghiệp triển khai dự án nên đã làm đơn tố cáo ông Vân cũng như khiếu nại đến chính quyền địa phương. Cuối năm 2015, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp sai cho ông Bảy – bà Mùi.

Ông Vân đã khiếu nại quyết định thu hồi sổ đỏ của chính quyền địa phương nhưng UBND TP.HCM đã bác đơn, đồng thời công nhận và giữ nguyên quyết định của UBND huyện Bình Chánh. Thậm chí, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc và cho rằng quyết định thu hồi sổ đỏ là phù hợp quy định Luật Đất đai.

Nhiều nạn nhân sập bẫy

Mặc dù đã bị thu hồi sổ đỏ nhưng từ năm 2015 – 2016, ông Vân vẫn tiếp tục nhận hơn 13 tỷ đồng tiền cọc để chuyển nhượng 1 phần hoặc toàn bộ khu đất cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác. Theo các nạn nhân, trong các vi bằng được lập, ông Vân tự ý phân chia nền đất và hứa hẹn có sổ đỏ từng lô.

Một trong những người bị chiếm đoạt số tiền lớn đã tố cáo ông Vân là bà Nguyễn Thị Sự (69 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), trụ trì chùa Lá tại Long An.

Với mục đích xây dựng cơ sở khám chữa bệnh từ thiện, cuối năm 2016, bà Sự chuyển 7 tỷ đồng tiền cọc cho ông Vân để nhận chuyển nhượng 3.700m2 đất. Chờ hơn 1 năm nhưng không được giao đất, bà Sự tìm hiểu thì tá hoả khi biết khu đất này thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp khác.

 Hy hữu khu đất bị chuyển nhượng cho hàng chục người cùng lúc, nhà sư cũng bị lừa  - Ảnh 2.

Cảnh sát 113 phải đến để giữ trật tự tại khu đất vào giữa tháng 1/2018.

Nhiều người khác tố "sập bẫy" của ông Vân như ông T.X.Y (ngụ quận Tân Phú) đặt cọc 3 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 200m2 đất; Ông Đ.X.L (ngụ quận 4) đặt cọc 1,4 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 197m2. Thậm chí ông Vân còn mang khu đất này để hợp tác làm ăn với Công ty TNHH thương mại P.Đ.D (trụ sở quận 10).

Thời gian gần đây, tình hình tại khu đất trở nên phức tạp khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chuyển tiền cọc cho ông Vân đến tranh chấp. Chính quyền địa phương tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo dấu hiệu lừa đảo…

Trong khi đó, những cá nhân nhận chuyển nhượng đất hợp pháp từ doanh nghiệp có chủ quyền khu đất lại không thể xây dựng nhà cửa vì bị ngăn cản, đe doạ tính mạng.

Giữa tháng 1/2018 vừa qua, cả trăm đối tượng lạ mặt của nhiều nhóm xuất hiện tại khu đất để tranh chấp, gây áp lực cho nhau. Tình hình an ninh trật tự chỉ được vãn hồi khi Cảnh sát 113 đã phải nổ nhiều phát súng chỉ thiên. Vụ việc đang được Công an TP.HCM điều tra, làm rõ.

Theo Phương Anh Linh

Cùng chuyên mục
XEM